Trong khi hoa mơ, hoa mận, hoa đào… thu mình lại trước những cơn gió mùa đông bắc, tiết kiệm từng giọt nhựa để chờ xuân sang, thì dã quỳ cứ ung dung khoe sắc trong tiết trời giá lạnh. Người xưa kể rằng, cái tên khác lạ của chúng xuất phát từ một chuyện tình buồn của chàng K’lang và nàng H’limh.
Kể ra tập quán “sinh nở” của loài hoa này cũng thật ngược đời. Dã quỳ đua nhau dưới chân đồi, bên vệ đường, sườn núi, hay len lỏi vào ruộng đồng tựa như những mặt trời bé xíu. Thấp thoáng thôi cũng đủ làm đất trời mùa đông đẹp lên bội phần. Ngoài cái tên dã quỳ, loài hoa mang màu vàng tinh khiết này còn được gọi là cúc quỳ, sơn quỳ, hướng dương dại…
Xưa xửa xừa xưa, có vợ chồng K’lang và H’limh yêu nhau tha thiết và sống bên nhau rất hạnh phúc. Cho đến một ngày, chàng K’lang bị những tên hung ác của bộ tộc Lasiêng bắt giữ trong một lần đi săn. Để bảo vệ cho chồng, nàng H’limh đã lấy thân mình ngăn những chiếc giáo sắc nhọn của kẻ thù.
Nơi nàng ngã xuống từ đó mọc lên những bông hoa vàng mỏng manh nhưng sức sống mãnh liệt và ấm áp như ánh mặt trời. Từ đó, người ta gọi những bông hoa như thế là “dã quỳ”. “Dã” có nghĩa là hoang dã, “quỳ” có nghĩa là quỳ gục xuống. Nó tượng trưng cho tình yêu thủy chung mãnh liệt, vượt lên nghịch cảnh khó khăn.
Buổi sáng cuối tuần của một ngày đầu đông, mưa phùn giăng kín lối tạo nên làn sương mỏng và nhẹ như chiếc khăn voan. Cả bầu trời chìm đắm trong tiết trời cuối thu dịu dàng, xanh tươi và mát mẻ. Không còn nắng gắt, không còn oi bức.
Con đường đại lộ Thăng Long lúc ẩn lúc hiện trong sương gợi cho người ta cảm giác về một xứ sở thần tiên dung dị. Hội những người yêu du lịch rỉ tai nhau rằng, Vườn quốc gia Ba Vì hiện đang là nơi dã quỳ bung nở đẹp nhất. Sáng sớm cũng là thời điểm lý tưởng nhất để ngắm nhìn hình hài, sắc vóc vào độ thanh xuân của hoa. Vì vậy, mới hơn 6 giờ sáng lái xe qua đây đã thấy cả con đường xôn xao bước chân phượt thủ. Ai cũng lăm lăm máy ảnh, ống kính khủng, ăn vận đẹp đi săn lùng cái đẹp.
Tôi đến nơi khi cái nắng đầu đông vừa hừng lên nhẹ nhàng, nên vẫn chưa đủ sức làm sương đọng trên cành lá bốc hơi. Không khí trong veo khẽ rung rinh như sợi tơ trời mỏng mảnh. Lúc ấy, cả triền rừng Ba Vì tỏa sáng và đẹp hệt bức tranh do một họa sĩ tài danh nào đó phác thảo. Nghiêng tai chút còn nghe được từ nơi xa xôi cánh ong đập nhè nhẹ. Thiên nhiên bày ra một bữa tiệc thịnh soạn như mời gọi lữ khách đường xa ghé thăm và thưởng thức cùng mình.
Con đường từ cổng lên tới cốt 400m ngập tràn những thảm hoa vàng rực rỡ hơn cả ánh mặt trời. Những thảm hoa chạy hút tầm mắt, bao trọn cả quả đồi rộng lớn đang tận tụy với nhiệm vụ thăng hoa niềm vui cho một cuối tuần thảnh thơi hiếm có.
