Với người miền Nam nói chung, ta thấy một khi đã vui, đã chơi, đã thân thiện thì “xả láng sáng về sớm”, không câu nệ dẫu thật thật đùa đùa, bị xí gạt cũng không ngoài mục đích “mua vui” cùng nhau. “Lời quê góp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh” (Truyện Kiều). Thế nhưng một khi không còn cái tình, chỉ hơn thua bằng lý thì thì họ cũng lý, cũng cượng, cũng co, cũng cãi bằng mọi cách nhằm đạt đến công lý, chứ không xuôi xị đầu hàng, không bỏ cuộc nửa chừng, “làm như mèo mửa”. Khái quát cho tính cách này, còn có câu “Ông già Ba Tri”.
Về ông già Ba Tri, người trước nhất kể lại bằng thơ lục bát là nhà thơ Nguyễn Liên Phong. Trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (1909), ông tóm tắt:
Thuở ấy làng An Hòa Tây
Có ông Xã Hạt dựng gầy thị trung
Thường thường qui tụ cũng đông
“Chợ ngoài” tên đặt kêu dùng đã lâu
Khéo cho Tạo hóa cơ cầu,
Khiến ra thay đổi biển dâu cuộc đời
An Bình Đông xã một nơi
Có cây da lớn nghỉ ngơi bộ hành
Bán buôn hàng vặt rập rình,
Kẻ ngồi người đứng thích tình không đi
Ông cả Kiểm, thấy chuyện kì
Tới nơi cây ấy lập vi thị truyền
Chỗ nhằm cuộc đất linh thiêng
Như ai xuôi giục người riêng tấm lòng
Càng ngày càng thạnh càng sung
“Chợ ngoài” thưa nhóm, túng cùng nổi sân
Bốn cây đắp đặp cản ngăn
Không cho ghe cộ vào băng An Bình
Gây ra cừu oán đấu tranh
Kiện nhau tới tỉnh sự tình lôi thôi
Thế thần ông Hạt có rồi
Kiểm, bèn toan liệu với đôi ông Làng
Kinh đô ta kiếp băng ngàn
Ngự tiền trạng bạch ngai vàng xử phân
Châu phê đập chẳng khá ngăn
Cho ghe buôn bán dễ dân ra vào
Phước phần trời đã định tra
Ông Thái VănKiểm phú hào vĩnh vi
Tục ngữ rằng già Ba Tri
Ấy là minh chỉ vậy thì Thái ông
Kiện cho thấy mặt cữu trùng
Trong trào, ngoài quận người đồng ngợi danh
Từ đoạn thơ này, ta có thể kể lại ngọn ngành, năm 1759, ở Đàng Trong, chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cho phép lập làng nhằm ổn định đời sống của lưu dân, dần dần đi vào nề nếp. “Vua sáng tôi hiền” bao giờ cũng là lý tưởng sẽ góp phần tạo ra sự an cư lạc nghiệp cho người dân. Bầy tôi đề xuất sáng kiến ổn định cư dân trên vùng đất mới, ta phải kể đến Nguyễn Cư Trinh, khi khảo sát từ thực địa, ông nhận thấy ở những nơi có nhiều ngã sông, bọn trộm cướp thường lợi dụng tụ tập chỗ vắng, rình thuyền buồm qua lại để cướp bóc. Ông hạ lệnh, từ đây bất cứ thuyền lớn nhỏ đều phải khắc tên họ, quê quán chủ thuyền và quan sở tại làm sổ thuyền để tiện tra xét. Bên cạnh đó, ông còn đặt ra luật lệ giao thông đường thủy để tránh gây ra tai nạn, cho đắp đường vét kênh rạch… Thế thì, việc cho cho phép lập làng là cần kíp.
Tại Bến Tre, ông Thái Hữu Xưa từng làm thủ khoán, con trai là Thái Hữu Chư làm chức tri thâu đã xin lập Ba Tri trại cá. “Chỗ nào dân cư còn quá thưa thớt chưa lập được làng thì hợp lại thành “trại”. Người đứng đầu trại gọi là cai trại” (TL 2, tr.97). Nhân có lệnh này, ông Chư xin đổi trên trại cá Ba Tri thành làng An Bình Đông.
Trước đó, khi chúa Nguyễn Ánh dấy quân đánh lại nhà Tây Sơn, trên bước đường chiến đã từng trú tại cồn Đất, con trai Thái Hữu Chư là Thái Hữu Kiểm mang hằng ngày cơm gạo, cung cấp lương thực nuôi quân, vì lẽ này, chúa phong cho Kiểm làm chức trùm cả làng An Bình Đông. Xét ra, ông Kiểm cũng là người có “máu mặt”, chứ không phải “tay mơ”. Ca dao Bến Tre có câu:
Chợ Dinh bán áo con trai
Chợ Trong bán chỉ, chợ Ngoài bán kim
là bắt nguồn từ câu chuyện này: Bấy giờ, ở làng An Hóa Tây đã có chợ Ngoài, cách chợ Ba Tri chừng 3 cây số do ông Xã Hạc lập ra (Lưu ý ông Nguyễn Liên Phong ghi “Có ông Xã Hạt dựng gầy thị trung”, tuy nhiên các tài liệu lại ghi Hạc). Còn tại làng An Hóa Đông, năm 1806, ông trùm cả Thái Hữu Kiểm mới cho cất chợ tại Ba Tri, gọi là chợ Trong.
