Thời đó, trong xóm lao động nhà ai cũng đông con. Con nít tự chơi với nhau, vượt qua những rủi ro khi trèo cây, tắm ao, lội ruộng mà lớn lên…
Khu vực Bà Quẹo, đường Tân Kỳ – Tân Quý (ngày xưa là Hương lộ 13) cách nay nửa thế kỷ, tuy không xa ngã tư Bảy Hiền, nhưng gần như là vùng nông thôn. Ở đó, có nhiều vườn hoang, nhiều khu đất bỏ trống, cây cỏ mọc um tùm. Có nhiều nhà trồng tre chung quanh thành hàng rào, tạo thành những ngõ tre trúc quanh co, ban ngày mát mẻ đầy tiếng chim hót nhưng buổi tối âm u tới mức đáng sợ cho ai yếu bóng vía. Bà Quẹo nằm trên tuyến đường từ biên giới Tây Ninh về, trước năm 1975 là vùng “xôi đậu”, là nơi tranh chấp giữa lính quốc gia và du kích nằm vùng. Chợ Bà Quẹo xưa có bến xe ngựa tiếp nhận hàng lê-ghim từ chợ Hóc Môn về và từ đó chở đi phân phối đến các chợ Ông Tạ, Hòa Hưng và vài chợ khác.
Đám bạn tôi ở Bà Quẹo đa số là người miền Nam hoặc người Trung đã vào mấy đời, giọng nói đứa nào cũng chân chất, tính tình hiền lành. Các bạn này, khi kể chuyện “ăn, chơi” ở đó, đều có liên quan đến cây trái chung quanh. Anh Hùng, bạn tôi, đã sống sáu mươi năm ở Bà Quẹo, từ khi mới sinh ra. Cuộc sống của Hùng thời tuổi nhỏ, ngoài giờ học, là lang thang trong các khu vườn hoang, những ao hồ, đồng ruộng…
Sát nhà Hùng là khu vườn của một người Hoa vùng Chợ Lớn nhờ bà Năm, em của bà ngoại Hùng trông giữ. Vườn này khá rộng, trồng nhiều loại cây như điều, vú sữa, xoài, hồng quân, lý… và nhiều luống rau cải. Để trông chừng, bà nuôi chó berger. Trong vườn bà Năm có mấy cái giếng đào để lấy nước tưới cây và rau. Miệng giếng khá rộng, có mấy thanh tre gác ngang để đứng kéo nước. Đó là một cái giếng chứa đựng nhiều nguy hiểm đối với đám con nít. Một lần khi mới hơn mười tuổi, Hùng đứng trên thanh tre kéo nước lên và trượt chân suýt té.
Trước đó, chị gái của Hùng cũng đứng trên thanh tre bị ướt trong mùa mưa và té xuống giếng sâu cả bảy – tám mét, đầu va vào thành giếng. Chú bé Hùng còn nhỏ đang đứng gần đó òa lên khóc khi nghe tiếng thét của chị. May thay, ông Kim Ô, người Khơme, là chồng bà Năm biết được chạy bay đến, leo xuống vớt lên. Chị được đưa vô nhà thương nằm mấy ngày, may là bị thương nhẹ, đầu óc không làm sao.
Mấy luống cải xà lách, cải cresson được con trai bà Năm mà Hùng gọi bằng cậu chăm sóc, bắt sâu và tưới bằng… phân bắc rất xanh tươi, vừa để ăn vừa đưa ra chợ bán. Nhưng rồi có biến cố xảy ra khiến chúng bị bỏ bê hẳn luôn. Số là hồi trước năm 1975, người cậu này cùng với một người bạn tham gia du kích. Một lần, họ đến khu vườn cao su gần đó thuộc xã Tân Sơn Nhì để mật phục ném lựu đạn với ý định diệt một người phía quốc gia thì khi ném ra, trái lựu đạn trúng thân cây dội lại và nổ, cả hai đều chết. Buồn vì mất con trai, ông bà Năm bỏ bê mấy luống rau cải một thời gian rồi giao hẳn cho ba má Hùng chăm sóc và thu huê lợi.
