Có vẻ như từ đầu năm đến nay, các hãng sản xuất laptop danh tiếng trên thế giới đã chú ý nhiều hơn đến nhóm khách hàng doanh nhân. Bằng chứng là những chiếc laptop của năm 2017 được giới thiệu chính thức có giá thấp nhất cũng xấp xỉ 30 triệu đồng. Người đại diện kinh doanh của một hãng sản xuất laptop lớn cho hay rằng lâu nay các hãng đã quá ưu ái cho phân khúc laptop đại chúng (có giá từ 15 triệu đồng trở xuống) trong việc truyền thông và tiếp thị, nay họ tập trung vào những sản phẩm cao cấp, tất nhiên giá cũng cao. Có thể lượng hàng bán ra không lớn nhưng bù lại, doanh thu và lợi nhuận đều cao.
Thấy giá là… choáng!
Hãng Fujitsu (Nhật Bản) vừa tung ra thị trường Việt Nam hai dòng laptop cao cấp, gồm U937 có giá 42 triệu đồng, còn U747 có giá 33 triệu đồng. Đại diện bộ phận sản phẩm của Fujitsu Việt Nam cho biết, hai dòng máy trên được sản xuất tại Nhật Bản, đáp ứng những tiêu chuẩn sử dụng của quân đội Mỹ, chẳng hạn lớp vỏ làm bằng hợp kim magie, bàn phím chống bụi bẩn, nước, chịu được va đập và nhiệt độ cao… Đặc biệt, chúng còn được tích hợp công nghệ nhận dạng sinh trắc học quét tĩnh mạch lòng bàn tay Palm Vein. Vị đại diện Fujitsu giải thích: “Palm Vein là công nghệ độc quyền của Fujitsu, lần đầu tiên được sử dụng trong những chiếc laptop cao cấp. Tia hồng ngoại khi chiếu xạ vào bàn tay thì hấp thụ những hồng cầu bị oxy hóa, hiển thị chúng trong hệ thống quang học của máy, sau đó so sánh với mẫu đăng ký ban đầu để xác thực như các kiểu xác thực bằng vân ngón tay, mống mắt ở smartphone. Qua thử nghiệm, công nghệ Palm Vein có sai số chỉ 0,00001%”.
Hồi đầu tháng 6, Lenovo đã giới thiệu đến giới doanh nhân Việt hai dòng laptop ThinkPad 2017 mới nhất là X1 Carbon và X1 Yoga. Theo lời bà Mơ Nguyễn – Giám đốc sản phẩm khối doanh nghiệp vừa và nhỏ của Lenovo Việt Nam – X1 Carbon và X1 Yoga nhắm đến đối tượng doanh nhân nên chất lượng và giá đều “xứng tầm”, cụ thể là X1 Carbon có giá 41 triệu đồng, còn X1 Yoga có giá 49 triệu đồng. “ThinkPad là thương hiệu nổi tiếng của nhóm laptop nên khi tung ra hai dòng mới với những đặc tính truyền thống như thiết kế đẹp, mạnh mẽ về cấu hình…, chúng tôi tin rằng chúng sẽ thuyết phục được nhiều khách hàng, nhất là doanh nhân” – bà Mơ Nguyễn nói thêm.
Giữa tháng 6, HP tung ra thị trường ba dòng laptop cao cấp là Spectre 13 (43 triệu đồng), Elitebook Folio G1 (40 triệu đồng) và Elite x2 (27 triệu đồng). Đại diện HP Việt Nam nói rằng ngoài cấu hình mạnh, những chiếc laptop HP có ưu thế là mỏng, phù hợp với nhu cầu thường xuyên di động của giới doanh nhân.
Ông Eric Lee – Giám đốc phát triển kinh doanh của Asus Việt Nam cho rằng Pro B9440 (giá 31,99 triệu đồng) đích thực là chiếc laptop dành cho doanh nhân vì có tính năng mới là viền màn hình mỏng, bên trong là bộ vi xử lý Core i7, 8GB RAM…, đảm bảo hỗ trợ doanh nhân giải quyết mọi công việc. Vì mức giá cao nên Pro B9440 chỉ được bán tại một số kênh bán lẻ được Asus chọn lọc.
Chỉ có laptop giá cao mới đang tăng được thị phần
Theo nhìn nhận của hãng chuyên nghiên cứu thị trường GfK, thị trường laptop trong bốn tháng đầu năm nay đang “chậm dần đều” ở nhiều phân khúc. Ế ẩm nhất là tháng 1 với lượng bán ra chỉ 28.419 máy. Tháng 4 có lượng hàng bán ra mạnh nhất mà cũng chỉ được 32.438 máy. Nếu tính cả bốn tháng đầu năm 2017, tổng lượng máy bán ra là 139.935 chiếc, thấp hơn gần 54.000 chiếc (27,8%) so với số máy bán được của bốn tháng đầu năm 2016 (193.899 chiếc).
Sụt giảm chung trên thị trường laptop Việt Nam là vậy nhưng mức sụt giảm chủ yếu là ở các phân khúc giá trung bình và thấp, chẳng hạn phân khúc 10 triệu đồng bị giảm 47,3%, phân khúc 8 triệu đồng giảm 36,9%, phân khúc 12 triệu đồng giảm 25,1%…
Trong khi các phân khúc giá đó giảm thì phân khúc giá trên 18 triệu đồng lại tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2016. Lý giải hiện tượng hàng thuộc phân khúc giá cao có sức mua tăng trong giai đoạn thị trường laptop đi xuống, bà Mơ Nguyễn cho rằng phân khúc giá cao có nhiều sản phẩm hơn, được nhiều nhà sản xuất quan tâm bằng những chính sách bán hàng riêng. Còn ông Q.C, Giám đốc kinh doanh của một hãng sản xuất laptop đang có mặt tại Việt Nam bình luận: “Từ đầu năm tới nay, một số nhà sản xuất tung ra nhiều sản phẩm cao cấp để đáp ứng nhu cầu sử dụng của những đối tượng có tiền như doanh nhân, doanh nghiệp, các dự án lớn, ngân hàng… Laptop cao cấp dù không được tiêu thụ nhiều nhưng vẫn mang lại lợi nhuận khá hấp dẫn. Có một luật ngầm giữa các nhà sản xuất laptop là phân chia địa bàn và đối tượng để bán hàng. Theo tôi biết, mỗi ngân hàng sử dụng một thương hiệu laptop riêng, từ máy cấp thấp đến cấp cao để dễ bề bảo hành và ngoài ra, còn có nhiều lý do khác”.
Vì tình hình kinh doanh đang khó khăn, để tạo thêm niềm tin cho khách hàng, nhất là những đối tượng lắm tiền nhưng khó tính, nhiều hãng còn thực hiện những chiêu thức riêng. Chẳng hạn Lenovo cho khách hàng tự thiết kế cấu hình rồi đặt hàng theo yêu cầu riêng. Bà Mơ Nguyễn cho biết thêm: “Hàng sẽ đến tay khách hàng trong khoảng thời gian từ bốn đến sáu tuần. Đây là chiêu kinh doanh “độc” mà không phải hãng sản xuất nào cũng làm được”. Còn Fujitsu chỉ bán ra những chiếc laptop “Made in Japan” như một cầu chứng về chất lượng, hướng tới nhóm khách hàng cao cấp vốn chẳng dễ chiều.
- Minh Tú