Từ TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, theo QL 18A đi Móng Cái, chạy xe được nửa đường, khoảng 70km là đến Tiên Yên. Xuống xe tham quan, tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp của một thị trấn nhỏ miền núi nằm khép mình bên ngã ba sông, từ xa xưa đã là một đô thị, cửa ngõ miền Đông sầm uất của tỉnh.
Dấu ấn rêu phong
Tiên Yên quyến rũ, nằm khép mình trên một ngả ba sông, đã bị cuốn hút bởi trào lưu đô thị hóa, chỉ còn 2 phố Hòa Bình và Quang Trung giữ được nhưng ngôi nhà cổ, nhưng đều bị những căn nhà mới chia cắt. Đứng trên cửa ngõ thị trấn quan sát toàn cảnh, ta dễ dàng nhận thấy những căn nhà rêu phong, mang đậm màu sắc của thời gian: Những căn nhà 2 tầng, mặt tiền chỉ có 2-3m, sâu hun hút vài chục mét như cái ống, nhà nào cũng có giếng trời để thông gió và lấy ánh sáng tự nhiên. Những căn nhà xưa đều không có vỉa hè, mái hiên đều rất ngắn, bước một bước từ nhà là ra ngay đường. Tôi mường tưởng, có thể khi xây dựng thị trấn, xe cộ còn lưa thưa, nên người đi bộ và xe có thể “chung sống” với nhau, ra đường không sợ bị xe đụng. Điểm nổi bật là các ngôi nhà xưa đều lợp bằng ngói âm dương.
Tôi dạo bước trong nắng nhạt đầu thu, tận hưởng những giây phút tĩnh lặng như thời gian trở về xa xưa. Những căn nhà cổ kính khiến tôi liên tưởng đến “Phố Phái”, đến phố Hàng Nâu (Nam Định), quê hương Tú Xương; rất tiếc là thiếu cổ thụ và thiếu cả cây cầu, nếu không sẽ khá giống phố cổ Hội An.
Hỏi đến những bậc cao niên, họ đều hết sức hoài niệm Tiên Yên xưa. Hồi giữa thế kỷ trước, nơi đây dân cư thưa thớt (bây giờ thị trấn cũng chỉ có 7.000 người), người Việt và các dân tộc anh em đều sống hòa thuận, trật tự trị an tốt, đêm không cần đóng cửa.
Thị trấn Tiên Yên là nơi duy nhất của tỉnh Quảng Ninh có dãy phố cổ, nhưng nay cũng đã có 70% nóc nhà đã xây mới, số còn lại cũng lăm le “đổi đời” để cuộc sống tiện nghi hơn. Mặc cho ngành du lịch bôn tẩu hô hào gìn giữ phố cổ, nhưng trao lưu đô thị hóa không sao ngăn nổi.
Muốn trở thành cảnh quan du lịch phải có cả 1 khu phố cổ, lác đác theo kiểu “tân cổ giao duyên” thì chẳng có giá trị chút nào, chỉ có thể lôi cuốn du khách ưa hoài cựu như tôi. Đừng nói đến chuyện khôi phục cả khu phố, chỉ việc trùng tu những ngôi nhà cổ xuống cấp cũng sẽ ngốn không ít tiền. Muốn có kinh phí, phải lập hồ sơ xin được công nhận di tích, một quy trình dài hơi, khi ngóng cổ chờ được kinh phí, các ngôi nhà cổ hiện hữu có lẽ cũng đã xuống cấp hết rồi, lấy đâu mà “bảo tồn”?
Tiên Yên lập ấp cũng chỉ khoảng trăm năm, thực ra chưa đủ tuổi thọ để gọi là “cổ”; hơn nữa, kiến trúc thiếu đặc sắc, lại không có đình, chùa, hội quán như ở Hội An, nên giá trị bảo tồn không cao.
