Những giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đề ra nhằm giúp các ngân hàng xử lý tình trạng này. Năm 2013, có hai giải pháp chính, một là các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng để có nguồn lực xử lý các khoản nợ, hai là phải bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nếu tỷ lệ nợ xấu vượt quá 3%. Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục với hai giải pháp kể trên, các tổ chức tín dụng còn có thể xử lý các khoản nợ của từng nhóm khách hàng riêng biệt, như sử dụng tài sản dự phòng với khách hàng đã phá sản; cơ cấu lại nợ, cho vay thêm, giãn nợ, giảm lãi với những khách hàng doanh nghiệp đang gặp khó khăn hoạt động, hoặc phát mãi tài sản bảo đảm nếu có…
Sự tập trung vào quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các giải pháp điều hành liên quan đến chính sách tiền tệ khiến người ta ít quan tâm đến chính sách tài khóa và vấn đề nợ công. Trong khi tỷ lệ nợ công trên GDP của nước ta cứ từ từ tăng lên và trong tương lai, chính những khoản nợ công ngày càng lớn và việc sử dụng nguồn vốn này thiếu hiệu quả mới là lực cản đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Theo các báo cáo chính thức, tỷ lệ nợ công trên GDP của nước ta năm 2011 là 54,9%, đến năm 2012 là 55,7% và có xu hướng ngày càng tăng. Dù các cơ quan chức năng vẫn cho biết các chỉ số về nợ công thời gian qua và dự kiến đến năm 2015 còn nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn tỏ ra lo ngại. Nợ công có xu hướng tăng và thiếu kế hoạch dài hạn, không ít lần việc phát hành trái phiếu chính phủ chỉ nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt ngân sách, về lâu dài sẽ có ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Ở nước ta, có đến 80% lượng trái phiếu chính phủ phát hành được mua bởi các ngân hàng thương mại và điều đáng nói là khối lượng phát hành tỷ lệ nghịch với kỳ hạn của trái phiếu. Nghĩa là khối lượng thì tăng nhanh nhưng kỳ hạn lại giảm xuống. Các kỳ hạn dài (5-10 năm) không phát hành được nhiều, chủ yếu chỉ phát hành được ở các kỳ hạn 2-3 năm, khiến kỳ hạn trung bình của trái phiếu chính phủ chỉ ở mức 3,2 năm. Kỳ hạn ngắn thì thời gian phải trả nợ ngắn. Tốc độ tăng nợ công lẫn thời gian đáo hạn tập trung vào một vài năm tới sẽ tạo áp lực lớn lên ngân sách trong việc thanh toán nợ. Trong các khoản nợ vay mới, một tỷ lệ được dành để trả nợ cũ sẽ ngày càng lớn. Nghĩa vụ trả nợ công của ngân sách năm 2013 đã lên tới 24% tổng thu ngân sách và dự kiến đến năm 2016 vượt quá 30%, ngưỡng an toàn được khuyến cáo. Đó là chuyện trả nợ, việc sử dụng nợ cũng là điều đáng bàn, khi lâu nay tính hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn nhà nước là rất thấp.
Con số tỷ lệ nợ công trên GDP theo tính toán không tính đến các khoản nợ của các chính quyền địa phương và các khoản nợ mà ngân sách nhà nước phải trả thay cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ. Nếu không “kìm cương”, rất có thể mức trần nợ công 65% GDP vào năm 2015 – ngưỡng an toàn được nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo và được Quốc hội quy định – sẽ bị phá vỡ. Vậy nên, đã đến lúc chúng ta phải hướng đến sự cân bằng ngân sách, bảo đảm mức nợ công hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực để duy trì sự ổn định cho nền kinh tế. Bởi với tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài, không sớm thì muộn nước ta cũng sẽ chạm ngưỡng an toàn về trần nợ công đó.
Minh Hằng