Lê Dân Bạch Việt vốn là giáo viên dạy nhạc tại Trường Nguyễn Đình Chiểu (quận 10) kể từ khi tốt nghiệp Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh năm 1987 nhưng ông lại được biết đến nhiều với những đóng góp thiết thực đối với cộng đồng người khiếm thị.
Chẳng hạn như công trình Phần mềm dành cho người khiếm thị, tham gia dự án Thư viện sách nói cho người mù khởi xướng ngay từ khi mới chỉ là ý tưởng, dự án phần mềm cho người khiếm thị của nhóm VCL do tiến sĩ Đinh Điền năm 1998, dự án phần mềm Anh Dương được giải Ngày sáng tạo của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam năm 2004…
Năm 2006, người đàn ông trung niên này trở thành người khiếm thị Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp thạc sĩ ngành Liệu pháp định hướng di chuyển tại Mỹ. Cũng kể từ đó, người đàn ông 49 tuổi này ngừng dạy nhạc, chuyển sang ngành học được xem là còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Cuộc trò chuyện bắt đầu từ hành trình của ông đến nước Mỹ. Ông nói:
Năm 2003, một giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho tôi bộ hồ sơ dự tuyển chương trình học bổng của Quỹ Ford và khuyến khích tôi thử sức, làm hồ sơ dự tuyển toàn quốc. Khi kiểm tra tiếng Anh, thay vì làm bài thi trắc nghiệm TOEFL như những thí sinh sáng mắt, người ta yêu cầu tôi viết một bài luận và trả lời thêm phỏng vấn.
Sau đó bài thi của tôi được chuyển qua New York, Mỹ để hội đồng giáo sư của chương trình học bổng quốc tế IFP thẩm định, rồi “quy đổi” ra điểm tương đương theo phương thức thi trắc nghiệm. Nghĩa là người ta làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Trông người lại ngẫm đến ta mà buồn. Cách nay ít lâu, chín học sinh Trường Nguyễn Đình Chiểu tốt nghiệp cấp II muốn chuyển qua học hòa nhập với học sinh sáng mắt. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà người ta không thành lập được hội đồng thi, khiến nguyện vọng của các em không thực được, đành tiếp tục học cấp III ở trường khiếm thị.
Nói tiếp chuyện du học. Tháng 8-2004, tôi qua Mỹ học Liệu pháp Định hướng di chuyển cho người khiếm thị tại Trường Pennsylvania College of Optometry (PCO) tại thành phố Philadelphia.
____
Cụ thể, “định hướng di chuyển” nên được hiểu như thế nào, thưa ông?
Nói một cách ngắn gọn thì định hướng di chuyển giúp người khiếm thị di chuyển một cách độc lập bằng cách kết hợp các giác quan còn lại, trong đó có mắt.
____
Nghĩa là người khiếm thị vẫn có thể sử dụng thị giác của mình trong quá trình di chuyển? Đây là một lĩnh vực trong ngành giáo dục đặc biệt cho người khiếm thị ở mọi lứa tuổi trong đó có người khiếm thị có thêm tật khác
Được chứ. Khiếm thị là tật mắt. Đã là tật thì có nhiều mức độ khác nhau. Theo Liên Hiệp Quốc, 85% người khiếm thị trên thế giới không phải là mù hoàn toàn. Thực tế là ở Việt Nam có nhiều em mắt còn khá tốt nhưng vẫn phải vào học trường dành cho học sinh mù hoàn toàn do những trường bình thường không tiếp nhận. Như vậy là sự thiệt thòi đối với các em.
So với những trường hợp đã mất hoàn toàn thị lực ở trường mù, mắt các em quá sáng. Tôi khuyên qua học hòa nhập ở những trường bình thường thì nhiều em khóc và nói rằng đã quen với việc bị xem là người khiếm thị. Đối với những trường hợp này, giáo viên có thể bố trí cho các em ngồi gần bảng, đeo kính, sử dụng sách nói để giảm bớt áp lực ghi chép, và có thể tạo điều kiện bằng cách kéo dài thời gian làm bài.
Đối với học sinh khiếm thị, phát triển định hướng di chuyển gắn liền với phát triển nhận thức, kể cả trí thông minh.
____
Việc học sinh khiếm thị ở mức độ khác nhau đòi hỏi những biện pháp đánh giá và cách can thiệp, hỗ trợ khác nhau?