Món ngon Tiên Yên
Nhịp độ sống người Tiên Yên dường như chậm mất nửa nhịp, khi tôi đến đã là 9 giờ sáng, nhưng vẫn còn có người đủng đỉnh ăn sáng, uống cà-phê. Tôi thích thú phát hiện, trong các quán ăn có bán món “xôi khau nhục”. Khau nhục vốn là món ăn nổi tiếng người Hoa, được người Tiên Yên kế thừa và trở thành món hấp dẫn du khách.
Tôi lân la hỏi chuyện bà bán xôi, được biết bà học nghề từ người Sán Dìu. Bà ta cũng giới thiệu sơ qua cách làm: Lấy nguyên miếng thịt ba rọi vuông vắn, xăm nhiều lỗ nhỏ trên da, luộc chín, vớt ra thái thành thoi dài, cho ngập dầu chiên cho da vàng và ra bớt mỡ, vớt ra, hầm tiếp với chao, hồi, quế… cho đến khi thịt nhừ và nước sốt đặc quánh. Tôi đã ăn sáng ở Hạ Long, nhưng cũng gắng ăn thêm một bát nữa để thưởng thức, miếng thịt hết sức thơm ngon, trông béo vậy nhưng ăn không ngán.
Tôi thấy hàng bên cạnh bán món ăn rất lạ, hói ra mới biết đó là “bánh gật gù”. Gồm đĩa bánh phở, tráng từ bột gạo pha chút cơm nguội(?), tráng xong cuốn lại, to bằng ngón chân cái, cắt khúc dài chừng gang tay. Khi ăn chấm với “nước lèo” – từ riêng chỉ thứ nước mắm sánh do nhà hàng pha chế, có nhiều hành phi, ăn với thịt heo quay rắc đậu phộng. Rất tiếc, bao tử tôi đã quá tải, không còn ăn được nữa.
Đặc sản Quảng Ninh còn phải kể đến chả mực. Hầu hết nguyên liệu dùng để làm chả đều là mực đánh bắt ở trong khu vực biển của Hạ Long, thịt rất thơm và dậy mùi không hề lẫn với mực ở các nơi khác. Để món chả mực được giòn và dai thì người ta phải giã bằng tay. Mực đã giã nhuyễn được nêm chút hạt tiêu vỡ và mắm, nắn thành những miếng nhỏ vừa ăn cho vào chảo dầu sôi, rán đến khi vàng ruộm. Miếng chả tươi ngon ngay từ khi mới cho vào chảo rán đã toả ra mùi thơm nức mũi rất quyến rũ. Đảm bảo nếu ăn một lần bạn sẽ không thể quên. Sản phẩm đã được bày bán tại khắp các siêu thị miền Nam.
Các món ăn đặc sắc Tiên Yên còn có bánh bạc đầu, bánh gio (tro), bánh tài-nồng-ệp (thứ bánh làm từ bột nếp dùng trong ngày Tết của người Sán Dìu) v.v. tôi không thể kể hết được.
Lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên
Nói về đặc sản địa phương, người Quảng Ninh có câu: “Lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên”. Hỏi đến gái Đầm Hà, cô nhân viên khách sạn ở Hạ Long bỉu môi: “vừa béo, vừa đen, vừa lùn”, khiến tôi cụt hứng, chẳng còn muốn đến Đầm Hà săn tìm sắc đẹp nữa. Người ta đưa “gái Đầm Ha” vào ca dao có lẽ không chỉ vì sắc đẹp ngoại hình. Gái Đầm Hà xưa còn giỏi đi biển kiếm thức ăn cho gia đình, về nhà kính chồng thương con, nên gái Đầm Hà có tiếng thơm là do đảm đang, lấy được gái Đầm Hà về làm vợ thì chồng con no đủ hạnh phúc…
Lợn Móng Cái có 2 sắc lông đen trắng, là giống lợn thịt ngon, mắn đẻ, có 12 núm vú, chịu kham khổ, tương tự như giống heo Ba Xuyên miền Tây Nam bộ trước đây vậy. Tuy nhiên, lợn Móng Cái phát triển theo hướng mỡ, nhỏ con, tăng trưởng chậm, nên dần dần bị loại khỏi bữa ăn gia đình. Có câu thơ miêu tả đặc điểm của lợn: “Trán đốm trắng, lưng mình hơi võng/ Yên ngựa đen, khoang trắng vắt vai”. Ngắn đòn, lưng võng hình yên ngựa, không phù hợp với quan điểm chọn giống hiện đại.
