Lần đầu tiên tại Việt Nam, bộ sưu tập giai tác thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh được trưng bày trong triển lãm Hương thơm quê mẹ, nhân dịp ra mắt cuốn sách giai phẩm thư pháp Hương thơm quê mẹ.
Triển lãm Hương thơm quê mẹ mang một thông điệp hướng về đất mẹ – quê hương Việt Nam và xa hơn là tâm tình với địa cầu tươi xanh và xinh đẹp đã dưỡng nuôi và chở che con người.
Sẽ có hơn 145 đầu sách tiếng Việt và 100 tác phẩm thư pháp với nhiều ngôn ngữ khác nhau của thiền sư Thích Nhất Hạnh được trưng bày.
Thích Nhất Hạnh là một trong những thiền sư có ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện nay; tác giả của hàng trăm cuốn sách. Trong đó, rất nhiều cuốn được xếp hạng best seller: An lạc từng bước chân, Phép lạ của sự tỉnh thức, Đường xưa mây trắng, Chúa ngàn đời Bụt ngàn đời… Ông còn là một nhà thư pháp được giới nghiên cứu mỹ thuật, thiền học đánh giá cao. Với Sư ông Làng Mai, thực hành sáng tạo thư pháp cũng là một môn thiền định. Hãy nghe tác giả giai tác Hương thơm quê mẹ nói về nghệ thuật thư pháp của mình: “Tôi dùng trà hòa với mực. Vì vậy, thư pháp của tôi có vị của trà bên trong. Tôi dùng các loại và kích cỡ cọ vẽ của Trung Hoa và phương Tây. Khi vẽ một vòng tròn, tôi dõi theo hơi thở của mình. Khi hít vào, tôi vẽ một nửa vòng tròn và khi thở ra, tôi vẽ nửa vòng tròn còn lại. Trong thư pháp của tôi có mực, trà, thở, niệm và định”.
Cuộc triển lãm diễn ra tại tầng 4, nhà sách Hải An (2B Nguyễn Thị Minh Khai, Đa Kao, quận 1, TP.HCM) từ ngày 25-3 đến hết ngày 5-4-2021 nhân dịp ra mắt cuốn sách giai phẩm thư pháp Hương thơm quê mẹ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Phanbook & NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành, 2021).
Nghệ thuật thư pháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh từng được giới nghiên cứu mỹ thuật và thiền học trên thế giới quan tâm đặc biệt. Các tác phẩm thư pháp thiền trong triển lãm lần này từng gây tiếng vang lớn tại các cuộc trưng bày trước đây tại Pháp, Đức, Canada, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan và Hồng Kông, thu hút sự quan tâm đông đảo của những người mộ điệu và giới truyền thông quốc tế.
Với Thiền sư Thích Nhất Hạnh, viết thư pháp cũng là một môn thiền định. Những tác phẩm của Thiền sư lan tỏa năng lượng của tuệ giác, chuyển tải được tinh thần văn hoá dân tộc và nếp sống tỉnh thức. Ở đó, nghệ thuật, văn hoá và nếp sống tỉnh thức hoà quyện với nhau một cách rất tuyệt vời.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng chia sẻ về phong cách thư pháp của mình: “Trong thư pháp của tôi, có mực, trà, hít thở, chánh niệm và tập trung. Viết thư pháp là một môn thiền định. Tôi viết các từ hoặc câu mà có thể nhắc nhở mọi người về thực hành chánh niệm. Khi viết thư pháp, tôi luôn tìm cách viết như thế nào để có thể chế tác và duy trì được năng lượng niệm, định, tuệ và từ bi trong suốt thời gian viết”.
Theo Thiền sư, khi bắt đầu vẽ một vòng tròn, ngài thở vào và vẽ nửa vòng tròn trong khi thở vào, rồi tiếp tục thở ra và vẽ nửa vòng còn lại trong khi thở ra.
“Trong suốt thời gian vẽ vòng tròn, tôi cũng đồng thời ý thức rằng trong bàn tay này của tôi có bàn tay của cha, của mẹ, của ông bà tổ tiên. Vì vậy mà khi tôi vẽ vòng tròn này thì cha, mẹ, ông bà tổ tiên và cả các vị thầy tâm linh của tôi cũng đang vẽ cùng tôi. Và vì chúng tôi cùng nhau vẽ vòng tròn này nên không hề có một cái ngã riêng biệt. Do vậy, chỉ vẽ một vòng tròn thôi nhưng ta có thể có được tuệ giác về vô ngã (anatta)”, Thiền sư nói.
- Xem thêm: Sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Nghiên cứu Hoàng Sa, Trường Sa đoạt giải Sách Hay 2019
Thích Nhất Hạnh là một trong những thiền sư có ảnh hưởng nhất trên thế giới hiện nay. Ông là tác giả của hàng trăm cuốn sách. Trong đó, rất nhiều cuốn được xếp hạng best seller: “An lạc từng bước chân”, “Phép lạ của sự tỉnh thức”, “Đường xưa mây trắng”, “Chúa ngàn đời Bụt ngàn đời”… Ông còn là một nhà thư pháp được giới nghiên cứu mỹ thuật, thiền học đánh giá cao. Với Sư ông Làng Mai, thực hành sáng tạo thư pháp cũng là một môn thiền định.