Sau 1975, vườn bà Năm không ai trồng trọt trở nên hoang sơ, tiêu điều. Mùa hè, Hùng và mấy đứa bạn vô đó mót những trái cây còn lay lắt trên cành, toàn những trái bị chim ăn, trái đèo. Xong rồi đào dế, bắn chim… và đi lang thang sang những khu vườn khác. Có lần may mắn, Hùng khám phá ra một khu vườn trồng toàn cây nhãn lồng rất nhiều trái trên cành, những trái nhỏ bằng viên bi màu vàng. Nhóm bạn của Hùng hái đầy một nón lá. Có khi gặp cả một vườn ổi sẻ trái sum sê. Trong một khu vườn nào đó còn có những trái nho rừng, trái giòn tan nhưng sẽ bị ngứa họng sau khi ăn. Có cả những trái mắm đầy nhớt. Trong đám bạn, có thằng Phuốt em có dàn ná bắn trái cây thuộc loại “siêu”, nó chỉ bắn trúng cuống chứ không bắn vào trái, giữ nguyên vẹn để ăn.
Dế là côn trùng đáng nhớ nhất của tuổi thơ Bà Quẹo. “Mùa dế” là một trong các “mùa”, bên cạnh mùa cá, mùa nắp phéng, mùa bao thuốc, mùa thun, mùa hình, mùa đạn (bi)… của đám trẻ Bà Quẹo thời đó. Trong lớp học, có mấy đứa bạn học dốt luôn phải nhờ Hùng dạy lại hay cho cóp bài nên phải hối lộ Hùng mỗi lần hai con dế gộc. Sau giờ học, Hùng mang về đá “bắt xác” cùng đám bạn chung xóm. Tuy vậy, muốn chơi dế, Hùng không đợi bạn “hối lộ” mà thích tự đi bắt.
Có lần, Hùng phát hiện được một cái hang, tưởng là hang dế, hô hào mấy đứa đi cùng đổ nước xuống cho chúng ngộp nước trồi lên. Ai ngờ dế không trồi lên mà là cái đầu của ông “nằm vùng” đang ẩn nấp, làm cả đám chạy mất dép. Có khi đi bắt dế cơm, thứ dế to bằng ngón tay cái. Thấy hang, bắt mấy con kiến đen bỏ xuống, dế chịu không nổi bèn chui lên. Hùng ung dung bắt bỏ vô lồng, đem về nhồi đậu phộng rồi chiên trong chảo, ăn ngon tuyệt! Đến mùa hè thì mấy anh em rủ nhau thức dậy từ sáng sớm, tìm bắt mấy con ve sầu từ dưới đất chui lên. Thân mình chúng béo tròn, toàn “sữa”, chiên ăn thật đã.
Khi nào cái bụng kêu réo sau những buổi trưa đá banh, thì kiếm đồ ăn vặt. Vườn nhà bà Năm còn nhiều đất để hoang không trồng tỉa, có lẽ vậy nên những con rắn mối tụ lại rất nhiều. Trong đám bạn của Hùng có thằng Tý là em cô cậu giỏi săn bắt cá, ếch và rắn mối, lại biết cách làm thịt. Rắn mối được làm sạch, bỏ ruột, nướng lên, chia nhau nhấm nháp thứ thịt trắng ngọt mềm chấm muối ớt, ngon hơn thịt gà. Khi bắt cá, nó rọi đèn pin đi soi vào ban đêm, dùng cái chĩa sắt để chĩa cá lóc, cá rô vào đuôi cá để cá còn sống, nấu ăn ngon mà đem bán cũng được giá.