Tại chợ Trong, mhằm tạo điều kiện cho bà con xa gần lui tới, dễ dàng mua bán, ông Kiểm cho đắp lại con đường từ Ba Tri đi Vĩnh Đức Trung; từ Ba Tri đi Phú Lễ. Sự thuận lợi giao thông đã góp phần tích cực giúp ngôi chợ này ngày càng sầm uất, ăn nên làm ra. Tất nhiên, chợ Ngoài vì lẽ đó ngày một thưa vắng dần. Trước sự cạnh tranh chính đáng này, thay vì phải chỉnh trang lại chợ Ngoài, tìm mọi cách thu hút bà con, ông Xã Hạc nóng mặt giở chiêu “thượng điền tích thủy, hạ điền khan” – tức là đắp đập “ngăn sông cách chợ” như ông Nguyễn Liên Phong cho biết: “Đốn cây đắp đặp cản ngăn/ Không cho ghe cộ vào băng An Bình” – khiến tàu ghe từ sông Hàm Luông không thể vào chợ Trong được nữa.
Ông Kiểm tức giận bèn kiện lên huyện, lên phủ nhưng thua kiện.
Quyết không bỏ cuộc, ông Kiểm bàn cùng tham trưởng Nguyễn Văn Tới, hương trưởng Lê Văn Lợi đi ra Huế cầu cứu đến ngôi cửu trùng. Không đợi đến mùa gió thuận mưa hòa, ghe bầu thong dong lướt sóng, hiên ngang đạp gió nhanh chóng ra kinh đô, họ nóng ruột đi luôn. Đi bằng cách nào? Đi bộ. Thế mới biết, sự quyết chí “ăn thua đủ” thật đáng nể, đáng sợ.
Mà đi bộ ra Huế ắt phải lội đèo vượt suối ghê gớm, chỉ xin nêu một chi tiết nhỏ khi qua khu vực Nam Trung Bộ: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận. Ma Bình Thuận chưa thấy ra sao chớ hồi xưa ở đó, cọp nhiều lắm, có ít người không dám đi qua. Người ta sắm có hằng mấy trăm cây côn bỏ ở hai bên chơn núi để cho hành khách cầm phòng cọp rồi qua chưn núi bên kia lại bỏ đó một đống. Rồi tới phiên người ở bên đó cầm đi, bỏ trở lại bên kia, cứ làm luân chuyển như vậy hoài. Hồi đó hai đầu chưn núi có hai dãy quán, hành khách đến chơn núi nếu có ít người thì phải đợi đông mới dám qua. Phải năm ba chục người mỗi người cầm một cây côn mới đi được”. Chi tiết này, ông Diệp Văn Kỳ kể lại có đăng trên báo Thần chung (tháng 1.1929), ít nhiều đã cho ta thấy gan dạ của người xưa và càng rõ quyết tâm của ông Kiểm.
May mắn khi ra đến Huế, đơn kêu cứu của họ đã đến tay vua Minh Mạng. Cảm mến một dòng tộc, trong đó có ông Kiểm đã từng phò vua cha trong những ngày bôn tẩu, gian nan tận miệt vườn phương Nam; lại khâm phục ý chí của họ đã đi bộ ra tận đây; và xét thấy việc làm của ông Xã Hạc là không đúng, nhà vua truyền chỉ: “Dù làng riêng nhưng rạch chung, phu huyện phải coi đập phá”.
Từ thắng lợi rực rỡ ngày, ngoài việc chợ Trong còn gọi tên chợ Đập thì việc làm của ông Kiểm đã được khái quát thành “Ông già Ba Tri”- câu này nhằm biểu dương tính cách kiên trì đeo đuổi sự việc đến tận cùng, bất chấp mọi gian nan, dù trở ngại cỡ nào cũng làm cho bằng được, làm đến nơi đến chốn. Hành động quyết liệt này không duy ý chí mà họ đã biết chắc chắn lý lẽ, lẽ phải thuộc về mình. Cái hay của câu này, còn là ở chỗ “ông già”, đã già mà gân, già thể xác nhưng trí tuệ, ý chí, bản lĩnh vẫn trẻ, trẻ trung xuân sắc. Nếu từ “ông già” đổi qua cậu trẻ, thanh niên thì có gì đáng nói? Nội hàm chính yếu của “Ông già Ba Tri”, còn phải nhìn nhận ở góc độ đó nữa, có như thế mới thấy hết sức sống của người Bến Tre.
Về cụm từ “Ông già Ba Tri”, xưa nay, đã có nhiều nghiên cứu nhằm xác định chính xác, tường tận là nó gắn với con người cụ thể nào? Người này chọn ông Thái Hữu Kiểm; người kia chọn ông Cai việc Trần Văn Hạc – người trước đây đã từng phục dịch Nguyễn Ánh thuở né tránh trận đòn sấm sét của nhà Tây Sơn. Còn thời gian đội đơn đi từ Bến Tre ra tận chốn kinh đô, người này bảo thời Minh Mạng; người kia quả quyết thời Tự Đức…
Theo tôi, các chi tiết này không quan trọng lắm đâu. Không riêng gì câu này, các câu nói khác như “Quảng Nam hay cãi…”, “Ăn Bắc mặc Kinh” “Cô Ba Sài Gòn” chẳng hạn, một khi đã trở thành ngữ thì nó không thuộc về con người cụ thể nào nữa, ngay cả mốc thời gian cũng thế thôi, vì rằng, từ đây nó đã có sức khái quát, như là một “thương hiệu” đã định danh cho cả tập thể cư dân tại vùng đất cụ thể đó.