Trong số những tên tuổi sáng giá được giới thiệu và đề cử, Hội đồng cố vấn và xét giải thưởng đã chọn ông U Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi với tiêu chí của giải thưởng dành cho hai người ở hai phía đối lập, xung đột đã bắt tay, hòa giải với nhau.
Bà Aung San Suu Kyi
Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải được xác lập bởi Hội đồng cố vấn và Ủy ban giải thưởng gồm những nhà lãnh đạo, những giáo sư, học giả có uy tín của nước Mỹ và thế giới như Giáo sư Michael Dukakis (cựu ứng viên Tổng thống Mỹ, cựu Thống đốc bang Massachusetts), bà Ann Mc Daniel (Phó chủ tịch Washington Post), Giáo sư Thomas Patterson (Trường Quản lý nhà nước Kennedy – Đại học Harvard), bà Robin Sproul (Phó chủ tịch Hãng truyền hình ABC News), Giáo sư Thomas Scanlon (nhà triết học lớn ở Đại học Harvard), Giáo sư Thomas Fiedler (Hiệu trưởng Trường Truyền thông – Đại học Boston, nhà báo nổi tiếng), cựu Tổng biên tập Miami Herald, Giáo sư Vaira Vike – Freiberga, cựu Tổng thống Latvia…
Ông U Thein Sein
Những nhà lãnh đạo, những học giả danh tiếng muốn thông qua Giải thưởng Trần Nhân Tông về Hòa giải góp một tiếng nói khiêm nhường vào hành trình tìm kiếm hòa giải, yêu thương cho nhân loại, với hy vọng lòng bao dung và vị tha, sự hòa giải sẽ giải phóng con người khỏi hận thù.
Trong năm qua, Tổng thống Thein Sein và bà Aung San Suu Kyi đã có những nỗ lực ban đầu để đưa đất nước Myanmar biến chuyển tốt đẹp về chính trị, được thế giới trân trọng ghi nhận.
Theo dự kiến, lễ trao giải sẽ được tổ chức trọng thể nhân dịp bà Suu Kyi đến thăm Đại học Harvard vào cuối tháng 9 này và Tổng thống Myanmar Thein Sein nhân dịp ông đến New York tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 10.
Đây là giải thưởng hằng năm nhân hội thảo về chủ đề “Hòa giải và yêu thương” do Viện Trần Nhân Tông tổ chức.
Tại hội thảo lần này tổ chức hôm 21-9, Chủ tịch Viện Trần Nhân Tông, Giáo sư Thomas Patterson – thuộc Trường Kennedy School of Government của Đại học Harvard, người từng tham gia cuộc chiến Việt Nam trong quân đội Hoa Kỳ – cho hay dù không phải là tín đồ Phật giáo nhưng ông tin rằng việc chọn vị vua Việt Nam Trần Nhân Tông, người lập ra Thiền tông phái Yên Tử, làm nhân vật biểu tượng cho hòa giải quốc tế là rất thích hợp.
Theo ông, trong lịch sử thế giới từ cổ đại tới nay hiếm có vị vua nào là nhà cầm quyền có tinh thần hòa giải điển hình như Trần Nhân Tông của Việt Nam.
Các nhân vật tham gia thảo luận phần đông là giới báo chí và nghiên cứu từ nhiều nước đang học tại Harvard và một phái đoàn thuộc giới học thuật từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Trả lời BBC, tiến sĩ Phật học Lê Mạnh Thát nói nêu cao tinh thần hòa giải của vua Trần Nhân Tông là rất có ý nghĩa về hòa giải thời hậu chiến tại Việt Nam và vào thời điểm hiện nay thì tốt cho sự tiếp cận cũng như thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ.
Diễn giả người Đức, ông Roland Schatz và ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu Tổng biên tập VietnamNet, đã nói về vai trò của truyền thông trong nỗ lực hòa giải khi đưa tin về các vấn đề thời sự và xung đột quốc tế.
Điều các diễn giả nhất trí với nhau chính là về nhu cầu duy trì nguyên tắc cam kết lâu bền hướng tới hòa giải, chứ không phải đồng ý về các giải pháp nhanh gọn cho các xung đột đã xảy ra hoặc đang diễn ra trên thế giới.
Thiên Nhật