Cao hơn cả Titicaca và được bao bọc bởi những đỉnh núi tuyết, hồ Karakul của Tajikistan, một quốc gia ở Trung Á, thật sự đẹp mê hoặc mọi đôi mắt. Không chỉ có cảnh quan tuyệt đẹp, nó còn mặn đến nỗi đủ để sản sinh ra một lực đẩy cực lớn khiến cho mọi chiếc thuyền đều có khả năng bị lật úp khi ra xa bờ.
Trong trường hợp bạn chưa biết về Titicaca thì nó là hồ nước cao và rộng nhất Nam Mỹ. Nhờ tọa lạc trên đỉnh Altiplano thuộc dãy Andes, Titicaca ngất ngưởng trên độ cao 3.812m so với mực nước biển, sâu trung bình 107m và sâu tối đa 281m. Đặc biệt có diện tích khổng lồ nhất trái đất, rơi vào khoảng 8.372km2.
Nếu so sánh về mặt diện tích, hồ Karakul của châu Á nhỏ bé hơn nhiều, chỉ khoảng 380km2. Tuy nhiên, nó không hề kém cạnh về độ sâu (cũng đạt tới 230m) và đặc biệt nằm ở vị trí cao hơn hẳn, vào khoảng 3.900m so với mực nước biển.
Trên đỉnh “Nóc nhà của thế giới”
Nói đến Karakul là nói đến dãy Pamir cao chót vót, vốn nổi tiếng là “Nóc nhà của thế giới” và vinh dự nằm trong danh sách những dãy núi cao nhất hành tinh. Đỉnh cao nhất của Karakul là Ismoil Somoni cao 7.495m.
Ngoài ra, dãy núi này còn sở hữu thêm 2 đỉnh khác cao trên 7.000m là Ibn Sina và Korzhenevskaya. Hồ Karakul tọa lạc ngay khu vực trung tâm của dãy Pamir. Dù từ trước đến nay, chúng ta quen xem Titicaca là hồ trên núi cao nhất địa cầu, nhưng có lẽ đã đến lúc cần xác định lại. Với độ cao 3.900m, Karakul rõ ràng là nằm ở vị trí nhỉnh hơn so với Titicaca gần 100m.
Khoảng 25 triệu năm về trước, một thiên thạch có đường kính chừng 52km đã đâm sầm vào trái đất ngay trên dãy Pamir. Một miệng hố khổng lồ hình thành. Thời gian dần trôi, nước bắt đầu dâng và đọng trong lòng hố.
Giống như Biển Chết (hồ nước mặn nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan trên thung lũng Jordan), Karakul cũng hoàn toàn khép kín. Nước trong lòng hồ chỉ có thể bốc hơi chứ không thể tràn chảy đi đâu, nên nồng độ muối mỗi ngày một trở nên mặn đắng. Nó mặn đến nỗi không sinh vật nào sống nổi, trừ loài Nemacheilus (cá chạch suối).
Cái độc đáo hơn cả của Karakul là nó được bao bọc bởi các đỉnh núi cao quanh năm tuyết phủ trắng xóa và cả “sa mạc mặt trăng” vắng bóng sự sống. Để đến được hồ nước này, bạn cũng chỉ có thể nương theo duy nhất một con đường là Đại lộ Pamir, tuyến đường vốn nổi danh là nguy hiểm nhưng cũng hùng vĩ, tuyệt mỹ nhất hành tinh.
Sắc màu biến đổi và độ mặn kinh hoàng
Vì có một bán đảo kéo dài ra tận giữa lòng hồ ở phía nam và một hòn đảo khác chiếm một khoảng không gian khá lớn của phía Bắc (có diện tích lên tới hẳn gần 32km2) nên Karakul gần như là bị chia làm đôi. Độ sâu giữa hai nửa của nó cũng cực kỳ chênh lệch.
Phía Đông Karakul tương đối nông, chỉ sâu chừng 13-19m, còn phía Tây lại rất sâu, từ 221-230m. Kỳ diệu là màu nước trong hồ thay đổi liên tục trong ngày, từ sắc xanh lục như ngọc lam đến xanh biếc như da trời. Đặc biệt, vào những ngày mùa hè, nó còn phơi bày sắc xanh nhạt trong leo lẻo nữa.
Đáng tiếc là giống như câu “Nước trong quá thì không có cá”, Karakul hoàn toàn vắng bóng sự sống. Không chỉ là hồ nước cao, khép kín, nó còn được vây quanh bởi các mỏ muối, khiến cho nước đã mặn lại càng mặn hơn. Về thực chất, Karakul cũng chính là hồ nước mặn nhất châu lục lớn nhất thế giới. Thế nên người ta mới hay ví von nó là “Biển Chết phiên bản châu Á”.
Tuy nhiên, cũng giống như Biển Chết không hẳn là “chết” (bởi vẫn có vi khuẩn và nấm mốc sinh tồn), trong làn nước mặn chát của Karakul cũng vẫn có cá Nemacheilus sinh sống. Loài cá này là một phân nhánh của nhà cá chạch suối phổ biến trong các suối ghềnh của châu Á, có khả năng sinh tồn cực mạnh, bất chấp sự khắc nghiệt của môi trường.