Dáng hoa khẳng khiu thế mà chịu mưa chịu nắng giỏi lắm. Đứng âm thầm qua mấy tuần đầu đông lạnh lẽo và khắc nghiệt, để chờ đến tháng đến ngày mà trổ bông thơm lựng cả một vùng quê.
Tất cả chúng tôi lặng im, say mê ngắm nhìn và tận hưởng cảm giác ngất ngây hiếm có trước khung cảnh thiên nhiên đầy cảm xúc này. Trong lòng thắm lại, nhẹ nhàng và êm ái như vừa đi qua một cơn mưa rào ngày hạ gột rửa sạch nỗi ưu tư. Hoa đem lại cảm giác mát lành, yên ả cho người ngắm nhìn. Hoa như đang xua đi chút không khí lạnh để đón những tia nắng đầu mùa. Thật không uổng công chúng tôi lặn lội từ xa tới đây sau quãng đường dài vất vả.
Vô tình ngang qua một góc đường xa, thưa vắng người, tôi bắt gặp một vài khóm dã quỳ lặng lẽ một mình bung nở. Cơn gió mùa đông bắc lan tỏa vào không khí thứ mùi đăng đắng, bùi ngùi vốn có ở loài hoa hoang dã này.
Bóng hoa mảnh mai và trầm mặc trên con đường sâu hút làm lòng người xốn xang. Dù không một tiếng động, dù khóm hoa nhìn như im lặng, nhưng tôi vẫn cảm tưởng bông hoa có chút rung rinh dịu nhẹ, xôn xao những tâm tình mà người đời không hiểu thấu được.
Thế nhưng, chỉ sau thời gian ngắn ngủi khoe sắc thắm, dã quỳ đã trở nên xác xơ trước cơn gió mùa thổi thốc và trước những lữ khách mê cái đẹp. Hoa vương vãi dưới chân sau khi người ta bẻ hoa chụp ảnh trong mọi tư thế.
Các tay máy thì cố gắng mô tả vẻ đẹp của khóm hoa đặc biệt này. Còn những người “săn hoa” thì mong thu hoạch về trên các trang mạng xã hội của mình nhiều ảnh đẹp. Người đi xuýt xoa ngắm hoa, ngồi cạnh hoa, vặt hoa, chụp hoa ở mọi tư thế. Người ở nhà xem hoa tha hồ nhấn like (thích) và viết comment (bình luận) ngợi khen.
Nghĩ mà thấy tội cho dã quỳ. Sinh ra trót làm bông hoa dại, dù có sắc có hương, cũng chỉ thu hút người ta trong một thời gian ngắn, rồi lụi tàn trong lãng quên.
Một chiều khác đầy gió, tôi thấy hoa dã quỳ cuối mùa như người ốm kiệt sức chờ giây phút về với đất. Những cơn gió mùa khô thông thốc, thản nhiên thổi rẽ đám hoa hết sức sống dập dềnh, oằn oại. Không thể hình dung trước đó, chúng đã từng là bức tranh rực rỡ, sống động.
Hoa lìa khỏi cành như cắt lìa nguồn sống, đứt đoạn thanh xuân, không còn tự do ngát hương nữa. Loài hoa nào cũng vậy, chỉ đẹp và an yên khi được ở trên cảnh.
“Hoa nở trên cành đâu muốn rụng. Người bên người đâu muốn rời xa nhau”…
Xóm làng khi ấy mờ đục sương sau lưng chúng tôi. Làng quê bình yên và thơ mộng theo cách của riêng nó. Dã quỳ đã bao mùa ngả nghiêng trong gió. Lác đác vài bông tươi tắn tít trên cao, đang nở hết mình cho ngày mai héo úa, chẳng tiếc gì và lại âm thầm dồn tất cả tinh lực tạo dựng cho vẻ đẹp mùa sau. Đẹp đến lụi tàn.
Lòng càng chùn lại khi hoa không còn rực nở nữa. Những đám cây khẳng khiu, rối rắm, xác xơ, trơ trọi bên đường gợi một vẻ đẹp hoang dã, gợi cảm và đúng hoàn toàn với quy luật nhân sinh. Cuộc sống cứ giản dị và bình thản trôi. Như mỗi ngày vẫn thế.