Ngành công nghiệp thời trang ngày càng có nhiều chương trình bảo vệ người mẫu khỏi những “yêu râu xanh” đội lốt nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế.
Tại Hội nghị thời trang Copenhagen, được tổ chức mới đây tại Đan Mạch, 100 người mẫu – trong đó có Karen Elson, Doutzen Kroes, Teddy Quinlivan, Milla Jovovich, Edie Campbell – đã ký vào bức thư ngỏ kêu gọi các nhãn hàng, nhà thiết kế, công ty quản lý và những đơn vị liên quan cùng chung tay bảo vệ quyền lợi cho người mẫu.
Khởi xướng chương trình này không ai khác chính là cựu người mẫu Sara Ziff, đồng thời cũng là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Model Alliance. Từ năm 2012, Sara Ziff có nhiều hoạt động đồng hành cùng giới người mẫu nhằm tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, tôn trọng lẫn nhau.
Sara Ziff cho biết với chương trình mới lần này, các người mẫu sẽ lên tiếng tố giác “yêu râu xanh” thông qua một hệ thống bảo mật, đề phòng trường hợp bị trả thù hoặc gây khó khăn trong công việc. Sau khi có cáo buộc, một cuộc điều tra sẽ được tiến hành bởi một đơn vị độc lập.
“Đây là tiến trình cởi mở và công bằng cho những người dám dũng cảm lên tiếng chống nạn lạm dụng tình dục. Chương trình này có lợi cho người mẫu, nhiếp ảnh gia và cả các công ty quản lý – bất cứ ai muốn làm những điều đúng đắn. Nó chỉ không có lợi cho những kẻ chuyên đi lạm dụng người khác”, Ziff (35 tuổi) chia sẻ.
Trước đó, hồi tháng 2, tổ chức Model Alliance của Ziff cũng phối hợp Hiệp hội các nhà thiết kế Mỹ (CFDA) để cung cấp khu vực thay đồ riêng cho người mẫu tham gia Tuần lễ thời trang New York. Theo Ziff, nhiều năm nay, các chân dài thường bày tỏ mối lo ngại về việc thiếu không gian riêng tư tại hậu trường tuần lễ thời trang, từ đó dẫn đến những bức ảnh xâm phạm đời sống cá nhân nghiêm trọng.
Còn CFDA khẳng định: “Chúng tôi không chấp nhận môi trường làm việc thiếu an toàn và khuyến khích mọi người trong ngành này hãy mạnh mẽ nói lên tiếng nói của mình”.
Từ cuối năm 2017 đến nay, ngành thời trang thế giới rúng động sau khi loạt nhân vật nổi tiếng bị tố có hành vi xâm hại tình dục. Những “yêu râu xanh” bị vạch trần trước công chúng gồm nhiếp ảnh gia Terry Richardson, Mario Testino, Bruce Weber, Patrick Demarchelier, David Bellemere, Greg Kadel, Andre Passos, Seth Sabal và ông chủ hãng Guess – Paul Marciano.
Theo trang Boston Globe, gần 60% người mẫu được phỏng vấn tiết lộ tình trạng các cô gái trẻ bị lạm dụng tình dục trong giới thời trang xảy ra thường xuyên.
Các hành vi xâm hại tình dục có thể là sờ soạng, cưỡng hôn, thậm chí hiếp dâm. Tuy nhiên, rất ít người mẫu chọn cách phản kháng vì không muốn ảnh hưởng đến sự nghiệp.
Bản thân Sara Ziff khi trả lời phỏng vấn trang Cosmopolitan từng thừa nhận vấn nạn lạm dụng tình dục đang bùng phát trong ngành công nghiệp thời trang.
Khi mới chập chững bước chân vào nghề (năm 14 tuổi), cô háo hức với ý nghĩ được sải bước trên sàn catwalk lộng lẫy, được xuất hiện trên những tạp chí uy tín và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, trao quyền cho phụ nữ. Nhưng cuối cùng cô nhận ra sự thật là những điều hoàn toàn trái ngược.
“Một trong những buổi casting đầu tiên của tôi diễn ra tại studio của một nhiếp ảnh gia tại East Village, Manhattan (lịch casting thường được thông báo sát nút nên gia đình không thể lúc nào cũng đi cùng tôi). Nhiếp ảnh gia này yêu cầu tôi cởi áo ngoài, cởi quần rồi đến áo ngực. Tôi đều làm theo. Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ làm sao để được thích, được nhận việc. Tôi không biết thứ gì khác”, Ziff nhớ lại.
Theo lời kể của Ziff, một mẫu nữ khác từng bị “yêu râu xanh” Terry Richardson yêu cầu cởi trang phục trong buổi chụp hình. Bệnh hoạn hơn, ông ta còn hướng dẫn cô cởi đồ cho mình, rồi gợi ý cô đụng chạm vào bộ phận nhạy cảm. Ziff cảm thấy bức xúc khi một thời gian dài sau đó Terry Richardson vẫn cộng tác với những nhãn hàng và tạp chí uy tín.
Sara Ziff kết luận việc yêu cầu người mẫu khỏa thân, bán nude hoặc thể hiện bất cứ hành động đụng chạm cơ thể nhạy cảm nào đều phải được thỏa thuận giữa hai bên trước khi buổi chụp hình diễn ra. Nếu không thỏa thuận, mọi hành vi tương tự đều là lạm dụng tình dục, chứ không phải “nghệ thuật”.
– Theo Zing