Lĩnh vực thương mại điện tử đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh giữa bốn “ông lớn” là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Thông tin về thương vụ sáp nhập giữa Tiki và Sendo hứa hẹn một cuộc đua ngày càng gay cấn và khốc liệt.
Theo sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 (Bộ Công Thương phát hành), quy mô tăng trưởng thị trường thương mại điện tử bán lẻ chỉ đạt 4,2% trong năm 2018. Chính phủ đang hướng tới mục tiêu đạt doanh thu 35 tỉ USD vào năm 2025, một mục tiêu kinh tế xa vời trong thời điểm hậu Covid-19.
Hoàn cảnh nan giải
Mua sắm trực tuyến được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả lại không khả quan như mong đợi. Hoạt động trên các ứng dụng mua sắm trực tuyến vẫn diễn ra ổn định, nhưng lượng truy cập vào Lazada, Tiki và Sendo trong quý đầu năm 2020 đã sụt giảm và thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng Shopee có lượng truy cập tăng trong Quý I năm nay.
Theo một chuyên viên của iPrice phụ trách quản lý phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam, các mặt hàng bán chạy trong mùa dịch chủ yếu là nhu yếu phẩm. Nhu cầu mua sắm các loại mặt hàng thời trang và sản phẩm điện tử vốn là nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng của các sàn thương mại điện tử các năm trước thì năm nay lại sụt giảm.
Trước khi đại dịch xảy đến, đã có một số trang web mua sắm thông báo đóng cửa vào năm 2019, bao gồm sàn thương mại điện tử Adayroi của tập đoàn Vingroup, Lotte.vn của tập đoàn Lotte Hàn Quốc và Robins.vn của tập đoàn đa ngành Central Group Thái Lan. Thương mại điện tử tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, do mới bước vào giai đoạn manh nha, chi phí để thu hút khách hàng mới và thuyết phục họ mua sắm là rất tốn kém. Phần lớn chi tiêu do người tiêu dùng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy, chiếm 70% tổng số giao dịch thương mại điện tử trên toàn quốc. Phí vận chuyển đến tay người mua hàng khắp 63 tỉnh thành trên cả nước cũng rất đắt đỏ.
Cũng rất khó để lay chuyển người mua, đặc biệt là những người lần đầu sử dụng dịch vụ mua sắm trực tuyến tại các tỉnh thành nhỏ lẻ trên cả nước. Theo số liệu thống kê tại sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2019, có đến 83% người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết họ quan ngại sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo. Tiếp đó là các mối quan ngại khác như dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn kém, phương thức đặt hàng và thanh toán trực tuyến phức tạp và giá cả đắt hơn mua trực tiếp hoặc không rõ ràng.
Ngoài ra, mối lo ngại mua sắm trực tuyến còn bắt nguồn từ tâm lý “tiền mặt là nhất”. Số liệu thống kê trong báo cáo năm 2019 do Ngân hàng Standard Chartered thực hiện cho thấy trong số các quốc gia thuộc khối ASEAN, Việt Nam là nước sử dụng hình thức thanh toán COD (cash on delivery) nhiều nhất. Có đến 90% các giao dịch trực tuyến tại Việt Nam vẫn được thanh toán bằng hình thức thu tiền mặt khi giao hàng, Indonesia và Thái Lan là 2 nước xếp sau Việt Nam với tỷ lệ các cuộc giao dịch trực tuyến được thanh toán bằng phương thức trên lần lượt là 65,3% và 48,5%.
Một thị trường cạnh tranh quyết liệt
Shopee là công ty cuối cùng trong “Tứ Đại” nền tảng thương mại điện tử đặt chân đến Việt Nam (năm 2016). Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử thuộc quyền sở hữu của Sea Group lại có vị thế vững chắc tại thị trường Việt Nam, theo ước tính của bên thứ ba về số liệu người dùng web và di động mà Tech in Asia có được.
