Chúng ta thường chỉ quan tâm đến chữa bệnh về thể chất chứ không mấy ai quan tâm đến bệnh về tinh thần. Trong khi đó, bệnh về tinh thần có thể gây ra hoặc làm nghiêm trọng hơn các bệnh về tiêu hóa, tim mạch, nội tiết… Những lời khuyên sau đây của bác sĩ hy vọng sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần đồng thời đưa ra cách phòng bệnh tinh thần hiệu quả, cũng là cách để nâng cao sức khỏe toàn cơ thể.
TS-BS Ngô Tích Linh, Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Trưởng phòng khám Tâm thể, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương:
“Nhiều người thường nghĩ các triệu chứng đau bụng, đau ngực… là các vấn đề về tiêu hóa, tim mạch… nhưng trong nhiều trường hợp, nguyên nhân gây bệnh lại từ yếu tố tâm lý, còn gọi là bệnh tâm thể.
Bệnh tâm thể có thể tác động trên một tỷ lệ lớn bệnh lý thực thể, thường ở dưới dạng bệnh lý không rõ nguyên nhân và dường như chưa được quan tâm đúng mức. Khi tinh thần suy sụp, khủng hoảng kéo dài, cơ thể sẽ tiết ra các loại hormone làm giảm sức đề kháng, kéo theo nhiều rối loạn trầm trọng về tiêu hóa, tuần hoàn, nội tiết… Ngoài ra, vấn đề về tâm lý, tâm thần cũng làm chúng ta ăn không ngon, ngủ không yên, nhiều lúc còn dẫn đến việc lạm dụng thuốc lá, rượu bia như một cách để quên nỗi buồn, càng làm hại sức khỏe chúng ta.
Phòng bệnh tâm thể chủ yếu bằng cách tư duy tích cực, nhìn nhận sự việc một cách lạc quan. Chẳng hạn trong trường hợp phải trả nhiều tiền cho một món ăn không ngon, người tư duy tiêu cực sẽ ngay lập tức nổi giận và cho là mình bị lừa, còn người tư duy tích cực sẽ nghĩ rằng có lẽ khẩu vị mình không phù hợp với món đó.
Những người mà trong đầu thường xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực thì khó tránh cái nhìn bi quan về cuộc sống và ngược lại, thường xuyên suy nghĩ tích cực mới giúp chúng ta lạc quan hơn. Những nghiên cứu về y học cho thấy suy nghĩ tích cực có thể giúp tăng chất lượng cuộc sống, giảm thiểu trầm uất, cải thiện về mặt tâm lý và thể chất, giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch… Vì vậy, chúng ta cần thực hành suy nghĩ tích cực hằng ngày, nhận ra những điều mình đang có, bớt đổ lỗi cho bản thân và hạn chế phê bình những người xung quanh. Đồng thời, hãy tập chủ động tạo cho mình một lối sống lành mạnh mỗi ngày. Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh để tạo năng lượng cho tâm trí và cơ thể, tránh xa thuốc lá và thói quen rượu chè quá mức. Tập thể dục ít nhất ba lần mỗi tuần sẽ tác động tích cực đến tâm trạng của bạn và giúp làm giảm căng thẳng. Đặc biệt là học cách quản lý căng thẳng, tìm cho mình những thú giải trí phù hợp để tạo niềm vui và sự thư giãn mỗi ngày.
ThS-BS Nguyễn Cảnh Nam, chuyên khoa Nội Thần kinh, Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare:
Như chúng ta đã biết, yếu tố tinh thần là thành phần thiết yếu hình thành nên sức khỏe. Khi tinh thần sảng khoái, hưng phấn, chúng ta có thể làm việc hiệu quả hơn, cải thiện hiệu suất công việc, ít mệt mỏi hơn. Tinh thần sảng khoái vui vẻ kích thích não bộ tạo ra nhiều chất giúp cải thiện tình trạng sức khỏe, ví dụ như tăng sản xuất endorphine – chất giảm đau nội sinh hoặc serotonin – chất dẫn truyền thần kinh giúp cơ thể có thể duy trì sự thức tỉnh và tăng khả năng xử lý thông tin cho não bộ.
Ngoài ra, tinh thần tốt giúp cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch cho cơ thể, cải thiện các hoạt động của hệ tiêu hóa, tim mạch và nội tiết… Vui vẻ giúp ăn ngon hơn, hoạt động tiết dịch của hệ tiêu hóa tốt lên, quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Sảng khoái, thoải mái giúp hệ tim mạch hoạt động điều hòa, huyết áp và nhịp tim ổn định, giúp làm giảm đi các biến cố trên hệ tim mạch. Ngoài ra, tinh thần lạc quan giúp ta tránh bị bệnh tật, cũng như thúc đẩy khả năng hồi phục khi đang mắc bệnh. Những nghiên cứu cho thấy những người bệnh nặng với tinh thần lạc quan thì khả năng chống chọi bệnh tật tốt hơn, chất lượng của cuộc sống cải thiện tốt hơn.
