Theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc, dân số thế giới đã vượt qua 7 tỉ người vào đầu năm 2012. Bên cạnh những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc tăng dân số như lương thực, thực phẩm, không gian sống, một hiện tượng khác đã làm cho các nhà nhân chủng học hết sức lo ngại là tỷ lệ chào đời của bé trai nhiều hơn bé gái dẫn đến sự mất thăng bằng của giới tính ngày càng tăng. Và nguy cơ thiếu phụ nữ trên thế giới sẽ là nguyên nhân dẫn đến những biến động xã hội theo chiều hướng xấu. Theo số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc, dân số thế giới đã vượt qua 7 tỉ người vào đầu năm 2012. Bên cạnh những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến việc tăng dân số như lương thực, thực phẩm, không gian sống, một hiện tượng khác đã làm cho các nhà nhân chủng học hết sức lo ngại là tỷ lệ chào đời của bé trai nhiều hơn bé gái dẫn đến sự mất thăng bằng của giới tính ngày càng tăng. Và nguy cơ thiếu phụ nữ trên thế giới sẽ là nguyên nhân dẫn đến những biến động xã hội theo chiều hướng xấu.
Mất cân bằng giới tính trầm trọng nhất tại Trung Quốc
Cách nay vài thập niên, người ta đã nhận ra khuynh hướng trai thừa gái thiếu ở Trung Quốc do quan niệm trọng nam khinh nữ cùng chính sách “một con” và ở Ấn Độ do phong tục tập quán, là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất thăng bằng này. Ngay cả Việt Nam cũng báo động về sự mất cân bằng giới tính khi sinh qua các số liệu thống kê gần đây.
Bản phúc trình mới nhất của Quỹ Dân số Thế giới nhận định tập tục chọn giới tính khi sinh con đang có dấu hiệu gia tăng ở Ðông Nam châu Á cũng nhưở Bangladesh, Afghanistan và các nước Ðông Âu như Albania, Armenia, Azerbaijan, Gruzia và Montenegro. Kết quả là có một xu hướng đáng lo ngại về việc “nam giới hóa dân số” trong khu vực và sẽ có tác động tiêu cực đến các cộng đồng trong ít nhất năm thập niên.
Vào năm 2010, một bản phúc trình của các nhà khảo cứu đã ước tính đến năm 2030 tại Trung Quốc và Ấn Ðộ số đàn ông có thể cao hơn 50% so với số phụ nữ trong giới ở tuổi kết hôn. Tác giả bản phúc trình, ông Christophe Guilmoto, một học giả nổi tiếng tại Trung tâm Dân số và Phát triển có trụ sởở Paris, nói rằng các nhà hoạch định chính sách phải tập trung vào việc giải quyết số thặng dư các bé trai sinh ra ở các cộng đồng trong những thập niên sắp tới.
Trung Quốc là tác nhân chính
Trung Quốc với dân số gần 1,4 tỉ người là nước chính góp phần vào tình trạng này, nhất là các tỉnh An Huy, Phúc Kiến và Hải Nam. Kể từ khi có siêu âm xác định giới tính thai nhi sớm vào thập niên 80 của thế kỷ trước, tỷ lệ giới tính ở Trung Quốc đã mất cân bằng trầm trọng, lên tới 120,56 bé trai/100 bé gái trong năm 2008, trong khi tỷ số giới tính khi sinh bình thường về mặt sinh học nằm trong khoảng 104-106 bé trai/100 bé gái.
Tại nhiều khu vực ở nông thôn, tỷ lệ trẻ sơ sinh trai chiếm đến hai phần ba. Cũng theo ông Guilmoto, hàng triệu thanh niên sẽ không lấy vợ được và hoàn cảnh ấy đã diễn ra ở Thượng Hải cũng như các thành phố phía đông của Trung Quốc.
TờNhân Dân nhật báo hồi đầu năm nay cho biết mặc dù vấn đề mất cân bằng giới tính ở quốc gia đông dân nhất thế giới này tiếp tục được cải thiện trong năm thứ ba liên tiếp, nhưng tỷ lệ chênh nam-nữ vẫn trầm trọng và cao hơn giới hạn cảnh báo, cho thấy Trung Quốc vẫn phải đối mặt với bài toán nan giải cân bằng giới tính.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong năm 2011 tỷ lệ giới tính trẻ mới sinh là 117,78 bé trai/100 bé gái, so với tỷ lệ 119,45 bé trai trong năm 2009 và 117,94 bé trai trong năm 2010. Tuy vậy, tỷ lệ hiện nay vẫn cao hơn 10% so với giới hạn cảnh báo, đồng nghĩa số bé trai sinh ra đang hơn số bé gái tới 10% và ước tính đến năm 2020 Trung Quốc sẽdư thừa tới 24 triệu nam giới ở độ tuổi kết hôn.