Đến mùa cá, tức là mùa mưa, đi vớt cá lia thia đuôi dài đủ màu về đá với nhau. Hoặc chơi đá gà, bứt mấy cọng cỏ có đầu quất với nhau, cỏ của ai bị đứt đầu trước thì thua. Hết biết làm gì nữa thì lân la qua nhà “đại lực sĩ” Hà Châu đối diện quán cà phê Cây Thị gần đó, nổi tiếng vì đã từng cho xe hủ lô cán qua người. Ông Hà Châu ở nhà làm hàn xì, hiền khô, đứa con nít nào cũng khoái nhìn ông gồng lên khoe bắp thịt ngực và bắp tay nở nang.
Đó là chuyện “ăn – chơi” miễn phí nhưng thật vui ở cái tuổi bắt đầu tìm hiểu cuộc sống chung quanh. Thời đó, trong xóm lao động nhà ai cũng đông con. Con nít tự chơi với nhau, vượt qua những rủi ro khi trèo cây, tắm ao, lội ruộng mà lớn lên. Hàng quán chung quanh, giá tuy rẻ nhưng không mấy khi có tiền để được ăn. Hùng nhớ ông già người Hoa sống một mình trước nhà bà Năm, có nghề chế biến và bán thịt bò viên. Ngày nào Hùng cũng nghe tiếng dao của ông bằm thịt bò côm cốp, đều đặn. Bằm xong, ông dùng tay xoắn một cái, ra một cục bò viên rồi gạt sang một bên, tiếp tục nắn viên khác. Ông nấu nước lèo thơm phức, khách đến gọi ăn, ông mới thả bò viên vào tô, múc nước lèo nóng chan vào để khách chấm tương đen tương đỏ.
Hùng và các anh chị thèm ăn nhưng không bao giờ được ba má cho ăn. Sau này khi lớn lên, Hùng nhớ lại những tràng ho dài của ông khi băm bò viên và hiểu ba má muốn bảo vệ các con. Lúc khác, Hùng được cho năm cắc để ăn xôi, bắp hay bánh cam. Hôm nào thèm bánh mì thịt, năm cắc không đủ, thì xin bà bán bánh bán nửa ổ, cho cà chua dưa leo và xịt chút nước tương cũng thấy ngon. Thèm cơm tấm thì đợi cuối buổi sáng, ra hàng bà Tư mua cơm cháy giá năm cắc. Bà vui vẻ vét nồi cơm, cho vào dĩa chỉ có cơm cháy giòn tan chan mỡ hành, nước mắm, có cà rốt ớt bằm và dưa leo thôi cũng ngon, no căng bụng.
Người Bà Quẹo nửa thế kỷ trước cảm thấy hài lòng vì nơi mình ở không phồn hoa đô hội, nửa thị nửa quê nhưng coi vậy mà sướng, dân cư chất phác, rau thịt có sẵn, xe ngựa cũng nhiều. Muốn ra Sài Gòn luôn sẵn xe ngựa, xe lam. Ngồi xe ngựa là thú vui hiếm có, được rong ruổi từ chợ Bà Quẹo, chở ra tuốt chợ Đũi phía gần rạp Nam Quang, ra ga Sài Gòn, chợ Cũ Hàm Nghi.
Nửa thế kỷ trôi qua, Bà Quẹo thay đổi như bất cứ vùng đô thị nào ở Sài Gòn – Gia Định. Bạn bè ở khu Phú Nhuận, Hòa Hưng gặp Hùng luôn than vãn là hai mươi năm nay, cuộc sống chung quanh khác xa nhiều quá. Ở những khu phố đó từ lâu đã đô thị hóa còn cảm thấy như vậy. Huống chi là vùng Bà Quẹo, nơi đầy vườn cây, bụi tre, tiếng chim, luống rau cải, những miếng rẫy trồng vạn thọ vàng tươi trải dài bất tận vào những ngày cận Tết… Đám con cháu Hùng bây giờ không mấy khi thấy con gà tre, con dế cơm, con rắn mối càng không, suốt ngày ôm ti vi, vi tính để được thấy con kangaroo, con ngựa vằn châu Phi và học cách bảo vệ hành tinh này để được gần gũi với thiên nhiên.