Gà Tiên Yên là giống gà đồi, mặt có lông như sợi râu, được nuôi thả rong, suốt ngày leo dốc, tìm sâu, chiều xuống, lũ gà này lại có thói quen bay lên ngủ trên các cành cây, nên thịt chúng rắn chắc nhưng mềm, da vàng, thịt thơm, nước ngọt, không giống gà nào sánh bằng.
Có lẽ chúng ta không lạ gì việc thụ tinh cho trâu, bò, heo… nhưng chắc chưa ai có may mắn được biết về thụ tinh nhân tạo cho gà. Ích lợi thì quá rõ rồi. Bình thường trong đàn gà phải có tỷ lệ ít nhất là 10 gà mái cần 1 gà trống. Vậy mà trong đàn gà này đâu phải ngày nào cả 10 con mái đều đã may mắn được ơn “mưa móc”. Chính vì vậy, tỷ lệ trứng có phôi thường chỉ đạt 70% mà thôi. Đối với chăn nuôi lớn, tỷ lệ đó không chấp nhận được. Lần nay đi Tiên Yên, tôi đã thấy công nhân trại gà thụ tinh nhân tạo một cách rất thuần thục.
Chắc chúng ta đã thường xuyên trông thấy gà trống đạp mái. Chúng dí mỏ vào cổ gà mái rồi đè lên và hoàn thành nhiệm vụ truyền giống có thể nói là… quá nhanh! Nhưng thụ tinh nhân tạo bằng cách nào đây? Các nhà khoa học cho biết cơ quan giao cấu của gà trống không phát triển. Nó chỉ là chỗ phình hình bong bóng của ống dẫn tinh, nó nở to khi có kích thích sinh dục. Ngoài ra, khi tinh hoàn hoạt động còn có sự tham gia của những nếp nhăn limpho và những thể ống, nằm ở tận cùng của ống dẫn tinh. Khi giao cấu, ổ nhớp con trống áp sát với lỗ huyệt con mái. Lúc này, âm đạo được bộc lộ ra và tinh trùng được phóng vào lỗ huyệt của con mái. Kết quả là một con gà trống phục vụ dễ dàng cho được tới 75 con gà mái (!) và tỷ lệ có phôi của trứng thì nâng lên đến 96%.
Trải qua một cuộc bể dâu, thành phần dân cư Tiên Yên đã thay đổi, nhưng các dân tộc từng sinh sống ở đây đều để lại dấu ấn đậm nét, góp phần cho nền văn hóa vùng biên này.
Tôi có người bạn thơ đã khuất Tăng Hiến Trí, là người Tiên Yên, khi trở về quê cũ, thấy bộ mặt đã khác xưa, anh đã cảm xúc viết bài thơ như sau:
Ba mươi năm lưu lạc tha phương,
Mái tóc đã điểm sương,
Trở về quê cũ đây thương cảm,
Thế sự lắm tang thương.
Gặp bạn cùng thôn như khách lạ,
Trải bày cùng ai nỗi tơ vương?
Hỏi đến vườn xưa nhà ở cũ:
Núi im lặng, bóng tịch dương.
Khách phương xa như tôi, nhìn tốc độ đô thị hóa ở Tiên Yên, thì mừng vì cuộc sống bà con ở đây có khá lên. Nhưng đặt tâm trí vào những mái ngói rêu phong còn sót lại từ ngày xửa ngày xưa thì cũng phải khẽ ngâm: “Thế sự lắm tang thương”.