Ngược lại, khi ta buồn bã, thất vọng hay lo lắng đến tình trạng sức khỏe, tinh thần chúng ta thường bị đi xuống. Năng lượng trong cơ thể dường như trôi đi đâu mất, dễ mệt mỏi, mất tập trung, dẫn đến hiệu suất công việc sẽ suy giảm, khả năng chống chọi với bệnh tật sẽ kém đi. Nếu chúng ta luôn ở trạng thái lo lắng, căng thẳng kéo dài trong nhiều tuần nhiều tháng, nguy cơ bị trầm cảm sẽ tăng lên. Tinh thần sa sút dẫn đến hình thành những suy nghĩ hoặc đánh giá tiêu cực trong bạn, và nó xuất hiện thường xuyên tạo nên những đường mòn trong nếp nghĩ của bạn. Và rồi đến lúc bạn sẽ không thể thoát ra được lối suy nghĩ này, chúng ta mắc trầm cảm lúc nào không biết.
Như vậy, tinh thần là yếu tố quan trọng hình thành nên sức khỏe. Muốn xây dựng tinh thần tốt, trước hết bạn đừng quên rèn luyện thể chất hằng ngày và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ngoài ra, chúng ta phải luôn cung cấp liều thuốc bổ cho tinh thần hằng ngày. Những mẫu truyện vui, các bản nhạc hay, thời gian nghỉ ngơi dã ngoại cùng gia đình, trò chuyện với bạn bè, tập thiền… là những phương thuốc giúp bạn giải tỏa các áp lực trong cuộc sống, giúp bạn tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống, để nạp lại pin cho tinh thần.
BS Trần Ngọc Lưu Phương, Phó khoa Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương:
Một thông tin mới đây cho biết bệnh về tinh thần có thể gây ra đến 70% bệnh lý có triệu chứng cơ thể, nhiều nhất là bệnh về tiêu hóa, đây là một cảnh báo đối với mọi người về việc chưa quan tâm đúng mức đến sức khỏe tinh thần.
Tôi đã từng gặp nhiều bệnh nhân bị viêm loét dạ dày do thường xuyên lo âu, mất ngủ vì áp lực công việc. Thuốc men dường như cũng không có hiệu quả đối với những bệnh nhân này nếu họ không tìm cách thoát ra khỏi tình trạng căng thẳng, lo âu, mất ngủ liên tục mỗi ngày. Vì stress chính là nguyên nhân làm cho dạ dày co bóp không điều độ, tiết acid nhiều hơn và không theo chu kỳ cố định. Chính vì vậy mà bệnh viêm loét dạ dày gây đau nhiều hơn, làm bệnh nặng nề hơn và dễ tái phát hơn. Stress còn làm cho ruột khó dung nạp các chất béo, gia vị, gây rối loạn tiêu hóa và hội chứng đại tràng kích thích.
Thật may, cơ thể chúng ta luôn có cơ chế tự điều chỉnh rất hữu hiệu. Thông thường, stress và áp lực tâm lý buộc cơ thể phải thích nghi bằng cách huy động tất cả các nguồn dự trữ để thiết lập một sự cân bằng mới, chẳng hạn như sự tăng tiết adrenaline sẽ làm tăng trí nhớ và kích thích tư duy. Vì vậy, chúng ta không những không cần tránh stress mà còn cần đối mặt với stress vì đó chính là động lực để phát triển bản thân. Tuy nhiên, stress quá mức và kéo dài có thể gây trầm cảm và kéo theo các bệnh về thể chất. Chính vì vậy, việc phòng tránh stress là rất cần thiết và y học thường khuyến cáo về việc “vệ sinh tinh thần” bằng cách tập suy nghĩ lạc quan, trút bỏ căng thẳng và sinh hoạt, ngủ đúng giờ giấc. Nếu không thể tự tìm cách “vệ sinh tinh thần”, tôi khuyên mọi người nên tập thiền. Mỗi ngày, chúng ta nên có 30 phút để tập thiền là một cách thanh lọc tinh thần rất tốt. Thực tế những người tập thiền đều nhận thấy tác dụng của phương pháp này lên sự thay đổi và phát triển của não bộ. Cảm xúc đã không còn đơn thuần là một trạng thái cảm xúc bản năng. Thay vào đó, qua thiền hay các phương pháp luyện tập tâm trí khác, con người có thể điều khiển cảm xúc, giảm suy nghĩ tiêu cực, và phát triển sự tích cực trong tư duy.
- Thanh Nhã