Ai cũng biết rằng mất cân bằng giới tính trầm trọng không chỉ là một vấn đề dân số mà còn là một vấn đề xã hội nặng nề. Trong khoảng thời gian từ tháng 8-2011 đến tháng 3-2012, Chính phủ Trung Quốc đã phát động các chiến dịch đặc biệt nghiêm cấm xác định giới tính thai nhi hay phá thai lựa chọn giới tính. Năm ngoái, riêng ở tỉnh Giang Tây, giới chức địa phương đã xử lý 2.064 trường hợp vi phạm, rút 312 giấy phép hành nghề của những nhân viên y tế liên quan, bắt giữ và xử phạt 83 đối tượng.
Ấn Độ: gia đình nào cũng phải có con trai
Ấn Ðộ, với dân số hơn 1,2 tỉ người, là đất nước mà tình trạng mất thăng bằng về giới tính được đánh giá là đã vượt mức trung bình.
Bà Arpita Das, thuộc Viện Khoa học Dân số Quốc tế có trụ sởở Mumbai, nói rằng rất nhiều phụ nữẤn Ðộ đang đặt tình trạng sức khỏe mình vào rủi ro, thậm chí có thể trở thành vô sinh, khi chấp nhận trải qua những vụ phá thai liên tục để chỉ sinh con trai. Theo truyền thống Ấn Độ, một gia đình phải có ít nhất một con trai, ngoài ra tập tục con gái muốn lập gia đình phải có của hồi môn cho nhà chồng, tuy bất hợp pháp nhưng cũng là một lý do nữa khiến phụ nữ muốn phá thai nếu biết sẽ sinh con gái.
Phá thai là hợp pháp ởẤn Ðộ nên không chỉ phụ nữ thuộc tầng lớp nghèo mà phụ nữở vùng thành thị giàu có hơn cũng liên tục phá thai để cố sinh con trai.
Kết quả từ cuộc điều tra dân số mới nhất của Ấn Độ cho thấy tỷ lệ trẻ em nữ so với trẻ em nam đã xuống thấp kỷ lục kể từ khi nước này độc lập vào năm 1947. Hiện toàn Ấn Độ tỷ lệ này là 914 trẻ em nữ so với 1.000 trẻ em nam ở độ từ 0-6 tuổi. Tỷ lệ trung bình của thế giới hiện nay là 1.050 nữ/1.000 nam.
Ông Gitika, giáo sư khoa học xã hội Đại học New Delhi, gọi đây là thất bại chung của cảẤn Độ trong việc bảo vệ các bé gái. Tạp chí y tếLancet của Anh trong một cuộc nghiên cứu thực hiện hồi năm 2006 cho thấy tại Ấn Độ có nửa triệu bào thai được xác định là nữ đã bị bỏ. Tình trạng trên xảy ra ngay cả tại những bang thịnh vượng nhất ởẤn Độ như Punjab, Haryana, Delhi và Uttar Pradesh, có nghĩa là kinh tế tăng trưởng không phải là điều bảo đảm cho sự thay đổi nhận thức xã hội.
Nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ, việc siêu âm để xác định giới tính thai nhi hiện chỉ tốn có 10 USD. Mặc dù pháp luật nghiêm cấm và tại các phòng khám đều phải treo bảng “Không kiểm tra giới tính thai nhi” nhưng việc thực hiện lại rất lỏng lẻo, thậm chí người ta còn xách cả những chiếc máy siêu âm di động đến những khu làng hẻo lánh để thực hiện công việc đó.
Thanh niên Việt Nam sẽ khó kiếm vợ
Phát biểu tại buổi họp báo hưởng ứng “Ngày Dân số Thế giới” hôm 11-7 vừa qua, lãnh đạo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình thừa nhận Việt Nam đang mất cân bằng giới tính khi sinh.
Sự gia tăng bất thường về tỷ số giới tính khi sinh đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lập chính sách, các cơ quan truyền thông đại chúng cũng như các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.
Học sinh Việt Nam trong một giờ ngoại khoá
Theo điều tra của Tổng cục dân số và Kế hoạch hóa gia đình, 10 địa phương có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất (từ 115 bé trai/100 bé gái đến 131 bé trai/100 bé gái) là Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc.
Tiến sĩ Christophe Z. Guilmoto, nhà nhân khẩu học đang hợp tác phân tích các số liệu về tỷ số giới tính khi sinh với Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam, nói rằng theo tính toán của tổ chức này thì đến năm 2040, dự báo số lượng nam giới ở Việt Nam sẽ thừa khoảng 12% và đến năm 2050 là 20%.
Được biết vào năm 2009, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là 110, thấp hơn các quốc gia khác nhưẤn Độ (112), Trung Quốc (120) và Azerbaijan (117), thế nhưng sự mất cân bằng tỷ số tại nước ta lại gia tăng nhanh chóng trong vòng năm năm trở lại đây, chỉ giảm nhẹ một chút vào năm 2011 và lại tiếp tục gia tăng trong năm Nhâm Thìn 2012 mà dân gian tin là “năm đẹp”. Chỉ riêng năm tháng đầu năm 2012, cả nước có 274.171 bé trai/241.998 bé gái, tương đương với tỷ lệ 113/100.