Đúng vậy. Giáo dục đặc biệt là giáo dục cá nhân, không thể áp dụng phương pháp giáo dục đại trà, tập thể. Hiện nay, nhiều trường khiếm thị cũng đã thừa nhận tính đúng đắn của việc dạy định hướng di chuyển bằng phương pháp cá nhân, tức là một thầy (cô) kèm một trò. Nhưng việc áp dụng vào thực tiễn còn có những rào cản.
Thứ nhất, người ta đã quen với giáo dục tập thể. Bây giờ tách một em ra dạy riêng thì những em khác quậy, vì không có việc gì làm. Thứ hai, giáo viên không được phép để “cháy giáo án”. Tức là khung chương trình quy định dạy đúng ba tuần là phải đúng ba tuần cho cả lớp, không được chậm hơn và cũng không được nhanh hơn (nhất là học văn hóa).
- Xem thêm: Sống là tư duy độc lập
Trong khi thực tế là cùng một vấn đề nhưng có những em dạy một tiết là xong, trong khi có những trường hợp dạy hàng chục tiết cũng chưa xong (tùy theo mức độ khiếm thị hay hay khả năng tiếp thu của trẻ khác nhau). Đối với học sinh khiếm thị, phát triển định hướng di chuyển gắn liền với phát triển nhận thức, kể cả trí thông minh.
____
Đành rằng giáo dục đặc biệt theo phương thức “một kèm một” có nhiều ưu điểm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu có đủ giáo viên để triển khai?
Đấy cũng là điều khiến tôi suy nghĩ. Mơ ước của tôi là có nhiều người hiểu về định hướng di chuyển một cách đúng đắn để dạy lại người khiếm thị. Hiện tại, tôi đang chuẩn bị một dự án huấn luyện cho Hội người mù Quảng Ngãi. Chi phí đã có nhà tài trợ giúp. Hy vọng là cuối tháng 3-2011 sẽ bắt đầu triển khai. Theo đó, mỗi huyện ở Quảng Ngãi sẽ cử một người theo học chương trình này để phổ biến cho những người khác tại địa phương.
Ngoài ra, một số trường đại học và cao đẳng có khoa giáo dục đặc biệt cũng sẽ cử đại diện tham dự. Mặt khác, tôi cũng đang dịch một cuốn sách dạy cho học sinh chưa mất hoàn toàn thị lực tập nhìn. Cuốn này không chỉ có giá trị tham khảo đối với giáo viên, sinh viên ngành giáo dục đặc biệt, mà ngay cả phụ huynh cũng có thể sử dụng để giúp con em họ tập luyện thị lực tại nhà. Vai trò của gia đình là vô cùng quan trọng.
Theo tôi, các bậc phụ huynh nên động viên, khuyến khích các em sử dụng mắt có thể còn nhìn thấy còn lại trong sinh hoạt hằng ngày, tránh đối xử với các em như những người đã mất hoàn toàn khả năng nhìn. Thấy một chút cũng là thấy. Không sử dụng thì có nhìn thấy cũng không hiểu và đoán được sự vật, đồ vật. Tôi xem tivi nhiều từ nhỏ bằng cách ngồi cách màn hình hai gang tay cho đến khi đi học được hoặc sử dụng ống nhòm định hướng một mắt để nhìn xa hơn một chút. Lúc nào mỏi mắt thì ngừng.
Nên động viên, khuyến khích các em sử dụng mắt có thể còn nhìn thấy còn lại trong sinh hoạt hằng ngày, tránh đối xử với các em như những người đã mất hoàn toàn khả năng nhìn.
____
Định hướng di chuyển phụ thuộc khá nhiều vào môi trường. Việc áp dụng kiến thức thức ông tiếp nhận tại nước Mỹ có phù hợp với điều kiện Việt Nam?
Đó là một trong những đề tài tôi mang đến Thái Lan trong một cuộc hội thảo về người khiếm thị. Có những sáng tạo phản khoa học đang được truyền bá trong cộng đồng người khiếm thị. Chẳng hạn như khi sang đường, người ta khuyên nên đưa thẳng tay lên xin đường.
Làm như vậy cũng tốt nhưng vô hình trung che tai, và che trường của mắt, một trong những yếu tố quan trọng hỗ trợ người khiếm thị khi di chuyển. Hành động đúng là giơ tay nhưng hất về phía sau lưng. Bên cạnh nỗ lực của nguời khiếm thị, vai trò của cộng đồng cũng vô cùng quan trọng. Ở Việt Nam, tôi cũng thường sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển. Nhiều lần tôi hoảng hốt vì những người lái xe có thói quen giảm tốc độ khi đón trả khách chứ không chịu dừng hẳn. Có lần tôi đã bị té khi xuống xe, đau đớn cả tuần.
