Lực lượng CSGT sẽ được dừng bất cứ phương tiện nào là xe tải hoặc xe khách từ tám chỗ ngồi trở lên để kiểm soát.
Ngày 15-1, Cục CSGT (C08, Bộ Công an) cho biết vừa ban hành kế hoạch tổng kiểm soát xe ôtô từ tám chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách, xe ôtô vận tải hàng hóa, nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông.
Theo đó, các tuyến đường thuộc phạm vi của kế hoạch gồm các tuyến cao tốc và quốc lộ 1 (từ Lạng Sơn đến TP.HCM). Tại những tuyến quốc lộ khác, căn cứ tình hình thực tế, Phòng CSGT tham mưu Giám đốc Công an địa phương có kế hoạch tổng kiểm soát theo chuyên đề này.
Đối tượng kiểm soát bao gồm xe ôtô từ tám chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách; xe ôtô tải có khối lượng chuyên chở từ 5 tấn trở lên; ôtô sơmi rơ-mooc, ôtô kéo rơ-mooc, ôtô vận tải container; xe ôtô xi-téc chở xăng dầu, hóa chất, hàng nguy hiểm.
Để triển khai kế hoạch, lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng các phương tiện tham gia giao thông thuộc đối tượng và tuyến đường nêu trên để kiểm soát giấy tờ.
Sau khi dừng phương tiện, CSGT sẽ kiểm soát bốn loại giấy tờ (đăng ký xe, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới) cùng các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật.
Khi kiểm soát giấy tờ, bằng các biện pháp nghiệp vụ kịp thời phát hiện và kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tập trung các vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông như: nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người, vận chuyển chất cháy nổ, hàng nguy hiểm.
Nếu không có vi phạm, CSGT sẽ trả lại giấy tờ đang kiểm soát, nói lời cảm ơn về sự hợp tác của người lái xe. Trường hợp phương tiện đã được kiểm soát tại các địa bàn, nếu phát hiện vi phạm mới thì được tiếp tục kiểm soát, xử lý theo quy định.
Ngoài ra, CSGT cũng thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát đủ mạnh về lực lượng, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ, kịp thời ngăn chặn các hành vi cản trở chống đối, hoạt động tội phạm; sử dụng camera ghi lại hoạt động trong ca công tác
Cùng với đó, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, máy đo tốc độ để phát hiện các hành vi vi phạm; thông báo cho các tổ tuần tra, kiểm soát, dừng phương tiện, kiểm soát, xử lý. Các trường hợp không dừng ngay được phương tiện, thông báo yêu cầu người có hành vi vi phạm đến giải quyết theo quy định.
Riêng tại các tuyến cao tốc, lực lượng tổ chức kiểm soát tại điểm đầu, điểm cuối hoặc khu vực trạm thu phí…
“Việc kiểm soát phải bảo đảm đúng pháp luật, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các phương tiện giao thông khác, tuyệt đối an toàn…” – Cục CSGT nhấn mạnh.
Kế hoạch được chia thành ba đợt: Từ ngày 14-1 đến ngày 20-1 (tập trung tuyên truyền, chuẩn bị lực lượng, phương tiện…); từ ngày 21-1 đến 30-1 và từ ngày 11-2 đến 20-2.
Đình chỉ lưu hành hoặc tạm giữ phương tiện
Cục CSGT yêu cầu việc phát hiện và xử lý vi phạm phải thực hiện đúng quy định của pháp luật; các trường hợp vi phạm nghiêm trọng như nồng độ cồn, ma túy, chở quá số người, vận chuyển chất cháy nổ, hàng nguy hiểm… phải đình chỉ lưu hành hoặc tạm giữ phương tiện theo quy định của pháp luật.
Khi gặp các hành vi chống đối, lực lượng CSGT phải chủ động và phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn, lập hồ sơ ban đầu và chuyển giao cho các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.
Những địa phương có nhiều đầu mối giao thông, bến bãi, điểm trung chuyển tập kết hàng hóa, hành khách lên xe ôtô, căn cứ tình hình thực tế tham mưu Giám đốc chỉ đạo lực lượng công an cơ sở phối hợp với ngành GTVT kiểm tra, xử lý tại nơi xuất phát.