Để lôi kéo người tiêu dùng, những sàn thương mại điện tử phải chi nhiều tiền cho việc triển khai các chương trình giảm giá, hỗ trợ vận chuyển, trao thưởng cho nhà bán hàng và khởi động các chiến dịch hợp tác cùng người nổi tiểng tại Việt Nam. VnDirect, một công ty cổ phần chứng khoán trong nước cũng đưa ra các nghiên cứu thị trường, trong đó nêu rõ ước tính một nền tảng mua sắm trực tuyến mới phải chi ít nhất 142 tỉ đồng (6 triệu USD) một năm để chiếm 1% thị phần.
Báo cáo xếp hạng 50 sàn thương mại điện tử hàng đầu của iPrice chỉ rõ Lazada, một nền tảng đặt chân đến Việt Nam năm 2012, đã để vuột mất vị trí dẫn đầu ở một số hạng mục về tay Shopee trong Quý III năm 2018. Lazada đã trải qua một cuộc cải tổ lãnh đạo trong khu vực vào cuối tháng Sáu. Trả lời câu hỏi của Tech in Asia về vị thế hiện tại của công ty tại Việt Nam, người phát ngôn của Lazada cho biết nền tảng này phục vụ cho hơn 70 triệu người dùng mỗi năm và coi đây là con số thể hiện vị thế dẫn đầu của công ty.
Để cạnh tranh được với những đối thủ nặng ký, cả Tiki và Sendo đều đã huy động được số tiền tài trợ đáng kể từ các vòng gọi vốn. Tiki và Sendo đều đã nộp đơn xin hợp nhất lên Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng theo báo cáo thường niên năm 2019 của cơ quan này và những người trong cuộc.
Một nhà đầu tư trong khu vực từng tham gia vòng gọi vốn của Sendo tin rằng hợp nhất là nước đi “vô cùng hợp lý” trong bối cảnh ngày càng có ít những nhà đầu tư quốc tế hứng thú với việc mua sắm tài sản.
Vậy những nền tảng thương mại điện tử Việt có thể làm gì để cạnh tranh với những đế chế khổng lồ trong khu vực như Shopee và Lazada?
Về lý thuyết, việc sáp nhập giữa Tiki và Sendo sẽ tạo ra một sàn thương mại điện tử có phạm vi rộng hơn trên toàn quốc. Tiki chủ yếu hướng tới nhóm khách hàng thu nhập cao trong nội thành Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Sendo lại tập trung vào phân khúc khách hàng tại các tỉnh thành nhỏ.
Đối với Tiki, Sendo đóng vai trò là mảnh ghép còn thiếu, Tiki và Sendo đều có khả năng mở rộng quy mô nhanh hơn do sở hữu mô hình kinh doanh khác nhau. Tiki tập trung vào hình thức kinh doanh từ doanh nghiệp đến khách hàng, còn Sendo hướng tới mô hình khách hàng với khách hàng. Cả hai công ty đều có danh mục sản phẩm đa dạng.
Ví điện tử cũng là nhân tố quan trọng, cho phép các nền tảng thương mại điện tử mở rộng kinh doanh các sản phẩm tài chính như cách Aibaba đã vận hành. Tiki không sở hữu ví điện tử, trong khi Sendo lại có ví SenPay được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam biểu dương là một trong 5 ví điện tử trên toàn quốc đóng góp đến 95% tổng giá trị giao dịch trên trị trường trong Quý II năm 2019.
Việc sáp nhập Tiki-Sendo nhìn qua có vẻ thuận lợi, nhưng trên thực tế, lại không dễ dàng. Nhằm giao hàng nhanh hơn, Tiki đã khánh thành công ty con TikiNow Smart Logistics vào tháng Chín năm 2019. Bằng cách điều hành mạng lưới hậu cần và nhà kho của riêng mình, Tiki không chỉ học tập mô hình kinh doanh của Amazon mà còn tiếp thu từ cách vận hành của công ty thương mại điện tử khổng lồ ở châu Á là JD.com. Một số chuyên gia trong ngành có quan điểm dù giữ nguyên thương hiệu hậu sáp nhập, cả Tiki và Sendo cần tận dụng các thế mạnh tương ứng và tránh các mâu thuẫn không đáng có.