Là giáo viên định hướng di chuyển nhưng tôi cũng không thể dạy các em khiếm thị những bài học đu xe, nhảy xe kiểu như vậy. Một số học sinh cũ của Trường Nguyễn Đình Chiểu kể khi các em cầm gậy đứng chờ, nhiều tài xế xe buýt đã chạy luôn mà không rước.
____
Trở lại với câu chuyện về những ngày đầu đến nước Mỹ. Một thân một mình, ông đã xoay xở như thế nào nơi đất lạ quê người?
Sinh hoạt phí không phải là vấn đề đối với tôi. Hằng tháng, ngoài 1.400 USD từ học bổng quốc tế IFP, tôi còn được hỗ trợ thêm 1.000 USD chi phí đi lại trong thành phố và học phụ đạo phục vụ cho việc di chuyển. Về việc học, họ kết hợp cả ba phương pháp là lên lớp toàn thời gian, học bán thời gian (nửa trực tuyến, nửa tại lớp) và học trực tuyến (qua mạng internet), hình thức mà tôi không quen.
Trong sinh hoạt hằng ngày, việc chợ búa, nấu nướng cũng khá vất vả do tôi trọ học một mình. Tôi chủ yếu xài lò viba. Có khi đút cục thịt vô lò, đến khi lấy ra ăn thì phần ngoài chín, còn phần lõi vẫn lạnh ngắt. Món nào không biết cách nấu thì điện thoại hỏi bạn bè ở những bang khác.
- Xem thêm: Giúp người cũng là giúp mình
Phương tiện đi lại chủ yếu của tôi là xe buýt. Tài xế xe buýt có trách nhiệm. Dù xe đã chạy qua trạm dừng nhưng tài xế sẵn sàng dừng ngay đèn đỏ, xuống dắt mình lên xe. Nếu xe chạy quá nơi mình cần xuống thì họ chạy đến điểm cuối của tuyến rồi chạy xe không quay lại rước mình.
____
Tại sao ông không đăng ký ở ký túc xá, có gì cần còn nhờ người khác giúp đỡ?
Chương trình thạc sĩ đòi hỏi tự nghiên cứu khá nhiều, trung bình mỗi tuần phải đọc hằng trăm trang sách. Nhưng vì không đọc được bằng mắt nên tôi phải nhờ máy tính đọc giùm. Cụ thể, tôi dùng máy scanner quét nội dung giáo trình, khoảng 90 giây/1 trang, rồi dùng phần mềm trong máy tính đọc, còn mình tóm lược nội dung. Tôi không muốn dùng tai nghe vì không có lợi cho thính giác.
Máy tính nói um sùm suốt ngày nên ở trong ký túc xá không tiện. Về phía Quỹ Ford cũng khá chu đáo. Họ có một người hằng tuần ghé nơi tôi sống. Nếu mình cần thêm sự trợ giúp thì họ hỗ trợ. Điều quan trọng là phải nói ra điều mình cần thì họ mới giúp. Bởi lẽ, họ xem mình như sinh viên bình thường vì mình đã trải qua giáo dục hòa nhập. Người khiếm thị Việt Nam mặc cảm, ít chịu nói.
____
Phải chăng vì tiếng nói của người khiếm thị ít được lắng nghe?
Vấn đề lớn nhất hiện nay là người khiếm thị nói chung và người khuyết tật nói riêng chưa được lắng nghe. Nói cách khác, người khiếm thị cần một kênh đối thoại. Ngành giáo dục có một bộ phận phụ trách người khuyết tật nhưng tất cả thành viên đều không phải là người khuyết tật và cũng không hề được đào tạo chuyên môn về người khuyết tật.
Thế nhưng, họ lại là những người tư vấn ra quyết định liên quan đến người khuyết tật. Ở Thái Lan, hằng tháng thủ tướng đều dành ra một buổi để đối thoại cởi mở với đại diện hội người mù nước này. Theo đó, những vấn đề tháng trước đặt ra đã giải quyết đến đâu, còn tồn đọng những gì, tại sao, trách nhiệm thuộc về ai, cũng như những vấn đề mới cần giải quyết đều được đặt lên bàn thảo luận một cách sòng phẳng.
