Đây không phải lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam thi đấu Davis Cup trên sân nhà, nhưng là lần đầu tiên các tay vợt được tranh tài theo thể thức thi đấu năm ván thắng ba. Sân thi đấu đạt chuẩn, khán giả háo hức đến sân ủng hộ, công tác tổ chức tốt…, Liên đoàn Quần vợt Việt Nam và thành phố đăng cai đã ghi điểm ở lượt đấu nhóm 2 khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng dù có thời gian làm quen với điều kiện không khí loãng trên độ cao khiến bóng có quỹ đạo di chuyển khác đi, Nguyễn Hoàng Thiên và đồng đội vẫn không thể vượt qua tuyển Pakistan có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế hơn. Thắng trận này, đội Pakistan được thi đấu trận thăng hạng nhóm 1 với đội Philippines.
Nỗ lực của Hoàng Thiên cũng chỉ giúp tuyển Việt Nam có được một trận thắng ở lượt thứ hai Davis Cup
Trước giải, đội tuyển Việt Nam tự làm suy yếu mình khi vắng mặt tay sợt số 1 Lý Hoàng Nam và cựu vô địch Đỗ Minh Quân (sang Mỹ học lấy bằng huấn luyện viên). Việc sử dụng Ngô Quang Huy cho thấy sự lúng túng của ban huấn luyện vì thành viên kỳ cựu này không được chuẩn bị tốt, trong lúc các tay vợt ít tên tuổi hơn còn yếu về mặt tâm lý. Quang Huy thua cả hai trận đơn và đôi (cùng Quốc Khánh). Sau trận thắng đẹp 3-0 (6-3, 6-2, 6-0) trước Muhammad Abid, Hoàng Thiên đã không thể tạo bất ngờ trước tay vợt số 1 của Pakistan Aqeel Khan hạng 349 thế giới, thua với tỷ số 2-6, 4-6, 2-6.
Davis Cup là giải đấu đồng đội, trong khi quần vợt là môn thể thao mang tính cá nhân rất cao nên chuyện đụng chạm lợi ích là không thể tránh khỏi. Thời đỉnh cao của mình, đã có lần Pete Sampras không muốn dành sức tham gia giải này vì anh nhận thấy người hâm mộở Mỹ không thật sự quan tâm Davis Cup như tại US Open. Ở Thụy Điển, Joachim Johannson từng bị “huýt còi” vì viện cớ chấn thương không thể góp mặt cùng đội tuyển, nhưng lại đăng ký thi đấu ở một giải khác. Chuyện cân nhắc tham dự giải là quyết định của cá nhân, nhưng chuyện can thiệp của cơ quan quản lý tay vợt có lẽ là chuyện chỉ có ở Việt Nam. Có thể Hoàng Nam vẫn mong muốn ra sân góp sức cùng đội tuyển và cũng để ra mắt khán giả (có mấy ai chứng kiến tay vợt trẻ này thi đấu, dù ở giải vô địch quốc gia?) sau khi từng mang vinh quang về cho đất nước (đoạt huy chương vàng tại Đại hội thể thao trẻ châu Á 2013) và thi đấu tốt ở các giải trẻ, nhưng Becamex Bình Dương – đơn vị đầu tư cho Hoàng Nam đeo đuổi nghiệp quần vợt – lại có tính toán khác.
Chuyện “người lớn” hục hặc nhau – căn bệnh kinh niên trong làng thể thao Việt Nam – có dịp bùng phát rõ nhất trong quần vợt, khi cùng thời điểm Davis Cup Hoàng Nam “bị” lên kế hoạch tập huấn ở Thái Lan để duy trì phong độ cho các giải đấu giúp tay vợt này thăng tiến. Vì thế, cơ hội ra mắt khán giả trong nước của Hoàng Nam đã bị bỏ lỡ cùng với cơ hội trụ lại nhóm 2 của đội tuyển. Ai được, ai mất trong câu chuyện này là đã rõ. Đầu tháng 4 tới, tuyển Việt Nam sẽ phải tiếp đội khách Sri Lanka để tranh vé trụ lại nhóm 2. Chỉ có điều khi đó, liệu người hâm mộ có còn háo hức đến cổ vũ cho đội tuyển khi chuyện hục hặc của người lớn vẫn chưa được giải quyết vì lợi ích quốc gia?
Huỳnh Quang