Trước hết, phải nói ngay rằng không phải ngôi sao Nam Mỹ nào cũng dính líu đến chuyện trốn thuế. Cũng không phải chỉ cầu thủ Nam Mỹ mới bị cơ quan thuế đụng đến, còn cầu thủ châu Âu hay châu Phi thì không. Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc cầu thủ bóng đá bị các cơ quan thuế “sờ gáy” đều dính dáng đến các sao, thậm chí là siêu sao Nam Mỹ. Đâu là nguyên do?
Nổi tiếng nhất từ “thời xưa” chính là “Cậu bé vàng” Maradona. Trong những năm đỉnh cao sự nghiệp (1984-1991) thi đấu tại CLB Napoli (Ý), anh bị cáo buộc trốn thuế với số tiền lên đến 39 triệu euro. Còn cầu thủ lừng danh nhất dính líu đến cáo buộc trốn thuế thời gian gần đây không ai khác chính là siêu sao người Argentina Lionel Messi của Barcelona. Năm 2013, chủ nhân của bốn danh hiệu Quả bóng vàng và bố của anh bị cáo buộc đã gian lận thuế. Hơn hai năm kể từ thời điểm đó, Lionel Messi vẫn chưa thoát khỏi cuộc chiến pháp lý này dù đã nộp tiền bồi hoàn thuế. Thậm chí tháng 10 vừa qua, tòa án sơ thẩm số 3 của Gava (Barcelona) cho biết sẽ mở phiên tòa xét xử Lionel Messi và cha anh, ông Jorge Messi. Như vậy, tòa đã bác bỏ luận điểm của các luật sư phía Messi rằng cầu thủ này chỉ tập trung thi đấu, không hề nghiên cứu hay phân tích các hợp đồng quảng cáo nên không hề hay biết về những mánh khóe dùng các công ty “ma” ở Belize và Uruguay để trốn ba khoản thuế trong các năm 2007, 2008 và 2009, có giá trị lên tới 4,2 triệu euro. Nhà chức trách cho rằng một cầu thủ phải biết những gì xảy ra với chính số tiền mình kiếm được, do đó họ vẫn giữ nguyên bản cáo trạng. Trong hồ sơ nêu rõ: “Có dấu hiệu hợp lý cho thấy rằng việc phạm tội là của hai bị cáo (tức Messi và cha anh)”, đồng nghĩa với việc Messi chưa thoát tội và vẫn có khả năng phải ngồi tù.
Một đồng đội của Messi trong màu áo Barcelona là Neymar cũng bị cáo buộc trốn thuế. Tòa án liên bang Sao Paulo (Brazil) cáo buộc Neymar trốn 14 triệu euro tiền thuế trong giai đoạn 2011-2013 (trước khi chuyển đến Barcelona). Tại Brazil, tòa án đã cho phong tỏa tài sản của anh cũng như bố mình – ông Neymar da Silva Santos cùng các công ty liên quan để điều tra. Vụ chuyển nhượng rắc rối của Neymar từ Santos tới Barcelona vào mùa hè năm 2013 cũng bị cơ quan thuế Tây Ban Nha điều tra vì gian lận thuế.
Mới nhất, ngày 29-10, đến lượt tiền vệ Javier Mascherano của Argentina đang khoác áo Barcelona phải “đáo tụng đình”. Một tháng trước đó, anh bị cáo buộc trốn thuế với số tiền hơn 1,5 triệu euro. Theo cơ quan công tố, Mascherano đã che giấu thu nhập từ bản quyền truyền hình thông qua hai công ty đặt tại nước ngoài trong thời gian từ năm 2011-2012, một công ty có trụ sở ở Miami (Mỹ), một ở Madeira (Bồ Đào Nha). Có vẻ như đã rút kinh nghiệm từ những đồng đội, Mascherano nhận tội, chấp nhận đóng tiền và phiên tòa xét xử cáo buộc trốn thuế của Mascherano cũng theo đó chấm dứt.
Có thể nói, việc các ngôi sao Nam Mỹ dính vào các vụ án trốn thuế đều có liên quan đến người nhà của mình. Nếu như các cầu thủ châu Âu thường chọn người đại diện là “cò” chuyên nghiệp, từng trải và thượng tôn luật pháp, nên tất cả những bản hợp đồng – dù là với CLB chủ quản hay tài trợ, bản quyền… đều tuân thủ các quy định về thuế, thì các cầu thủ Nam Mỹ lại chọn người thân (cha, anh…) mình làm đại diện và tin tưởng tuyệt đối vào “khả năng lèo lái” của họ. Dĩ nhiên, vì là người nhà nên những “ông bầu gia đình” này thường tìm mọi cách để đem lại khoản thu lớn nhất cho người thân. Vốn đến từ những quốc gia mà việc thực thi luật pháp không lấy gì làm nghiêm minh, việc họ cố gắng hết sức có thể để nộp thuế ít chừng nào hay chừng đó đã là… chuyện thường ngày. Lập công ty “ma” làm bình phong, rồi làm giấy tờ lòng vòng để qua mắt cơ quan thuế… Khi chưa nổi tiếng, số tiền đóng thuế ít ỏi thì không sao. Đến khi cầu thủ trở thành siêu sao, số tiền thuế lên đến hàng triệu euro mỗi năm, những khoản tiền lách luật thể nào cũng bị các cơ quan thuế tài năng của châu Âu khui ra. Vậy nên, đừng ngạc nhiên khi sẽ còn có những cầu thủ Nam Mỹ khác bị “túm áo”. Họ không có tội, chỉ có… lỗi đã quá tin vào người nhà! Âu cũng là bài học mà bóng đá chuyên nghiệp dành cho họ.
- Địch Vân