Mặc dù dưới nước rất nghèo nàn sinh vật, nhưng trên bờ Karakul lại đặc biệt đông vui. Nhờ hút ẩm từ nước hồ mà đất đai xung quanh, đặc biệt là trên đảo nổi trong lòng hồ và bán đảo khá ướt át, thích hợp cho nhiều loại cỏ phát triển mạnh. Đã có thực vật, tất nhiên cũng sẽ đầy rẫy sâu bọ. Chim chóc vì thế rất thích thú kiếm ăn và làm tổ trong các đồng cỏ ven bờ.
Ngoài các loài bản địa, Karakul còn thường xuyên đón các đợt chim di trú từ những khu vực xung quanh. Vì vậy, nó luôn nhộn nhịp đủ các loài lông vũ, từ ngỗng Ấn Độ đến vịt vàng, kền kền Himalaya, choi choi Mông Cổ, gà gô cát Tây Tạng, sẻ tuyết cánh trắng… Thêm vào đó, vì rất mặn, Karakul còn nức tiếng là luôn rình rập lật úp thuyền. Nhưng càng khó thì lại càng khơi dậy bản năng chinh phục. Du khách ghé thăm rất khoái chơi trò lướt ván diều và chèo thuyền phao trên mặt hồ.
Chỉ lưu chân những cư dân Kyrgyz “cứng cựa” nhất
Bất chấp lưu lượng nước khổng lồ, bên ngoài bờ Karakul vẫn là thế giới sa mạc trên cao khô hạn bậc nhất quả đất. Như đã nói, Karakul nằm lọt thỏm giữa các đỉnh núi cao nhất của dãy Pamir, bị che chắn tứ bề. Vì thế, nó rơi vào hiệu ứng bóng mưa quen thuộc, tức là không khí ẩm từ bên ngoài không thể vượt qua các đỉnh núi cao mà bay vào bên trong, nên đã ngưng tụ và đổ mưa hết ở sườn ngoài. Tính ra, Karakul chỉ nhận được một lượng mưa cực kỳ khiêm tốn là 30mm/năm. Nó đích thực là một trong những khu vực khô cằn nhất vùng Trung Á vốn đã khô hạn.
Bên trong khu vực lòng chảo trên cao chứa hồ Karakul, đất đai hoàn toàn khô khốc. Chính vì thế, nơi này mới được gọi là “sa mạc mặt trăng”, nghĩa là có bề mặt trống trơn, trơ khấc đất, đá và cát hệt như trên Cung hằng. Suốt mùa hè, mặt trời tàn nhẫn chiếu ánh nắng gay gắt.
Không khí nóng bức tưởng chừng như bốc cháy lên được. Sang đông, nhiệt độ lại xuống thấp đến nỗi đóng băng cả hồ nước đầy. Thêm vào đó, bất chấp độ mặn kinh khủng của nước hồ, loài muỗi vẫn sinh sôi nảy nở mạnh mẽ. Cứ trời ấm là chúng quẫy nhiễu tứ tung, không để cho bất cứ ai được yên.
Cũng rất khó để tiếp cận được hồ Karakul. Ngoại trừ đại lộ Pamir chỗ núi lở, chỗ đá lăn, chỗ vách cao dựng đứng mà không có lấy một rào chắn, người ta không còn lối đi nào khác để vào đến khu vực hồ. Xét ra, ngoại trừ quang cảnh mỹ lệ, hùng tráng ra, Karakul chẳng còn gì níu giữ người dân muốn sinh cơ lập nghiệp.
Nó xa xôi, hoang vắng đến nỗi trong Thế chiến thứ hai, người ta còn biến một mảnh đất trên bờ hồ thành trại tù để giam giữ các tù nhân chiến tranh phát xít Đức. Ngay cả với trại tù hoàn toàn mở toang, các tù nhân cũng chẳng thể chạy đi đâu. Bởi cái chờ đợi họ bên ngoài không có gì khác ngoài đất cát trống trơn và nguy cơ chết đói, chết khát.
Nếu đến Karakul bây giờ, bạn sẽ thấy trên bờ hồ có một thị trấn nhỏ. Nhưng đừng vội mừng! Đó chỉ là nhà trống. Sau Thế chiến thứ hai, một số người Kyrgyz (thuộc dân tộc Turk, chủ yếu sinh sống tại nước Kyrgyzstan) đã đưa dê và cừu của mình lên đây thả rông, cho gặm cỏ quanh bờ hồ. Dần dà, họ dựng lên một ngôi làng nhỏ hiện đang bị bỏ hoang này, gọi tên là làng Karakul.
Song cũng dần dà, hầu hết đều không chịu nổi kiểu khí hậu cáu bẳn và đám muỗi nhiều như vãi trấu. Họ lại dắt díu nhau bạt đi hết. Cuối cùng, chỉ còn lại những thành viên Kyrgyz “cứng cựa”, kiên gan bền trí nhất. Họ hiện đang quản lý các nhà trọ, đón tiếp những du khách ưa phiêu lưu khám phá, dám dũng cảm vượt qua con đường khó đi nhất hành tinh để đến chiêm ngưỡng hồ nước đẹp nhất và cao nhất thế gian này.
- Xem thêm: Tắm ở Biển Chết