Thực phẩm nào cũng cung cấp một lượng dinh dưỡng nhất định cho cơ thể chúng ta, nhưng gần đây có thêm loại thực phẩm chức năng, được quảng cáo là ngoài chức năng dinh dưỡng còn giúp phòng ngừa và điều trị một số bệnh mạn tính.
Khái niệm thực phẩm chức năng được người Nhật sử dụng đầu tiên vào năm 1980 và đến nay, các công ty sản xuất thực phẩm chức năng đã nở rộ trên toàn thế giới nhưng người tiêu dùng vẫn còn chưa hoàn toàn yên tâm khi sử dụng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thực phẩm chức năng là loại thực phẩm “không chỉ cung cấp cho cơ thể con người những chất dinh dưỡng cơ bản, mà về mặt nào đó, nó còn có thể phòng ngừa một số bệnh tật và giúp tăng cường sức khỏe”.
Thực phẩm chức năng được sản xuất bằng nhiều cách, ví dụ loại bỏ chất có hại và bổ sung một vài chất mới hay tăng nồng độ chất có ích khác nhằm tạo thêm lợi ích cho sức khỏe của người dùng. Liều dùng thường nhỏ, giống như là thuốc. Có loại có thể dùng đại trà, nhưng có một số thực phẩm chức năng chỉ dành cho từng đối tượng đặc biệt, chẳng hạn những người có nguy cơ về bệnh tim mạch, rối loạn tiêu hóa, béo phì…
Có những thực phẩm chức năng ở dạng tự nhiên chứa những hoạt chất có lợi (đậu nành, tỏi, cà chua, trà, rau lá xanh giàu lutein…) hoặc được bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất, men tiêu hóa, các chất chống oxy hóa, các nội tiết nam hoặc nữ, chất tăng cường miễn dịch, chất chống ung thư…). Hiện nay, người dân ở một số nước có xu hướng ưa chuộng dùng các thực phẩm chức năng hơn là dùng thuốc vì trong một số trường hợp, việc sử dụng chúng mỗi ngày có những tác động khá hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị và phòng chống một số bệnh.
Với những tính chất như trên, có phải tất cả các loại thực phẩm chức năng đều tốt như lời quảng cáo của các công ty sản xuất? Người tiêu dùng vẫn còn lo lắng về hiệu quả đích thực và mức độ an toàn của các loại thực phẩm này. Do đó, nên chăng cơ quan quản lý y tế cần phải kiểm tra và cấp chứng nhận chất lượng của chúng trước khi cho phép đưa ra thị trường tiêu thụ? Ngoài ra, thiết nghĩ cũng cần quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối.
Theo các chuyên gia của Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam, tỷ lệ phần trăm sử dụng thực phẩm chức năng của người dân Việt Nam đang dần tăng, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Năm 2000 chỉ mới có khoảng chục mặt hàng thực phẩm chức năng được nhập từ nước ngoài, nhưng nay đã có trên 1.700 mặt hàng này được đăng ký và tiêu thụ tại Việt Nam. Xin lưu ý lại là thực phẩm chức năng chỉ có giá trị bổ sung, nhưng nội dung quảng cáo thường dễ gây hiểu lầm là có thể chữa bệnh, do đó người tiêu dùng sẵn sàng mua thực phẩm chức năng dù giá bán rất đắt, ví dụ các loại trà thảo dược giúp “giảm béo” giảm béo, tiêu mỡ có giá khá rẻ, nhưng khi được bổ sung một số vitamin để trở thành thực phẩm chức năng thì giá có thể tăng gấp từ năm đến mười lần.
Vì vậy, trước khi quyết định sử dụng thực phẩm chức năng, bạn nên đặt ra những câu hỏi sau để tìm hiểu:
- Hoạt chất chính của nó là gì?
- Tác dụng của nó thế nào? Đã có những công trình nghiên cứu nào chứng minh được tác dụng đó chưa?
- Nhà sản xuất có đáng tin cậy không?
- Nhãn của thực phẩm chức năng (những thực phẩm có bổ sung và biến đổi) có ghi rõ liều lượng các chất không, có ghi những tác động phụ không?
- Những tác dụng chính của thực phẩm chức năng có phù hợp với nhu cầu của bạn không?
- Giá cả của nó có quá cao so với các thực phẩm thông thường cùng loại ở dạng tự nhiên không?
Sau khi có những câu trả lời tương ứng, bạn nên chọn mua những thương hiệu sản phẩm có uy tín và đọc kỹ các thông tin xác nhận về lợi ích cho sức khỏe của mình.
Có phải dùng càng nhiều thực phẩm chức năng thì càng tốt? Người tiêu dùng thường ngộ nhận rằng các thực phẩm chức năng cũng “hiền lành” như thức ăn thức uống dùng hằng ngày, nhưng thật ra, chúng thường có một số tác dụng phụ như gây dị ứng, tiêu chảy… Do đó, bạn không dùng tùy tiện, chỉ dùng khi thật sự cần thiết.
Các công ty sản xuất thường quảng cáo quá mức tác dụng phòng chống bệnh của dùng và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Tốt nhất là trước khi sử dụng, bạn nên đến bác sĩ để được tư vấn.
Xin đừng nghĩ rằng có thể dùng thực phẩm chức năng để thay thế hoàn toàn chế độ dinh dưỡng của bạn, mà phải dùng đúng cách, đúng chỉ định và kết hợp với chế độ dinh dưỡng lành mạnh mới có thể đạt được hiệu quả tốt nhất.
Tóm lại, thị trường thực phẩm chức năng đang nở rộ ở Việt Nam và thường xuyên chúng ta được nghe những lời quảng cáo thổi phồng về lợi ích cho sức khỏe của chúng. Nếu biết cách ăn uống hợp lý thì các thực phẩm thiên nhiên đã cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Thực phẩm chức năng không phải là thần dược, mà chỉ bổ sung một số chất dinh dưỡng giúp cân bằng thể trạng. Dù đã có nhiều thông tin về các loại thực phẩm chức năng, nhưng việc quyết định sử dụng hay không hoàn toàn tùy thuộc vào sự suy xét sáng suốt của bạn.