Để thu hút được nhiều khán giả đến rạp, những nhà sản xuất phim đã có thêm nhiều phương thức để tiếp cận người xem, trong đó phải kể đến nhạc phim.
Không cần đầu tư quá công phu về khâu sáng tác và lựa chọn, phương thức rất đơn giản này đã tỏ ra khá hiệu quả.
Đầy bản hit
Nhạc trong phim luôn được đánh giá cao không chỉ ở mặt chuyên môn, bởi “âm thanh” là phần không thể thiếu trong một tác phẩm bên cạnh ngôn ngữ hình ảnh của nghệ thuật thứ 7. Các nhà sản xuất phim đã chú ý tới việc tạo nên các tác phẩm nhạc trong phim đủ sức thu hút người xem, nhưng thực hiện ở cách thức tối giản nhất. Đó là tìm một ca sĩ đang được quan tâm, đặt hàng sáng tác hoặc chọn sẵn một ca khúc đang là hit để tạo nên một tiêu chí dễ quảng bá cho phim.
Cách thức này tỏ ra rất hiệu quả, trước tiên vẫn là đưa tên phim của họ đến với sự tò mò của công chúng nhiều hơn. Ví như phim Mùa hè lạnh của đạo diễn Ngô Quang Hải, dù không thành công như mong đợi, nhưng ca khúc Yêu mình anh trong phim với sự thể hiện của Thu Minh đã tạo nên thành công đáng kể. Trong khoảng thời gian phim lên rạp đến nay, ca khúc Yêu mình anh đã nhanh chóng có được “đời sống” riêng, liên tục có mặt trong các bảng xếp hạng, đặc biệt là Bài hát yêu thích 2013 vừa qua. Giọng hát đang hot Thu Minh lại tạo nên một thành công nữa cho ca khúc trong phim Âm mưu giày gót nhọn của nhà sản xuất Katy Uyên. Với bộ phim này, việc đầu tư cho nhạc phim có vẻ chịu chơi hơn, khi mời cả Thanh Bùi cùng tham gia với Thu Minh. Bài hát Cứ thế mà đi của cặp song ca này đã trụ hạng khá lâu ở những bảng xếp hạng yêu thích của khán giả trẻ. Đó là xu hướng đem “thần tượng” vào nhạc phim.
Cũng có trường hợp tạo nên “thần tượng” từ nhạc phim, đó chính là tham vọng mà nhà sản xuất Quang Huy muốn tạo ra cho bài hit Buổi chiều hôm ấy trong phim Thần tượng. Đúng như tên phim, đạo diễn Quang Huy đã rất tài tình khi ghép cả hai yếu tố hit và hot trong một phân đoạn cuối, thể hiện tác phẩm Buổi chiều hôm ấy là ca sĩ Phạm Quỳnh Anh cùng với Hoàng Thùy Linh – một cô nàng rất “nóng”! Yếu tố ca khúc hay, chất lượng, phù hợp vẫn là tiên quyết, nhưng nếu không tinh ý “sắp đặt” đúng chỗ và có dụng ý thì chưa chắc những ca khúc trong phim tạo được tiếng vang đến như vậy.
Không chỉ đặt hàng sáng tác riêng, một số đạo diễn còn đơn giản hơn, lấy tác phẩm đang hot, có sẵn trên thị trường để lồng vào phim. Đương nhiên, đây không phải là cách khán giả thực sự thích, nhưng xét về hiệu quả kinh tế, mặt tích cực trong việc quảng bá là có thực. Một trong những đạo diễn hay thực hiện kiểu này là Victor Vũ. Trong hai phim mới nhất của anh: Cô dâu đại chiến 2 và Quả tim máu, đạo diễn Victor Vũ đã không ngần ngại sử dụng lại hai bài hát hit là Tìm lại bầu trời (ca sĩ Tuấn Hưng thể hiện) và Dấu mưa (ca sĩ Trung Quân Idol) thể hiện. Hiệu quả đạt được của hai ca khúc này là tạo được sự bất ngờ ngay trong quá trình xem phim. Khán giả thích ngay, nhưng câu chuyện “hậu” của những bài hát này không có thay đổi nhiều.
Xu hướng “đánh lẻ” ca khúc trong phim không có gì mới, nhưng rõ ràng, đây thực sự là vấn đề không nhỏ. Liệu chắp nối, chọn vài hit có sẵn và đo độ hot của ca sĩ để mời hát có phải là con đường dài mang lại thành công cho nhạc phim lẫn bộ phim? Và xu hướng này có làm mất dần khả năng tạo nên những hiện tượng mới đặc biệt về mảng âm nhạc trong điện ảnh?
Vị thế mới
Với những giới hạn về cả tài và lực trong một tác phẩm điện ảnh Việt, đôi khi chúng ta không thể kỳ vọng quá nhiều về việc có được phần âm nhạc thành công, có sức ảnh hưởng lớn. Áo lụa Hà Đông vẫn là một trong những tác phẩm được đánh giá rất cao cho đến hôm nay về chất lượng nhạc và âm thanh trong phim. Với sự lựa chọn kỹ lưỡng về ý tưởng kịch bản, nội dung ca khúc, và mời hẳn nhạc sĩ Đức Trí làm nhạc riêng cho phim; Áo lụa Hà Đông không chỉ thành công trong nước mà còn được bạn bè quốc tế công nhận. Việc tìm và mời những người chuyên môn về mặt âm nhạc, âm thanh từ nước ngoài về hợp tác trong phim đến hôm nay vẫn tồn tại. Ngay cả Áo lụa Hà Đông cũng có sự làm việc song song của nhạc sĩ Đức Trí và chuyên gia về âm thanh trong phim Dest O’Nel.
Mùa hè lạnh, hay Quả tim máu… đều có những cái tên quốc tế tham gia, tuy nhiên, không phải vì vậy mà có thể đảm bảo thành công về mặt âm nhạc. Cơ bản, hiện nay chúng ta vẫn thấy đa phần những bộ phim ra rạp đều khá đạt chuẩn về chất lượng âm thanh, như tiếng bước chân, âm thanh giọng nói, tiếng ồn hay tiếng động. Điển hình với thể loại kinh dị, đạo diễn Victor Vũ và Christopher Wong đã biết cách hù người xem với những đoạn có âm thanh đặc biệt, nhưng tổng thể mặt âm nhạc chưa hẳn là xuất sắc.
Việc tạo nên những tác phẩm đặc trưng cho phim Việt không chỉ ở phần kịch bản, diễn viên, đạo diễn… mà chính phần âm nhạc tinh túy bên trong sẽ tạo nên linh hồn cho một bộ phim. Khán giả Việt thích xem một bộ phim vì nó hay, phù hợp với gu thưởng thức của mình, nhưng điều này không đủ để bộ phim Việt ấy có thể cạnh tranh ở những thị trường lớn hơn, bởi làm thế nào có thể cạnh tranh với Hollywood về phim hành động, kinh dị… Vậy thì đâu là màu sắc của các phim mang thương hiệu “made in Việt Nam”? Có khi chính phần nhạc trong phim cũng là thành tố không nhỏ.
Dạ Vũ