“Cây đại thụ thời trang” lừng danh người Pháp – ông Pierre Cardin đã trút hơi thở cuối cùng ngày 29/12, hưởng thọ 98 tuổi. Pierre Cardin là một nhà thiết kế đã có công làm thay đổi ngành dệt may của Việt Nam, giúp thành lập nền móng cho các xí nghiệp dệt may Việt.
Ngày 29/12, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin nhà tạo mẫu lừng danh Pierre Cardin đã qua đời ở tuổi 98 ở một bệnh viện tại Neuilly, phía Tây thủ đô Paris (Pháp). Gia đình ông và Viện Mỹ thuật Pháp xác nhận thông tin trên, nhưng không cho biết nguyên nhân khiến ông qua đời.
Trong sự nghiệp trải dài 3/4 thế kỷ, với vô số ngành nghề (từ thời trang qua nhà hàng khách sạn, thậm chí là bất động sản), Pierre Cardin được nhớ đến ở khía cạnh một doanh nhân nhiều hơn là một nhà thiết kế thời trang.
Sinh năm 1922 tại Italy, Pierre Cardin và gia đình chuyển đến Saint-Étienne (Pháp) năm ông hai tuổi. Cha ông – một thương gia buôn rượu vang giàu có – muốn Cardin nối nghiệp hoặc theo ngành kiến trúc, nhưng từ nhỏ ông thích thú với ngành may mặc. Từ năm 14 tuổi, cậu bé Cardin bắt đầu làm thợ may học việc, học các kiến thức liên quan tới thời trang. Theo tạp chí Vogue, Pierre Cardin là người có kiến thức rất rộng về xây dựng, kiến trúc, điêu khắc và là nhà tạo mẫu hiếm hoi thời đó có cả kỹ năng cắt may tuyệt vời.
Cậu thanh niên trẻ tới Paris năm 1945, làm việc cho nhà mốt Paquin, Elsa Schiaparelli trước khi thành thợ chính cho xưởng may của Christian Dior thời kỳ New Look nở rộ vào năm 1947. Dior từng nhận xét: “Những nhà thiết kế như Pierre Cardin là tương lai của thời trang cao cấp”. Năm 1950, Pierre Cardin thành lập thương hiệu mang tên mình. Phong cách thanh lịch, hiện đại giúp ông nhanh chóng được Đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy, các ngôi sao truyền hình và người dẫn chương trình nổi tiếng yêu thích.
Năm 1947, ông từ chối làm việc cho thương hiệu Balenciaga và trở thành người đứng đầu xưởng may của nhà thiết kế thời trang lừng danh người Pháp Christian Dior (1905-1957).
Năm 1950, Pierre Cardin thành lập hãng thời trang mang tên mình và biến nó trở thành một đế chế kinh doanh toàn cầu suốt nhiều thập niên sau đó. Pierre Cardin là thương hiệu gắn liền với các sản phẩm được giới mộ điệu đánh giá cao… bởi phong cách tiên phong và sử dụng nhiều hình khối hình học.
Trong suốt thời hoàng kim, nhà tạo mốt tiên phong nhiều xu hướng thời trang. Ông dẫn dắt cuộc cách mạng cách tân đồ nam, giới thiệu những trang phục gợi cảm, thanh lịch, tôn chiều cao và tuổi trẻ đàn ông. Đỉnh cao trong các mẫu thiết kế của Pierre Cardin có thể kể tới là blazer không cổ được nhóm nhạc huyền thoại The Beatles lựa chọn trong bộ ảnh giới thiệu thành viên những năm đầu sự nghiệp ca hát.
Tình yêu không gian, vũ trụ tạo tiền đề cho nhiều bộ sưu tập để đời mang tinh thần tương lai của Cardin trong suốt thập niên 1960 – 1970. Giai đoạn này, Cardin cho ra mắt nhiều trang phục lấy cảm hứng từ cuộc đua chinh phục vũ trụ giữa Mỹ và Nga. Trong đó, bộ sưu tập Cosmocorps ra mắt năm 1964 đã trở thành tiền đề cho trang phục trong phim khoa học viễn tưởng “Star Trek” năm 1966.
Pierre Cardin dành tình yêu, cảm hứng đặc biệt với châu Á. Ông mời Hiroko Matsumoto làm “nàng thơ” cho các thiết kế của mình, biến cô thành người mẫu Nhật Bản đầu tiên làm việc với thời trang cao cấp. Ông cũng là nhà thiết kế châu Âu đầu tiên đem thời trang tới Nhật Bản, tổ chức nhiều show diễn ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Siêu mẫu Naomi Campbell đánh giá cao Cardin bởi ông là một trong những người đầu tiên sử dụng mẫu da màu trình diễn. Thiết kế của ông được nhiều người nổi tiếng ưu ái lựa chọn như Eva Peron, Rita Hayworth, Elizabeth Taylor, Brigitte Bardot, Jeanne Moreau, Mia Farrow và cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Jacqueline Kennedy.
Tuy nhiên, có một mẫu thiết kế của ông vẫn lẫy lừng sau nhiều thập kỷ: Đó chính là Bubble Dress (chiếc đầm bong bóng) ra đời năm 1954. Chiếc đầm này có phom dáng thoải mái. Phần eo được chít lại, hơi giống phom dáng New Look của Christian Dior. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là gấu váy được túm lại, khiến phần tùng váy trông như một chiếc bong bóng. Kiểu dáng thoải mái lại vô cùng tôn dáng, nên ngay lập tức gây sức hút mãnh liệt.
Trong những năm 1970-1980, Cardin lấn sang lĩnh vực nước hoa, mỹ phẩm, thiết kế nội thất, thiết kế ôtô, thậm chí giấy vệ sinh, giá đỡ bút chì, mũ bóng chày, thành nhà mốt đầu tiên đứng tên nhiều lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu. Ông nhận ra rằng, một thương hiệu mang sức mạnh toàn cầu có thể bán đủ thứ mặt hàng chẳng liên quan gì đến nhau. Lúc ấy, điều này khiến nhiều người khó tin. Nhưng chỉ vài thập kỷ sau, các công ty khác đều mau chóng học theo. Bulgari có khách sạn. Gucci có mắt kính. Armani có socola. Coach có nước hoa. Họ đều học theo bộ óc kinh doanh của Pierre Cardin.
Người đàn ông giúp thay đổi ngành may mặc Việt
Pierre Cardin cũng là một trong những thương hiệu toàn cầu đầu tiên đặt chân đến Việt Nam. Năm 1997, Pierre Cardin đến Việt Nam thông qua công ty An Phước. Công ty này được nhượng quyền sản xuất chính thức các sản phẩm như áo sơ-mi, quần tây, cà vạt… nói chung là nhóm hàng thời trang công sở của Pierre Cardin.
Việc bắt tay với Pierre Cardin đã giúp An Phước phát triển vượt bậc. Thương vụ này mang nhiều khái niệm kinh doanh đặc thù cho ngành dệt may Việt. Từ việc cách phát triển rập, theo kích cỡ quần áo chuẩn… cho đến việc phát triển thương hiệu, quảng bá sản phẩm. Quan trọng nhất là học quy trình giám sát, quản lý khâu sản xuất, đề ra tiêu chí kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Từ đó, các doanh nghiệp dệt may Việt bắt đầu hoạt động có bài bản hơn. Đồng thời giúp Việt Nam trở thành một quốc gia đi đầu trong ngành gia công và xuất khẩu thời trang may mặc sẵn.