Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, nhóm trường Đại học khối ngành Y dược không tổ chức kỳ thi riêng…
Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã chính thức công bố Quy chế tuyển sinh Đại học và Cao đẳng năm 2020 (Quy chế tuyển sinh). Theo đại diện GD&ĐT, Quy chế tuyển sinh năm nay giữ ổn định, tương đồng như năm 2019 nhưng có một số điểm mới đáng chú
Mở rộng đối tượng tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT
Quy chế bổ sung thêm nhóm đối tượng thí sinh được tham gia xét tuyển hoặc dự thi là học sinh học chương trình nước ngoài tại trường trung học phổ thông (THPT) Việt Nam với điều kiện chương trình đó được nước sở tại công nhận và đạt trình độ tương ứng với trình độ THPT của Việt Nam. Ngoài ra, thí sinh là người nước ngoài, nếu có nguyện vọng học tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Hiệu trưởng các trường đại học căn cứ vào kết quả học tập của học sinh, kiểm tra kiến thức hay là năng lực tiếng Việt sẽ xem xét việc, quyết định cho những đối tượng này vào học.
Đại diện Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, quy định này mở ra cơ hội giao lưu hợp tác quốc tế của nền giáo dục đại học của Việt Nam, đồng thời tăng cường sự cạnh tranh giữa các trường ĐH, buộc các trường ngày càng nâng cao chất lượng, đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế để thu hút thêm học sinh quốc tế tới theo học.
Mặt khác, điều này cũng giúp các chương trình giáo dục THPT trong nước được nâng cao, tạo sự tương đồng với các chương trình đào tạo của thế giới, giúp các em học sinh Việt Nam khi theo học ĐH ở nước ngoài có thể dễ dàng thích nghi với môi trường học tập quốc tế.
Bên cạnh đó, Quy chế tuyển sinh 2020 tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe; đồng thời bổ sung quy định cụ thể về điều kiện tổ chức tuyển sinh riêng (thi các môn văn hóa, thi đánh giá năng lực…).
Theo đó, các trường phải có “bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh; Bảo đảm nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng, bao gồm từ lãnh đạo bộ phận chuyên trách, cán bộ xây dựng cấu trúc đề thi, cán bộ phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa và/hoặc tự luận, cán bộ chấm thi, cán bộ đánh giá, thẩm định các tham số của câu hỏi thi và đề thi, đến các cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên; Có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc tự luận đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi….”
Nhiều trường “rút” thi tuyển sinh riêng
Tính đến thời điểm này, nhiều trường ĐH đã chốt phương án không tổ chức thi riêng. Cụ thể là nhóm trường ĐH khối ngành y dược như ĐH Y dược Hải Phòng, ĐH Y Hà Nội… sẽ không thực hiện kỳ thi riêng trong năm nay, tùy từng trường sẽ có điều kiện xét tuyển riêng.
Trước đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã ra thông báo không tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh riêng năm 2020 như thông báo vào ngày 22-4. Phương án tuyển sinh của trường cơ bản như năm 2019, tức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT, A-Level, IELTS và các tiêu chí phụ khác do đơn vị đào tạo quy định.
Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh ĐH năm 2020 ngay từ tháng 3-2020 với phương thức chủ yếu vẫn dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoài việc xét tuyển thẳng với một số đối tượng học sinh tại các trường chuyên, năm 2020, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thử nghiệm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào nhằm lựa chọn những học sinh có năng lực phù hợp với yêu cầu của trường.
PGS-TS Huỳnh Quyết Thắng- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khẳng định, kỳ thi này được tổ chức với hình thức gọn nhẹ, không làm gia tăng áp lực lên học sinh. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ sớm công bố đề thi mẫu đánh giá năng lực.
Các cơ sở giáo dục đào tạo ĐH, CĐ mong muốn, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cần có sự phân hóa mạnh để kết quả thi có thể phù hợp với việc xét tuyển. Đồng thời, quá trình tổ chức thi, chấm thi cần phải được giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch đảm bảo khách quan, công bằng với mọi thí sinh.
Từ năm 2021, các trường ĐH-CĐ tự chủ trong tuyển sinh
Một số ý kiến cho rằng, quy định về điều kiện tổ chức thi tuyển sinh riêng có thể “làm khó” cho các trường bởi thời gian gấp rút, các nhà trường chưa có sự chuẩn bị về nhân lực, việc tự xây dựng đề thi và ngân hàng đề thi cho kỳ thi năm nay là bất khả thi.
Đại diện Vụ giáo dục đại học, Bộ GD& ĐT cho rằng, mục đích của quy định này là hạn chế tình trạng thí sinh phải tham dự nhiều kỳ thi của các trường ĐH tổ chức. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thời gian năm học bị lùi đến giữa tháng 7, tuy nhiên, các trường được phép kéo dài thời gian tuyển sinh đến tháng 2-2021. Những cơ sở giáo dục đào tạo đại học đã có kinh nghiệm tổ chức thi đánh giá năng lực, năng khiếu trước đây hoàn toàn có thể đáp ứng những điều kiện mà Quy chế đề ra và cũng đã sẵn sàng cho việc tuyển sinh riêng trong năm nay.
Từ năm 2021, các cơ sở giáo dục đào tạo có quyền tự chủ rất lớn trong quyết định phương thức tuyển sinh. Điều này đồng nghĩa với việc các trường phải nâng cao trách nhiệm giải trình và nâng cao chất lượng của các phương thức tuyển sinh, đảm bảo sự công bằng, khách quan cho tất cả các thí sinh. Bởi vậy, các cơ sở giáo dục đào đại học muốn thực hiện phương thức tuyển sinh riêng cũng cần phải xây dựng chiến lược và chính sách đầu tư bài bản về đào tạo, phát triển đội ngũ cho quy trình thi tuyển, lên kế hoạch xây dựng quy chế, đề án và chuẩn bị kỹ lượng về các điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị mới… Song, điều kiện xây dựng ngân hàng đề thi giữ vai trò quan trọng quyết định đến sự thành công của các kỳ thi tuyển dinh ĐH do các trường tự tổ chức.
Khi thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh, những cơ sở đào tạo chưa kịp chuẩn bị đủ các điều kiện mà Quy chế đưa ra, các trường có cùng khối ngành đào tạo hay ở cùng khu vực địa lý có thể liên kết cùng nhau tổ chức thi hoặc là sử dụng chung kết quả thi với các trường ĐH khác nếu có điều kiện tương đồng phù hợp, đại diện Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD &ĐT), nhấn mạnh.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, học sinh lớp 12 không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng tuyển sinh đại học vì có thể phải mất nhiều công sức, tốn kém chi phí mà không tập trung được vào đúng năng lực, sở trường, đúng ngành nghề mà mình định hướng nghề nghiệp.
Thay vì vậy, học sinh chỉ cần lựa chọn 5-7 nguyện vọng, tập trung nhiệt huyết, chăm chỉ học tập trong giai đoạn này để có thể đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi sắp tới.