Mới đây, tập đoàn tư vấn bất động sản Knight Frank đã công bố báo cáo có tên “Asia-Pacific Horizon: Harnessing the Potential of Offshoring” (tạm dịch: Chân trời Châu Á-Thái Bình Dương: Khai thác tiềm năng offshore). Theo đó, Việt Nam nằm trong top 4 thị trường offshore (hình thức đăng ký, quản lý, vận hành hoạt động kinh doanh ở nước ngoài) tốt nhất thế giới trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các thị trường còn lại là Ấn Độ, Philippines và Malaysia.
Những tác nhân chính
Theo báo cáo, có ba xu hướng tác nhân chính giúp Việt Nam đạt được vị thế này. Thứ nhất là nhân công giá rẻ: lực lượng lao động với chi phí phải chăng của Việt Nam là yếu tố chính để thu hút hoạt động outsource. Một xu hướng đáng chú ý trong thị trường offshore tại Việt Nam là sự dịch chuyển về các dịch vụ giá trị cao như lập trình phần mềm, hay nghiên cứu và phát triển. Thứ hai là nguồn nhân lực tay nghề cao và thông thạo ngoại ngữ: Việt Nam có đến 96,1% dân số biết chữ, và đứng thứ 58/113 trong bảng xếp hạng năng lực tiếng Anh của người trưởng thành toàn cầu, đứng thứ bảy tại Châu Á theo bảng xếp hạng EF English Proficiency Index (EPI) 2023. Và cuối cùng là sự phát triển mạnh của cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng ngành công nghệ thông tin và viễn thông.
Việt Nam là lựa chọn phổ biến trong hoạt động Gia công Quy trình Kinh doanh (Business Process Outsourcing – BPO). Theo Statista, ước tính thị trường BPO ở Việt Nam đạt doanh thu 0,53 tỷ USD trong năm 2023, với tỷ lệ CAGR 12,7% giai đoạn 2016-2023. Nhu cầu về dịch vụ outsource như hỗ trợ khách hàng, nhập liệu, và lập trình phần mềm ngày càng tăng cao. Với vị trí chiến lược nằm gần các thị trường trọng điểm như Trung Quốc và Nhật Bản, lực lượng lao động có chuyên môn, và chi phí dịch vụ phải chăng, Việt Nam là sự lựa chọn hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đang tìm kiếm giải pháp outsource.
Giá thuê văn phòng giảm là lợi thế
Cũng theo báo cáo, thị trường offshore khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi giá trị, đạt 185,1 tỷ USD vào năm 2032. Dự kiến mức tăng trưởng này sẽ thúc đẩy nhu cầu phát sinh thêm từ 4,7 đến 5 triệu mét vuông diện tích văn phòng mỗi năm trong vòng ba năm tới.
Bà Christine Li, Giám đốc Dịch vụ Nghiên cứu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại Knight Frank cho biết: “Offshore đã và đang là động lực thiết yếu khiến nhu cầu văn phòng tăng cao tại khắp bốn trung tâm kinh tế nói trên trong quá trình tăng trưởng vững chắc”.
“Chúng tôi dự báo rằng khoản chi phí tiết kiệm được sẽ thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động offshore. Điều này đã được minh chứng tại Ấn Độ. Từ năm 2022 đến năm 2023, các giao dịch liên quan đến tỷ lệ Trung tâm Tương thích Toàn cầu (Global Compatibility Centre – GCC) đã tăng 10%, chiếm đến 35% tổng thị phần. Có thể nhận thấy xu hướng tương tự cũng xuất hiện tại ba thị trường còn lại là Philippines, Malaysia và Việt Nam, là những nơi offshore ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu về không gian văn phòng”, bà Christine Li cho biết thêm.
Trong bối cảnh này, Việt Nam có lợi thế khi giá thuê văn phòng, vốn có thể chiếm 10% đến 15% chi phí vận hành, ngày càng giảm. Dự kiến giá thuê văn phòng ở các thành phố lớn tại Ấn Độ sẽ cao hơn giá thuê ở Thành phố Hồ Chí Minh trong ba năm tới. Với nguồn cung dồi dào từ các dự án toà nhà văn phòng mới và sắp khai trương ở khu tài chính Thành phố Thủ Đức, giá thuê dự kiến sẽ giảm hơn 20% vào năm 2026.