Nhiều chuyên gia tài chính cá nhân cho rằng, hành trình đạt được sự tự do tài chính của mỗi chúng ta, cũng giống như một cuộc đua marathon. Ở đó, chúng ta phải trải qua nhiều đoạn đường, thử thách khác nhau. Đôi khi chúng ta chạy rất nhanh, đôi khi lại rất chậm, đứng im, hay thậm chí là… lạc đường. Chúng ta cũng gặp những người hỗ trợ, bạn đồng hành, cũng có khi là những kẻ cố tình chơi xấu. Cứ thế, chúng ta sẽ thường mất một khoảng thời gian tương đối dài, trước khi về đến đích.
Chính vì vậy, để có thể chinh phục được chặng đường tài chính gian nan của mình, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng những quy tắc của một cuộc thi marathon.
Sự bền bỉ
Nếu đã từng một lần tham gia cuộc thi marathon, chúng ta đều biết rằng, để hoàn thành (chiều dài một cuộc đua marathon tiêu chuẩn khoảng 42km) không chỉ cần cơ thể khỏe mạnh, mà còn cần một tinh thần, ý chí rất mạnh mẽ. Yếu tố quyết định hàng đầu để tạo ra ý chí mạnh mẽ ấy chính là sự bền bỉ – bao gồm lòng đam mê và sự kiên trì để đạt tới một mục tiêu tới cùng. Bền bỉ thường đòi hỏi chúng ta phải có sức chịu đựng tốt, thậm chí là phi thường, để trải qua những thời khắc gian nan, “nằm gai nếm mật” nhất trong cuộc đời.
“Không phải là vẻ ngoài ưa nhìn, thể lực tốt, cũng không phải là IQ (chỉ số thông minh) hay trí thông minh xã hội (social intelligence) sẽ báo hiệu cho sự thành công của chúng ta sau này, mà chính sự bền bỉ sẽ nói lên bạn là ai. Ý chí tạo ra sự khác biệt. Và ý chí không thể được hình thành dễ dàng. Nó phải được trui rèn trong lửa, ngày này qua ngày khác, cùng với búa và đe” – Angela Lee Duckworth, giáo sư khoa Tâm lý học thuộc University of Pennsylvania (Mỹ) đã nói như vậy trong một bài diễn thuyết của mình.
Cụ thể hơn, Thomas C. Corley (người bỏ ra năm năm theo dõi và phỏng vấn 233 triệu phú, những người có thu nhập ít nhất 160.000 USD/năm – hơn 3,6 tỉ đồng – và có khối tài sản hơn 3,2 triệu USD – hơn 72 tỉ đồng) đã nhận ra rằng chỉ hơn 1% trong số những người được ông khảo sát đạt được sự giàu có trước tuổi 40. Sự giàu có chỉ đến với họ sau khi họ đã trải qua một chặng đường dài, bền bỉ và nỗ lực.
Có một chiến thuật hợp lý
Sự bền bỉ, như đã đề cập, là một yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu tài chính cá nhân theo đúng thời gian mong muốn, chỉ sự bền bỉ thôi là chưa đủ. Bởi giống như trên đường chạy marathon, chúng ta cần phải có chiến thuật hợp lý nếu muốn cán đích với thời gian đúng như kỳ vọng. Cụ thể, cùng là quãng đường 42km, có người mất tám đến mười giờ để hoàn thành, nhưng cũng có người chỉ mất gần ba giờ để về đích.
Bí mật ở đây chính là cần một chiến thuật hiệu quả nhất giúp chúng ta có được điều mình muốn. Các vận động viên marathon chuyên nghiệp thường chạy chậm ở những kilomét đầu tiên, để làm quen với nhịp độ vận động, tập cho hơi thở có được sự ổn định, rồi chạy giữ sức với cường độ nhanh dần lên ở các đoạn đường bản lề, trước khi bung sức ở đoạn cuối để về đích…
“Tôi từng thấy rất nhiều người chỉ tập trung vào tiết kiệm để mong hoàn thành mục tiêu tài chính của mình” – Mark Cuban, có tài sản ước tính 3,3 tỉ USD (theo Forbes) cho biết – “Tất nhiên, tôi không đánh giá chiến lược này là tốt hay xấu. Nhưng sự thật thì chúng ta không nhất thiết phải mất thời gian lâu như thế. Chỉ cần học cách đầu tư, sử dụng đồng tiền bài bản và khôn ngoan hơn, thay vì chỉ khư khư tiết kiệm, bạn sẽ sớm có được điều mình muốn”.
Hạn chế bị chấn thương
Một nguyên tắc trong marathon nói riêng và trong hầu hết các môn thể thao nói chung, đó là để có được thành công, chúng ta phải hiểu rõ đâu là giới hạn của bản thân để hạn chế những chấn thương trong luyện tập và thi đấu. Bởi các cơ bắp sau thời gian vận động với cường độ cao, liên tục, cần có thời gian hợp lý để phục hồi, tái tạo.
Vì thế, khi đã có một sự bền bỉ, một lộ trình được thiết lập bài bản, thì để hoàn thành mục tiêu tài chính, chúng ta cần tìm ra giới hạn của mình, qua đó cân bằng mục tiêu tài chính với những nhu cầu khác trong cuộc sống, tránh sau này ân hận vì đã tàn phá sức khỏe, các mối quan hệ, tình cảm gia đình… vì mục tiêu ấy.
“Làm việc quá sức có thể khiến bộ não chúng ta phản ứng chậm hơn với những dấu hiệu cảm xúc. Nói cách khác, nếu không hiểu rõ giới hạn của bản thân, chúng ta sẽ khó mà thưởng thức được những điều tuyệt vời trong hành trình mà chúng ta đang theo đuổi. Do đó, hãy hiểu rõ điều gì bạn muốn có nhất trong cuộc sống, trước khi bắt đầu hành trình. Tình cảm gia đình, sức khỏe hay những mối quan hệ… Đừng bao giờ phải hối hận vì những gì mình đã làm” – Annie McKee, tiến sĩ tâm lý người Anh, nhìn nhận trên trang Harvard Business Review.