Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong lĩnh vực công nghệ và viễn thông để được như ngày hôm nay. Vượt qua giai đoạn giao tiếp hạn chế bởi những cuộc gọi bị nhiễu sóng, giờ đây, người dân cả nước có thể kết nối với bạn bè và người thân chỉ với vài thao tác.
Song song với việc triển khai 5G trên toàn quốc trong năm nay, cùng với việc các doanh nghiệp cũng cân nhắc việc ứng dụng 5G, Việt Nam đã bắt đầu khởi động nghiên cứu để triển khai công nghệ 6G. Vừa qua, Ban Chỉ đạo thúc đẩy nghiên cứu phát triển công nghệ thông tin di động 6G đã được thành lập do ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, làm Trưởng ban Chỉ đạo. Trách nhiệm của Ban chỉ đạo là đưa ra định hướng phát triển công nghệ 6G để đón đầu tương lai.
Dù hành động này thể hiện sự chủ động và tinh thần cầu tiến, nhưng để hiện thực hóa định hướng này đòi hỏi sự hợp tác mật thiết giữa các đơn vị công và tư. Chúng ta có thể lấy một ví dụ khi Intel đang hợp tác với Liên minh châu Âu (European Union – EU) trong dự án nghiên cứu 6G trọng điểm có tên là Hera-X. Đây là một sáng kiến để định hình chương trình nghiên cứu 6G, từ đó đặt lộ trình phát triển các phát minh công nghệ nhằm hiện thực hóa 6G vào năm 2030.
Và khả năng của công nghệ 6G mà Intel cùng các đối tác đang khai phá là không tưởng.
Với tiềm năng tốc độ cao hơn nhiều so với mạng 5G, công nghệ không dây gần như tức thì này sẽ là sự kết hợp giữa mạng viễn thông, điện toán, và AI vào trong hệ thống thay vì chỉ chạy ứng dụng trên nền hạ tầng mạng. Người dùng sẽ có thể sử dụng sức mạnh điện toán vô hạn và các nguồn lực AI/ML (trí tuệ nhân tạo/máy học) thông qua các giao diện Compute-as-a-Service (Điện-toán-như-một-dịch-vụ – CaaS) và AI-as-a-Service (AI-như-một-dịch-vụ – AIaaS). Nhờ đó, công nghệ 6G sẽ mở ra một thế giới hybrid (làm việc kết hợp) đích thực.
Khi Intel vạch ra lộ trình đổi mới sáng tạo dựa trên những gì kỷ nguyên 6G mang đến, với sự kết nối giữa con người, thế giới vật lý và thế giới kỹ thuật số – chúng tôi đã xác định ra ba mục tiêu lớn sẽ được thúc đẩy bởi công nghệ 6G. Ba mục tiêu này sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành nền kinh tế số hàng đầu trong thập kỷ tới.
Tham vọng đầu tiên: Một thế giới khỏe mạnh hơn
Đại dịch đã khiến y tế nhận được sự quan tâm trên toàn cầu trong hai năm qua và sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Với quãng thời gian giãn cách xã hội dài qua các giai đoạn trong năm 2021, Việt Nam chứng kiến sự nở rộ của nhu cầu về dịch vụ y tế từ xa và thông minh.
Tại một quốc gia mà gánh nặng y tế phụ thuộc vào những bệnh viên công ngày một quá tải trong công cuộc phòng, khám và điều trị bệnh, đại dịch đã buộc Việt Nam phải thay đổi tư duy, chuyển mình và tìm đến giải pháp công nghệ để cung cấp dịch vụ y tế, bắt đầu với những dịch vụ cơ bản như tư vấn trực tuyến với bác sĩ để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Đây là một tiền lệ chưa từng có để rút ngắn khoảng cách về khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Trong thế giới hybrid, công nghệ 6G cho phép những thiết bị trong cơ thể kết nối với các thiết bị đeo thông minh để theo dõi 24/7 những chỉ số quan trọng trên cả người khỏe mạnh và bệnh nhân nhưng vẫn đảm bảo an toàn về dữ liệu. Công nghệ này cũng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chính xác căn cứ trên sự khác biệt về di truyền học, môi trường sống và phong cách sống.
Thiết bị đeo thông minh và công nghệ điều khiển từ xa cũng có thể trở thành trợ thủ cho những người khiếm thị. Được trang bị cảm biến, thiết bị đeo thông minh có thể được dùng để phân tích và xác định vật thể, biển quảng cáo, và những nguy hiểm tiềm tàng để cảnh báo trước cho người dùng, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa chủ động. Hay sự kết hợp của viễn thông, điện toán, và AI cũng có nhiều tiềm năng để hỗ trợ quá trình xử lý hình ảnh. Ví dụ trong trường hợp một bức ảnh chụp từ làn da của bệnh nhân, dịch vụ AI dựa trên mô hình AIaaS có thể ngay lập tức xác định liệu có dấu hiệu của ung thư da hay không.
Tham vọng số hai: Một thế giới hợp tác hơn
Công nghệ không dây gần như tức thì của 6G mang đến tiềm năng để mở cánh cửa đến một thế giới hợp tác kỹ thuật số tân tiến.
