Những phần thưởng vật chất, những hoạt động giải trí, những chuyến nghỉ mát chưa đủ để tạo ra một môi trường làm việc có thể động viên nhân viên và khơi dậy lòng trung thành của họ.
Theo các chuyên gia quản trị nguồn lực, để nhân viên thật sự hài lòng về môi trường làm việc và gắn bó với tổ chức, doanh nghiệp cần phải làm cho nhân viên cảm thấy được tôn trọng, được tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp và có cơ chế giải quyết các xung đột nội bộ một cách thỏa đáng…
Sự tôn trọng
Đây là một trong những khái niệm mơ hồ và có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Có lẽ ai cũng có thể biết được khi nào mình tôn trọng người khác, khi nào không. Và chúng ta cũng biết được khi nào chúng ta được người khác tôn trọng, khi nào không. Tuy nhiên, chúng ta lại khó có thể giải thích chính xác vì sao. Ở góc độ quan hệ với nhân viên và tinh thần làm việc của nhân viên, thể hiện sự tôn trọng không chỉ là trả lương đầy đủ và đúng hạn.
Các sếp có thể dễ dàng đối xử với nhân viên như những người lười biếng và “không có đầu óc” hoặc quản lý nhân viên theo kiểu vi mô và thường xuyên đưa ra những lời chỉ trích họ. Nhưng đối xử với nhân viên như những cá nhân và sử dụng những thế mạnh riêng có của họ mới là một thử thách đối với các sếp. Không phải nhà quản lý nào cũng có thể tin tưởng nhân viên, đưa ra những phản hồi tích cực, những lời phê phán mang tính xây dựng.
Nếu các sếp không thể tin tưởng và tôn trọng nhân viên mà chính mình đã tuyển dụng thì vấn đề có thể nằm ở khâu tuyển dụng. Khi chọn được nhân sự thích hợp, doanh nghiệp cần phải đào tạo họ và trang bị cho họ những công cụ và môi trường làm việc cần thiết để họ thành công trong công việc của mình. Đó mới chính là cốt lõi của sự tôn trọng. Khi nhân viên cảm thấy được tin tưởng và tôn trọng, họ sẽ làm việc hăng say hơn và đóng góp hết sức mình cho công việc.
Cơ hội phát triển nghề nghiệp
Ngay cả khi doanh nghiệp đối xử tốt với nhân viên, cảm ơn nhân viên vì đã có nhiều nỗ lực và trao quyền cho họ để họ chủ động thực hiện công việc của mình thì cuối cùng nhân viên nào cũng sẽ cần một điều quan trọng hơn. Đó là cơ hội phát triển nghề nghiệp. Nhân viên nào cũng mong muốn biết trước bước tiếp theo trong nghề nghiệp của mình là gì. Nếu không vạch ra cho nhân viên một viễn cảnh phát triển nghề nghiệp rõ ràng, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ bị mất những nhân tài giỏi nhất. Họ có thể ra đi vì có những vị trí tốt hơn. Họ cũng có thể ra đi vì lo lắng về tương lai của mình ở doanh nghiệp và điều này làm suy giảm thành tích làm việc của họ.
Hiển nhiên, bất cứ công ty nào cũng sẽ gặp phải một khó khăn chung là không thể tạo ra đủ các vị trí cấp cao để tạo cơ hội thăng tiến cho nhân viên. Nhưng doanh nghiệp hoàn toàn có thể phát triển thêm các vị trí mới trên cơ sở chiến lược phát triển dài hạn của mình và nên vạch ra lộ trình thăng tiến rõ ràng cho nhân viên, nếu thật sự muốn giữ chân họ.
Tạo điều kiện để nhân viên nhận thêm trách nhiệm hay có thêm ảnh hưởng trong quá trình ra quyết định cũng là một cách làm hiệu quả khác để nhân viên có cơ hội phát triển nghề nghiệp mà không phải tạo ra thêm các vị trí mới. Đôi khi, doanh nghiệp chỉ cần làm những việc đơn giản hơn để nhân viên cảm thấy họ vẫn được phát triển nghề nghiệp, chẳng hạn như tạo điều kiện để nhân viên tham gia vào một dự án mới hay làm cho nhân viên cảm thấy kinh nghiệm, sự hiểu biết của họ được đánh giá cao trong việc hoạch định chiến lược cho doanh nghiệp.
Giải quyết xung đột nội bộ
Lương bổng, sự tôn trọng và cơ hội phát triển nghề nghiệp là những yếu tố quan trọng để tạo ra sự thỏa mãn cho nhân viên. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không có một cơ chế, quy trình giải quyết các mâu thuẫn nội bộ thì những yếu tố này cũng không đủ mạnh để giữ chân những nhân tài giỏi nhất. Nhân viên cần có một chính sách hay chuẩn mực thống nhất để bày tỏ những quan tâm, bức xúc của họ và đưa ra những kiến nghị mang tính xây dựng. Nếu những vấn đề này không được giải quyết thường xuyên, các nhân viên sẽ cảm thấy bất mãn và có thể rời bỏ doanh nghiệp.
Vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn đối với những doanh nghiệp có một môi trường làm việc quan liêu. Ở những doanh nghiệp này, việc báo cáo một vấn đề bức xúc hay đưa ra một lời than phiền có thể còn gây ra sự phiền toái và khó chịu cho nhân viên hơn cả vấn đề mà họ đang gặp phải. Để nhân viên làm việc vui vẻ, doanh nghiệp phải tạo ra một quy trình giúp các nhân viên giải quyết các vấn đề xung đột nội bộ một cách nhất quán, toàn diện và kín đáo. Nếu không, doanh nghiệp sẽ có nguy cơ mất đi những nhân tài mà lẽ ra không đáng mất.