____
Có nhất thiết người ra quyết định phải là người khuyết tật hay không nếu như họ đã có trái tim biết rung cảm?
Chuyên môn và những trải nghiệm do thân thể khiếm khuyết là hai yếu tố quan trọng chi phối tính đúng đắn trong mỗi quyết định được đưa ra cũng như hạn chế sự áp đặt chủ quan. Thí dụ, vấn đề nổi cộm hiện nay là tình trạng lộn xộn trong giáo dục hòa nhập. Nhiều tổ chức quốc tế đã cảnh báo tình trạng một số trường khiếm thị ở đô thị lớn tiếp nhận học sinh ngoại tỉnh theo học giáo dục hòa nhập trong thời gian gần đây.
Việc này vô hình trung khiến những trường khiếm thị ở các tỉnh không cần nâng cao chuyên môn vì học sinh đã chuyển lên tuyến trên, giống như bệnh nhân ở nhiều địa phương đổ về Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Không thể thực hiện giáo dục hòa nhập vì học sinh ngoại tỉnh đâu có được phép ra đường. Còn ở trong trường, tức là giáo dục nội trú, thì có hạn chế là thiếu giao tiếp xã hội. Đa số các em ở trong trường là học sinh yếu. Hết lớp 12 thì các em được miễn thi đại học.
Nhiều bạn bè nước ngoài của tôi rất ngạc nhiên về vấn đề này. Người ta nói rằng “tạo cơ hội bình đẳng và toàn diện để người khuyết tật tham gia xã hội” nhưng lại quên vế đằng sau là “thông qua con đường giáo dục hòa nhập”. Tôi cho rằng tạo cơ hội bằng cách miễn thi có nghĩa là đã phân biệt đối xử với người khiếm thị. Ở Mỹ, học sinh khiếm thị nếu không học lớp 12 tại trường hòa nhập sẽ không được các trường đại học đưa vào danh sách xét tuyển.
Học sinh khiếm thị có cơ hội tham gia môi trường giáo dục hòa nhập thường lanh hơn những trường hợp học tập trong trường khiếm thị. Bên cạnh tình trạng nhiều trường bình thường ngại tiếp nhận học sinh khiếm thị, còn có một bất hợp lý tồn tại đã nhiều năm là quy định “đúng tuổi đúng lớp”. Ban giám hiệu dù muốn tiếp nhận cũng vướng phải rào cản này bởi thông thường, học sinh khiếm thị thường học trễ hơn học sinh bình thường.
Tôi cho rằng một trái tim biết rung cảm là chưa đủ. Có khi “tình thương vô ý gây nên tội”, khiến người khiếm thị bị tổn thương. Thành ra, trước khi giúp đỡ người khiếm thị, phải tiến hành khảo sát nhu cầu một cách nghiêm túc. Nhiều khi người khiếm thị có những nhu cầu mà vì nhiều lý do khiến bản thân họ cũng không biết, chẳng hạn như đi chơi công viên, đi nghe ca nhạc…
Tổ chức khuyết tật quốc tế (DPI) nói “không có việc gì của chúng tôi lại không có chúng tôi” hay “người khuyết tật cũng là chuyên gia trong lĩnh vực của mình”. Công ước về quyền của người khuyết tật được Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 3-12-2006 đã được Chính phủ và Quốc hội nước ta phê chuẩn cũng ghi rõ người khuyết tật phải được giáo dục hòa nhập và tham gia vào những lĩnh vực liên quan đến họ.
Ngành giáo dục có một bộ phận phụ trách người khuyết tật nhưng tất cả thành viên đều không phải là người khuyết tật và cũng không hề được đào tạo chuyên môn về người khuyết tật. Thế nhưng, họ lại là những người tư vấn ra quyết định liên quan đến người khuyết tật.
____
Theo ông, số lượng người khiếm thị ở Việt Nam là bao nhiêu?
Khi còn ở Mỹ, tôi cũng tìm con số này nhằm phục vụ cho một bài tập nhưng không thể tìm thấy. Hỏi Hội người mù thì được trả lời rằng theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) thì Việt Nam có từ 600.000 đến 900.000 người. Hỏi Bộ LĐ-TB-XH thì đại diện bộ này nói rằng dẫn nguồn từ Bộ Y tế. Qua Bộ Y tế thì được trả lời dẫn nguồn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thành ra không có con số chính xác. Mặt khác, quy định về người mù mới chỉ căn cứ vào thị lực của mắt là chưa đủ. Cần nhớ rằng mắt còn nhiều chức năng nhìn khác mà chúng ta chưa xem xét đến, chẳng hạn như yếu tố “thị trường”, tức độ rộng của tầm nhìn. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, thị trường của hai mắt dưới 10 độ mới được xem là mù.