Thông qua thiết kế và việc sử dụng các bản sao kỹ thuật số (digital twin), sự hiện diện ảo của thế giới vật lý được cập nhật liên tục, công nghệ 6G giúp việc hợp tác trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, qua đó cung cấp đủ nỗ lực cần thiết để hiện thực hóa các thành phố thông minh – lĩnh vực mà Việt Nam đang ưu tiên và lên kế hoạch cho cả nước. Khi tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu khắp hệ sinh thái của thành phố, phương pháp tiếp cận bản sao kỹ thuật số có thể giúp nhà quy hoạch thành phố, công nhân tại công trường, nhà cung cấp năng lượng, và người dân phối hợp làm việc hiệu quả hơn thông qua sử dụng mô phỏng, máy học, và lý luận để đưa ra quyết định.
Kết hợp với phản hồi liên tục từ thế giới thực và những tài sản liên quan, mô hình thành phố bản sao kỹ thuật số có thể trở thành một công cụ mạnh mẽ cho sự tiến hóa và lên kế hoạch trong tương lai, cũng như giúp các việc vận hành các thành phố thông minh tại Việt Nam hiệu quả và tiết kiệm hơn.
Với sức mạnh từ công nghệ 6G, chúng tôi kỳ vọng các bản sao kỹ thuật số sẽ giúp tối ưu hóa lưu lượng xe giao thông, xây dựng những ngôi nhà có đủ khả năng chống chịu trước những điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã được dự báo, và điều hướng để các hoạt động giao thông công cộng luôn thông suốt.
Với tốc độ thương mại hóa nhanh chóng của Việt Nam, cùng sự hoạt động mạnh mẽ của nhiều thương hiệu toàn cầu, giải pháp telepresence (một giải pháp về hội nghị truyền hình) kết hợp giữa thực tế và hình lập thể với sự hỗ trợ của công nghệ 6G giúp việc phối hợp làm việc từ xa, tư vấn và học trực tuyến trở nên sống động hơn. Những tương tác trong tương lai có thể bao gồm kết nối xúc giác khi giao tiếp sẽ bao gồm cả chạm, thay vì chỉ có nghe và nhìn.
Tham vọng số ba: Vì một thế giới bền vững hơn
Chìa khóa để Việt Nam đạt được cam kết COP-26 hướng đến phát thải ròng bằng “0” (net-zero) vào năm 2050 sẽ phụ thuộc vào khả năng khai thác các công nghệ hiện có để giảm thiểu lượng khí thải carbon, và những công nghệ sử dụng 6G sẽ đóng vai trò chính yếu.
Công nghệ 6G sẽ hỗ trợ chúng ta triển khai các cảm biến khai thác năng lượng ở bất kỳ đâu với kết nối hiệu quả về chi phí, cung cấp khả năng giám sát gần như liên tục hệ thống quan trọng về các khía cạnh môi trường như thời tiết, sự thay đổi khí hậu, và sự đa dạng sinh học.
Công nghệ kể trên có thể đóng vai trò quan trọng ở những khu vực trũng tại Việt Nam như Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi mực nước biển dâng cao và sự nhiễm mặn ngày càng tăng trên các tuyến đường thủy thường đe dọa đến cuộc sống và sinh kế của cư dân.
Hệ thống đo từ xa tự động toàn cầu có thể được dùng để cải thiện các mô hình khí hậu tốt hơn, giám sát và theo dõi tình trạng môi trường và giúp các hệ thống cảnh báo sớm các thảm họa thiên nhiên như lũ lụt hoặc lở đất, hoặc bảo vệ các hệ sinh thái và những động vật nguy cấp tốt hơn khỏi các mối đe dọa như nạn khai thác gỗ và săn bắt trái phép.
Khi ứng dụng bản sao kỹ thuật số vào sản xuất lương thực bền vững, sức khỏe, nhu cầu và các bệnh của cây trồng và vật nuôi đều có thể được giám sát liên tục. Chất lượng dinh dưỡng và thức ăn gia súc cũng có thể được quản lý để giải quyết các rủi ro nhằm tăng sản lượng và giảm chất thải.
Kết nối liền mạch sẽ mở khóa thế giới hybrid đích thực
Tầm nhìn của Intel dành cho 6G không chỉ gói gọn trong việc công nghệ này có thể cải thiện cuộc sống của người dân Việt Nam hay toàn cầu. Bằng cách phá vỡ những rào cản giữa con người, vật chất vật lý và vật chất kỹ thuật số, chúng ta có thể xây dựng nên một thế giới bền vững hơn, hợp tác hơn và khỏe mạnh hơn.
Những hoài bão này không chỉ đặt ra mục tiêu rõ ràng cho cộng đồng nghiên cứu và những người trong ngành như chúng tôi, mà còn truyền cảm hứng để nhiều doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam cùng nhau hợp tác, phối hợp chặt chẽ trong việc khai thác công nghệ tuyệt vời này trong tương lai. 6G không chỉ đóng vai trò nền tảng để mở ra cuộc cách mạng kỹ thuật số, mà còn là một cuộc cách mạng xã hội để hướng đến những điều tốt đẹp hơn.