Quy định ghi giảm vốn đầu tư doanh nghiệp, quyền khai thác thông tin CSDL quốc gia về tài sản công, hiệu trưởng phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn, quy định về kinh phí ứng phó với biến đổi khí hậu… là chính sách nổi bật bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9.
Khai thác thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công
Có hiệu lực từ 1-9, thông tư 67/2018/TT-BTC Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, vận hành, trao đổi và khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, quy định Bộ này được khai thác thông tin về tài sản công của cả nước trong cơ sở dữ liệu quốc gia.
Các bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh có quyền khai thác thông tin tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trong cơ sở dữ liệu quốc gia.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản kê khai trong cơ sở dữ liệu quốc gia có quyền khai thác thông tin tài sản công của cơ quan, tổ chức, đơn vị và các đơn vị trực thuộc (nếu có) trong cơ sở dữ liệu quốc gia.
Hiệu trưởng THPT phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn
Ngày 20-7, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư 14/2018 quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục THPT, phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn gồm: Phẩm chất nghề nghiệp; quản trị nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục; phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Về quy trình đánh giá, thông tư nêu rõ hiệu trưởng tự đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng. Nhà trường tổ chức lấy ý kiến giáo viên, nhân viên trong trường đối với hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng.
Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện đánh giá và thông báo kết quả đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng trên cơ sở kết quả tự đánh giá của hiệu trưởng, ý kiến của giáo viên, nhân viên và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng thông qua các minh chứng xác thực, phù hợp.
Hiệu trưởng tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm học. Cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá hiệu trưởng theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan quản lý cấp trên quyết định rút ngắn chu kỳ đánh giá.
Quy định có hiệu lực từ 4-9.
- Xem thêm: Người lao động sẽ nghỉ 9 ngày Tết Kỷ Hợi
Danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn
Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Giao thông Vận tải được quy định tại thông tư 41/2018, có hiệu lực từ 15-9.
Ngoài các loại phương tiện giao thông đường bộ gồm tô khách (loại chở 10 người trở lên, kể cả lái xe); ôtô con; môtô; xe đạp điện… một số phụ tùng như khung, gương chiếu hậu, vành thép, ắc quy, lốp hơi môtô, xe máy thuộc danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn. Khi nhập khẩu, các hàng hóa này phải có chứng nhận hoặc công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.
Thời điểm kiểm tra, chứng nhận được thực hiện sau khi thông quan và trước khi đưa ra thị trường. Sản phẩm trong nước phải được chứng nhận hoặc công bố phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng trước khi đưa ra thị trường.
Bổ sung quy định giảm vốn của doanh nghiệp Nhà nước
Thông tư 59/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung thông tư số 219/2015 của Bộ Tài chính về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, có hiệu lực từ 1/9, bổ sung quy định “Ghi giảm vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp”.
Cụ thể, doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động thực hiện điều chỉnh giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong các trường hợp sau:
Đối với doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh giảm vốn điều lệ thì cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ tình hình thực tế hoạt động của doanh nghiệp, sự cần thiết phải giảm quy mô hoạt động của doanh nghiệp, nguyên tắc xác định vốn điều lệ của doanh nghiệp Nhà nước quy định để xác định vốn điều lệ giảm và báo cáo Thủ tướng quyết định xử lý giá trị vốn điều lệ giảm.
Trường hợp điều chỉnh giảm vốn điều lệ mà phát sinh phần chênh lệch vốn đầu tư của chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ điều chỉnh giảm thì xử lý như sau: Cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm thông báo và yêu cầu doanh nghiệp nộp phần chênh lệch này về quỹ “Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp” trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có quyết định của cơ quan đại diện chủ sở hữu về việc điều chỉnh giảm vốn điều lệ.
Doanh nghiệp Nhà nước hạch toán giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu trên cơ sở vốn điều lệ đã được xác định lại. Các trường hợp điều chỉnh giảm vốn điều lệ của doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động nêu trên, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các thủ tục thay đổi và công bố thông tin về vốn điều lệ trong giấy đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Văn bản điện tử phải gửi trong ngày ký
Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước sẽ có hiệu lực thi hành từ 6-9-2018.
Theo Quyết định này, văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày văn bản đó ký ban hành, chậm nhất là trong buổi sáng của ngày làm việc tiếp theo. Văn bản điện tử đến sau khi được tiếp nhận, nếu bảo đảm giá trị pháp lý phải được xử lý kịp thời, không phải chờ văn bản giấy (nếu có).
Trường hợp văn bản điện tử thuộc loại khẩn phải được đặt ở chế độ ưu tiên, ghi rõ mức độ khẩn, gửi ngay sau khi đã ký số và phải được trình, chuyển giao xử lý ngay sau khi tiếp nhận.
Quy định mới về kinh phí ứng phó biến đổi khí hậu
Việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 được quy định tại thông tư 70/2018 của Bộ Tài chính.
Thông tư nêu rõ các nhiệm vụ chi đối với hợp phần biến đổi khí hậu, gồm: Chi cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam; thực hiện rà soát, cập nhật quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; các quy hoạch sử dụng đất, thủy lợi, giao thông.
Xây dựng theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; đánh giá khí hậu quốc gia; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu của Việt Nam; xây dựng mô hình phát triển sinh kế cộng đồng cho khu vực đồng bằng sông Hồng thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước…
Đối với hợp phần tăng trưởng xanh, các nhiệm vụ chi là: Tính toán mô hình chi phí cận biên giảm phát thải, hệ thống giám sát đánh giá cấp địa phương và xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của khoảng 15 tỉnh; đào tạo nâng cao năng lực, thu thập số liệu đầu vào tại các địa phương; đào tạo, truyền thông cho khu vực tư nhân, ngân hàng thương mại.
Mức chi thực hiện các nhiệm vụ chi sự nghiệp của chương trình thực hiện theo chế độ chi tiêu hiện hành do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 22-9.