____
Mặc dù biên độ dao động khá lớn nhưng hãy tạm chấp nhận con số 600.000 người đến 900.000 người. Đây là một con số không nhỏ. Vậy thì nên làm gì để tiếng nói kiến nghị của người khiếm thị có trọng lượng hơn, nhất là đối với những chính sách liên quan trực tiếp đến cuộc sống của họ?
Hãy bắt đầu từ cấp cơ sở. Theo cơ chế Nhà nước, những cuộc họp liên tịch ở Trường Nguyễn Đình Chiểu không có tiếng nói của hội người mù, mà chỉ có “bộ tứ” gồm Đảng, đoàn thanh niên, chính quyền và công đoàn. Không được tham gia liên tịch thì biết kiến nghị cái gì? Nếu tôi nhớ không lầm thì dự thảo thành lập Hội người khuyết tật nhưng lại có 10% hội viên là người không khuyết tật. Tôi không hiểu những người không khuyết tật vô hội người khuyết tật để làm gì? Con số 10% này cũng giống như trường hợp hội phụ nữ có 10% thành viên là đàn ông.
____
Cũng từ con số trên, có thể nhận thấy giải quyết việc làm cho người khiếm thị là một vấn đề khá nóng bỏng. Tuy nhiên, dường như ngoài bán vé số và làm massage, người khiếm thị không còn cơ hội lựa chọn nào khác?
Thực ra, bán vé số và làm dịch vụ massage đều là những nghề lương thiện. Dịch vụ massage khiếm thị ở TP. Hồ Chí Minh đang bão hòa, đồng nghĩa với việc cơ hội tìm được việc đối với người khiếm thị trở nên khó khăn hơn. Một phần là do tình trạng nhiều trường khiếm thị tiếp nhận học sinh ngoại tỉnh như đã nói ở trên. Sau khi học xong, các em có xu hướng ở lại thành phố. Còn bán vé số là một nghề đầy bất trắc.
Ngoài tai nạn đe dọa thường trực khi đi đường, các em còn bị những kẻ xấu giựt vé số, giựt tiền. Theo tôi, cần tạo điều kiện cho người khiếm thị hòa nhập tại địa phương. Nếu được hướng dẫn một cách chu đáo, họ có thể tự kiếm sống bằng cách nuôi gà, nuôi vịt, làm rẫy, thậm chí đan được cả lưới cá… Tìm được việc làm đối với người khiếm thị không dễ. Bản thân tôi cũng vậy.
Tháng 4-2006, về nước sau khi tốt nghiệp, tôi có tham gia một dự án hướng dẫn giáo viên và học sinh trong lĩnh vực nhìn kém với một trường đại học ở thành phố này. Khi tôi hỏi trưởng khoa Giáo dục đặc biệt của trường này rằng mình có thể chuyển công tác về khoa này hay không thì sau một hồi im lặng, bà ấy trả lời rằng chỉ nhận những người có bằng thạc sĩ trở lên.
Tôi nói mình học thạc sĩ ở Mỹ về. Im lặng một hồi lâu, bà ấy trả lời rằng “em bị vậy sợ không vượt qua được hội đồng xét tuyển giảng viên của trường”. Còn “bị vậy” là bị cái gì thì không cho biết cụ thể. Sau đó, họ mời tôi làm trợ giảng cho một đồng nghiệp trong khoa với mức thù lao 15 ngàn đồng/buổi.
____
Ông có nhận lời?
Tôi nhận. Tôi nghĩ dù ít dù nhiều, kiến thức và kinh nghiệm thực tế của mình thu nhận ở nước ngoài sẽ hữu ích đối với sinh viên ngành giáo dục đặc biệt. Thêm nữa, tôi cũng thích tiếp xúc với sinh viên.
Tôi cũng hy vọng việc Luật Người khuyết tật Việt Nam được Quốc Hội thông qua tháng 4-2010 có hiệu lực từ ngày 1-1-2011 sẽ mang lại cho chúng tôi cơ hội đối thoại.
____
Cảm ơn ông.