Sài Gòn là một đô thị cởi mở, ai cũng có cơ hội để sống và làm việc tùy theo khả năng và sức lực của mình. Và người Sài Gòn, xét cho cùng thì ai cũng có một quê nhà đâu đó, tìm đến thành phố này để làm việc, mưu sinh. Với quan điểm như vậy, chủ đầu tư và cả những người thiết kế dự án này đều muốn tạo nên một công trình tích hợp nhiều công năng, đồng thời mang tinh thần của Sài Gòn – thành phố của công việc.
Dự án nhỏ tích hợp nhiều công năng này được hình thành hết sức bất ngờ. Bất ngờ là vì ban đầu, chủ đầu tư đặt vấn đề cải tạo lại ngôi nhà đang cho thuê thành một không gian mới với quy mô bốn phòng ngủ để đại gia đình về ở chung. Nhưng trên chuyến xe đi khảo sát hiện trạng công trình, nghe kiến trúc sư nói đang tìm một nơi thích hợp để chuyển văn phòng, chủ đầu tư gợi ý: hay là các bạn về ngồi chung? Rất ngẫu hứng nhưng hoàn toàn không khách sáo, vì vậy mới có chuyện từ cải tạo nhà ở thuần túy, bài toán trở nên đặc biệt hơn: vừa là một văn phòng thiết kế kiến trúc, vừa là một văn phòng công ty kinh doanh dược phẩm và dĩ nhiên – vừa là nơi để ở. Các nhu cầu mới về công năng cũng dẫn tới thay đổi quy mô: nâng thêm tầng. Ưu tiên cho hoạt động văn phòng nên chức năng ở được cô đọng lại, từ bốn phòng ngủ xuống chỉ còn hai phòng.
Ngôi nhà cũ được xây dựng từ năm 2009, cho một cảm giác khá riêng tư. Vì thế, khi cải tạo nhằm đáp ứng nhu cầu mới, cấu trúc của nó cần được thay đổi khá nhiều. Hình thức bên ngoài phải đủ mạnh để cởi mở và đón chào, có tinh thần của một “office”. Việc tổ chức không gian phải đáp ứng hoạt động của hai văn phòng vốn khác nhau về đặc thù, đồng thời giải quyết nhu cầu ở cho một gia đình có hai đứa trẻ. “Nhiều chức năng được lồng ghép vào nhau (ở – chơi – làm việc), nhiều xung đột trong tính cách không gian (chung – riêng; sáng – tối…). Có nhiều giải pháp, song chúng tôi chọn cách làm phong phú nhất có thể, để từng chức năng vẫn giữ được cá tính riêng trong tổng thể chung của công trình” – những người thiết kế chia sẻ. Và các vấn đề được giải quyết theo từng chức năng cụ thể.
Tầng trệt là văn phòng Công ty Thiết kế atelier tho.A. Tất cả chỗ ngồi làm việc đều quây quanh chiếc bàn dài, ánh sáng tập trung ở giữa, chung quanh sẫm tối. Như vậy, cảm giác nguồn năng lượng và độ tập trung suy nghĩ rất cao, thích hợp với hoạt động cần khuyến khích sự sáng tạo. Với Glandcore – văn phòng công ty dược trên lầu 1 thì cần cảm giác sạch sẽ, sáng sủa, tổng thể và chi tiết đều hướng đến hiệu quả này.
Có một điều thú vị là mảng gạch bông gió mặt tiền lại khiến gia chủ và nhóm thiết kế tốn khá nhiều thời gian, suy nghĩ và công sức. Bởi nếu sử dụng gạch bánh ú thì che được mưa nhưng cũng che luôn tầm nhìn ra bên ngoài, còn loại lam phổ biến lại không hiệu quả trong việc che mưa… Chủ đầu tư và nhóm thiết kế cùng nhau thử nghiệm để tìm ra một kiểu bông gió riêng từ bê tông xốp, giải quyết được tất cả vấn đề: che mưa, lấy sáng, mở tầm nhìn và nhẹ, không ảnh hưởng đến kết cấu. KumKent house là tên gọi chung cho không gian ở của gia đình, gồm các khu chức năng: bếp ăn, phòng sinh hoạt chung, hai phòng ngủ. Vẫn có thể tìm thấy nhiều chỗ thích hợp để làm việc ở các khu vực này: phía ngoài cầu thang lầu 2, bệ cửa sổ trong phòng ngủ của chủ nhân cũng có thể đặt hai cái laptop, thậm chí ngay cả đảo bếp cũng có thể ngồi với máy tính để xử lý công việc khi cần thiết…
Như vậy, nhóm thiết kế đã lồng ghép vào trong các không gian chức năng một ý niệm về Sài Gòn – thành phố của công việc. Đồng thời, sự chăm chút từ tổng thể đến chi tiết của công trình cũng tạo nên nhiều cảm xúc. Đó là sự tương phản giữa bên trong và bên ngoài, sáng và tối, là những lá thép mảnh đan xen để tạo nên ấn tượng mạnh về diện mạo, là những bậc thang đan từ sợi mây, là bàn thờ ông địa độc đáo trước sân…
Có thể nói, KumKent house là một ngôi nhà cải tạo đáp ứng nhiều chức năng, thực dụng nhưng vẫn mộng mơ, và hình như cái không khí ấy thích hợp với tất cả nhân tố đang cùng thụ hưởng: sự mộng mơ cho những người thiết kế, cho tuổi thơ của Kum – Kent, cho cả vợ chồng chủ đầu tư – những người dám quyết định thay đổi mục tiêu ban đầu của mình rất chóng vánh để chia sẻ không gian của mình với nhóm thiết kế. Theo một cách nào đó, cũng là một tính cách rất Sài Gòn.
Dự án: atelier tho.A + Glandcore office + KumKent house
Nhóm thiết kế: Phạm Nhân Thọ, Phạm Phương Thoa, Huỳnh Thư Hoàn, Nguyễn Vinh Huy
Atelier tho.A – Địa chỉ: 200/09 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM
Website: atelierthoa.com/
Điện thoại: (028) 62581235
Xây dựng: Nguyễn Việt Hải +…
Cung cấp ánh sáng: Công ty Tân Mỹ Á
- Ảnh Quang Trần