Trong chuyến khảo sát tại tỉnh Hải Dương vừa qua, Tiến sĩ Guilmoto cho biết ông cảm nhận xã hội Việt Nam vẫn định kiến thiên lệch về con trai và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra tập trung chủ yếu ở phía bắc và ở Đồng bằng sông Hồng. Theo ông, yếu tố tập quán, truyền thống, thừa kế đã ảnh hưởng sâu sắc đến vấn đề này.
Tâm lý muốn có con trai để nối dõi tông đường và thờ cúng tổ tiên, với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, trang thiết bị y tế hiện đại và việc kiểm tra còn lỏng lẻo khiến việc lựa chọn giới tính con đang tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Vì lợi nhuận, một số cơ sở y tế, nhất là các phòng khám tư nhân vẫn bất chấp quy định pháp luật chẩn đoán giới tính thai nhi lén lút.
Nếu cứ tiếp tục duy trì tỷ lệ chênh lệch giới tính như hiện nay, sau 20-30 năm nữa, mức dư thừa nam giới trưởng thành sẽ tăng lên khoảng bốn triệu người, điều này có nghĩa là chừng ấy thanh niên Việt Nam có khả năng ế vợ.
Nếu không có những giải pháp hiệu quả, thực trạng mất cân bằng giới tính sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Việc lựa chọn giới tính khi sinh là một hành vi mang lợi ích cá nhân nhưng chính điều này lại gây tác động tiêu cực đến xã hội với nhiều hậu quả khó lường.
Nên học kinh nghiệm Hàn Quốc
Hiện nay một số nước châu Á đang nhìn Hàn Quốc như nước thành công trong việc lập lại tỷ lệ cân bằng nam nữ.
Trước đây người dân Hàn Quốc cũng rất coi trọng việc phải sinh được con trai. Vào những năm 1980-1990, khi công nghệ siêu âm phát triển, tỷ số giới tính khi sinh của Hàn Quốc tăng rất nhanh và lên đỉnh điểm vào đầu những năm 1990, đạt 116 trẻ trai/100 trẻ gái, có vùng tỷ số này lên tới 140/100.
Trước sự gia tăng bất thường và nhìn thấy rõ hệ lụy của vấn đề thừa nam thiếu nữ, chính phủ Hàn Quốc đã có những giải pháp ngăn ngừa tình trạng này mà cụ thể là việc thực thi Luật Bình đẳng giới và phát triển hệ thống an sinh xã hội.
Để có được thành công như hiện nay, bên cạnh các vấn đề thay đổi về luật, Hàn Quốc đã thực hiện cả một chương trình hành động đồng bộ, trong đó công tác truyền thông rất quan trọng.
Chính phủ nghiêm cấm xác định giới tính thai nhi theo Luật Y tế năm 1987 (sửa đổi năm 1994), hủy bỏ luật chỉ có nam giới mới được thừa kế mà cả con trai lẫn con gái đều được thừa hưởng như nhau, khuyến khích phụ nữ tham gia vào phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, tạo điều kiện huy động lực lượng lao động nữ, mở rộng ngành nghề phụ nữ có thể tham gia.
Giai đoạn 1990-2000, những khẩu hiệu như “Nuôi một con gái lớn lên bằng 10 con trai”, “Hãy yêu con gái của bạn” được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cùng với các hội thảo có nhóm chuyên trách thực hiện riêng về mất cân bằng giới tính khi sinh. Chính phủ cũng xử lý kiên quyết cả người thực hiện và người nhận dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi.
Bên cạnh đó, các biện pháp như chú trọng dạy và nâng cao đạo đức nghề nghiệp với sinh viên y khoa trong việc thực hiện nạo phá thai vì lý do giới tính, nâng cao vị thế và trao quyền năng cho phụ nữ được tiến hành đồng bộ.
Những biện pháp, giải pháp trên đã giúp Hàn Quốc đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về mức bình thường 104/100 vào năm 2007 và 106,9/100 như hiện nay (tuy vẫn còn một số vùng ven biển tỷ số giới tính khi sinh còn cao như Busan 120,3/100, Deagu 124,5/100, Ulsan 123,5/100).
Có thể nói, nhu cầu sinh con trai của người dân một số nước châu Á khó có thể thay đổi một sớm một chiều. Việc can thiệp để giảm thiểu tình trạng này, bên cạnh nỗ lực tăng cường luật pháp, chính sách và hỗ trợ trẻ em gái, việc đẩy mạnh truyền thông, tác động đến nhận thức của người dân chính là biện pháp quan trọng hàng đầu.
Lê Viết Đỉnh tổng hợp