Nhu cầu vốn của doanh nghiệp luôn phong phú, từ đầu tư các dự án xanh, tới nguồn vốn lưu động để đối phó với khủng hoảng do dịch bệnh hay tài chính cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Những yêu cầu đa dạng như vậy đã và đang được cung cấp bởi những tổ chức tài chính có tiềm lực quốc tế như Ngân hàng Standard Chartered tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh và sự phồn vinh của thị trường nơi ngân hàng này có sự hiện diện.
Giải ngân theo “nhu cầu”
Tận dụng sự hiện diện tại 59 thị trường năng động trên thế giới và phục vụ khách hàng trên hơn 85 thị trường, cùng sự am hiểu sâu sắc về thị trường nội địa, Standard Chartered luôn chú trọng hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bắt kịp với xu hướng tiêu dùng trên toàn thế giới.
Tiêu biểu có thể kể đến các giải pháp hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp giảm nhẹ gánh nặng tài chính được Ngân hàng triển khai trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19. Đi kèm với đó là gói tài chính 1 tỉ đô la Mỹ theo cam kết toàn cầu của Standard Chartered dành cho các công ty cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 và các doanh nghiệp có kế hoạch chuyển đổi sang sản xuất các sản phẩm có nhu cầu cấp thiết để ngăn chặn đại dịch.
Tecomen là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, cũng như khu vực ASEAN, mới đây đã nhận được khoản giải ngân từ gói tài chính toàn cầu trên của Standard Chartered. Khoản tín dụng có hạn mức 40 tỉ đồng (tương đương khoảng 1,8 triệu đô la Mỹ) đã được cung cấp cho Tecomen làm vốn lưu động, phục vụ cho hoạt động sản xuất khẩu trang y tế nhằm đáp ứng nhu cầu về thiết bị y tế trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu.
Theo Standard Chartered Việt Nam, các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực khác nhưng có kế hoạch mở rộng sản xuất sang các sản phẩm phòng chống dịch cũng có thể nhận được sự hỗ trợ từ gói tài chính kể trên.
Bên cạnh đó, để thể hiện vai trò tiên phong trong hoạt động thúc đẩy cân bằng giới trong lĩnh vực tài chính toàn cầu và tại Việt Nam, Standard Chartered Việt Nam gần đây đã chủ động hợp tác với Hội đồng Doanh nhân Nữ Việt Nam, thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng triển khai chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Theo đó Ngân hàng sẽ cung cấp các khoản vay ngắn hạn với tổng hạn mức tín dụng 25 triệu đô la Mỹ, kỳ hạn lên đến 365 ngày, để giúp các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu tài chính phục vụ cho phát triển kinh doanh.
Theo ông Nirukt Sapru – Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 24% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và gói tín dụng mà Standard Chartered cam kết được thiết kế để hỗ trợ các nữ doanh nhân này phát huy được tiềm năng và gặt hái được thành công trong lĩnh vực mà họ làm chủ.
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19 gây ra. Thông qua chương trình hỗ trợ tài chính, chúng tôi hy vọng có thể giúp các nữ doanh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời, tiếp cận với nguồn vốn cùng các giải pháp tư vấn tài chính hàng đầu để phát triển hoạt động kinh doanh”, vị tổng giám đốc này chia sẻ.
Đây là video tương tác: Bạn có thể dừng video bằng cách chạm vào màn hình và nhấn vào các chấm xanh để có thêm thông tin chi tiết.
Tín dụng “xanh” cho phát triển bền vững
Không giới hạn năng lực trong việc cung cấp các khoản vay theo nhu cầu thực tế của thị trường, Standard Chartered còn hướng tới một mục tiêu sâu xa hơn là phát triển bền vững cùng doanh nghiệp, lấy yếu tố môi trường đặt làm trọng tâm, với các sản phẩm tài chính bền vững.
Cách đây hai năm, ngân hàng này đã thành lập Phòng Tài chính Bền vững, cho ra mắt các sản phẩm tiền gửi bền vững tại London, Singapore, Hồng Kông và New York. Standard Chartered cũng phát hành Trái phiếu Bền vững trị giá 500 triệu Euro, được sử dụng để tài trợ cho các lĩnh vực thuộc định hướng của các mục tiêu phát triển bền vững, bao gồm các dự án năng lượng sạch, các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và tín dụng vi mô.
Ông Nirukt Sapru đánh giá thị trường Việt Nam sẽ cần một nguồn vốn lớn cho mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ trong các lĩnh vực như nước sạch và vệ sinh hay công nghiệp, sáng tạo và hạ tầng trong 10 năm tới đây.
“Theo ước tính của chúng tôi, Việt Nam sẽ cần 111,1 tỉ đô la Mỹ cho các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó cơ hội dành cho khối tư nhân là 45,8 tỉ đô la Mỹ. Dựa trên năng lực toàn cầu và hiểu biết sâu sắc về thị trường nội địa, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững tại Việt Nam thông qua việc cung cấp nguồn tài chính bền vững”, ông chia sẻ.
Đến cuối năm 2024, tập đoàn này cam kết sẽ cung cấp nguồn vốn 75 tỉ đô la Mỹ cho các dự án đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững, gồm 40 tỉ đô la Mỹ cho các dự án cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển bền vững và 35 tỉ đô la Mỹ cho các dự án công nghệ sạch và năng lương tái tạo.
Bản thân ngân hàng này sẽ đóng một vai trò dẫn dắt khi cam kết loại bỏ hoàn toàn phát thải carbon từ hoạt động vận hành của ngân hàng vào năm 2030.
Với mạng lưới hoạt động tại 59 thị trường, trong đó có nhiều thị trường mới nổi quy mô lớn, Standard Chartered sẽ thực hiện mục tiêu này bằng cách sử dụng những dụng nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời, tiếp tục áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả trên hơn 1,1 triệu mét vuông tổng diện tích văn phòng trên toàn cầu.