Đã quen với kinh đô ánh sáng Paris hay các địa danh nổi tiếng khác như Monaco, Nice, Cannes… nên chúng tôi muốn tìm về vùng thôn quê của nước bạn để tìm hiểu giá trị của những lâu đài cổ kính, những con phố xưa cũ, những ngõ hẹp. Sau mấy lần bàn bạc, nhóm du học sinh chúng tôi đã chọn Colmar (tỉnh lỵ của tỉnh Haut-Rhin) – một thành phố nhỏ xinh nhưng nổi tiếng ở gần biên giới giữa Đức và Pháp để thực hiện hành trình khám phá mới.
Vì quá đẹp nên không bị chiến tranh tàn phá
Tàu tới Colmar lúc khoảng 8 giờ tối. Ra khỏi sân ga, chúng tôi cảm thấy nơi này đúng là vắng vẻ hẳn so với Paris ồn ào hoa lệ. Đường phố thưa người qua lại. Trời về đêm khá lạnh, dù mới đầu tháng 8. Nhà ga Colmar cổ kính, nhỏ xinh được xây từ năm 1905. Ngay trước ga là một hồ nước có đài phun lớn, xung quanh hoa cỏ nhìn thật mát mắt.
Colmar được đánh giá là một trong những thành phố đẹp nhất nước Pháp, nằm bên sông Lauch thơ mộng, cách Strasbourg – thủ phủ vùng Alsace khoảng hơn sáu chục cây số về phía Tây Nam. Colmar là thành phố lớn thứ ba thuộc miền Đông Bắc nước Pháp và chịu ảnh hưởng khá mạnh phong cách kiến trúc của nước Đức láng giềng. Nguyên do là suốt hàng trăm năm trước, nơi đây là vùng tranh chấp dai dẳng giữa Pháp và Đức.
Điểm ấn tượng nhất là xen lẫn giữa các kiến trúc hiện đại với nhiều mảng tường đầy sắc màu là những căn nhà gỗ mái ngói nâu đỏ cổ kính vẫn được bảo toàn nguyên vẹn sau hàng trăm năm. Rất duyên dáng những ô cửa sổ vuông vức, đều tăm tắp và ban công nở hoa lãng mạn. Nghe nói trong Chiến tranh thế giới thứ II, Colmar bình yên vô sự vì cảnh sắc đẹp tới nỗi các bên tham chiến đều không nỡ ném bom phá hủy.
Colmar chính là nguyên quán của Frédéric Auguste Bartholdi (1834-1904), cha đẻ của bức tượng nữ thần Tự do mà nước Pháp dành tặng cho nước Mỹ. Tại đây có một bảo tàng nhỏ mang tên ông, bên trong trưng bày những hình ảnh và vật dụng mà nhà điêu khắc này đã sử dụng trong đời sống và công việc. Để tưởng nhớ ông, người ta dựng một phiên bản nữ thần Tự do có kích cỡ vừa phải ngay đầu xa lộ dẫn vào ngôi làng này. Ngoài ra, nơi đây còn có một con đường mang tên ông. Tượng ông cũng được đặt ở một vài điểm nổi bật của làng.
Hoành tráng nhất Colmar là quảng trường Place de L’Ancienne Douane với đài phun nước do chính Bartholdi thiết kế. Trong số hàng chục ngôi nhà cổ của Colmar, nổi tiếng nhất là hai công trình kiến trúc được xây dựng từ thế kỷ XVI là Maison des Têtes và Maison Pfister. Cả hai đều được xây dựng theo lối kiến trúc Trung cổ với những bức vẽ trên tường đã xỉn màu theo thời gian. Đặc biệt, ngôi nhà cổ Maison Pfister từng được dùng làm hình mẫu thiết kế cho bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản Lâu đài của Howl.
Bảo tàng Unterlinden là điểm luôn thu hút được nhiều du khách thăm viếng, khoảng 200.000 lượt người mỗi năm. Đây cũng là bảo tàng danh tiếng nhất của vùng Alsace. Nằm trong tu viện của các tu sĩ dòng Dominicain từ thế kỷ thứ XIII, có hành lang thiết kế mái vòm đôi được bảo tồn cẩn thận, Unterlinden lưu giữ bộ sưu tập phong phú các kiến trúc Gothic và nhiều họa phẩm thời Trung cổ cùng những hiện vật giới thiệu nghệ thuật thủ công truyền thống. Tầng đầu tiên trưng bày các loại đồ chơi, đồ nội thất và vật dụng trang trí của người dân Alsace như gốm sứ, sành, kính biến màu và vải in hoa. Một trong những điểm gây chú ý là nhà nguyện Isenheim, nơi có nhiều họa phẩm nổi tiếng của những nghệ sĩ người Đức. Nổi bật là bức tranh thờ The Issenheim Altarpiece của Matthias Grunewald tả cảnh Chúa Jesus chịu đóng đinh trên thánh giá. Xem ra, cách thể hiện của Grunewald khác với những bức tranh tôn giáo khác cùng chủ đề: Đà ngang của thánh giá oằn xuống dưới sức nặng của thân hình mà đôi tay giăng ngang của Chúa không chịu nổi, hai bàn tay Chúa bị đóng đinh, những ngón tay vươn ra gồng căng thẳng cứng vì đau đớn.
Đồ sộ hơn cả là nhà thờ Saint Martin, được xây bằng đá đỏ với những tháp chuông cao vút. Dễ dàng nhìn thấy biểu tượng của Alsace trên đỉnh cao nhất của nhà thờ. Đó là một gia đình cò bằng sứ quây quần trong chiếc tổ. Theo người phương Tây, cò tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và giàu có. Không những thế, đây còn là nhân vật mang trẻ sơ sinh đến cho các gia đình. Có lẽ vì thế mà người dân Colmar rất coi trọng cò và có nhiều giai thoại về loài chim này.
Nằm gần khu chợ trái cây cũ và ngã tư giao cắt hai con đường Grande Rue và Rue des Marchands là tòa nhà hải quan cổ Koifhus có vị trí chiến lược quan trọng trong thời Trung cổ. Trước kia, vào thế kỷ thứ XV, tòa nhà này là trung tâm kinh tế – chính trị của Colmar. Hướng đông tòa nhà đối diện với địa điểm đặt cơ quan thuế vụ cũ, nơi cũng có đài phun nước để tưởng niệm nhà chỉ huy quân sự người Áo Lazarus von Schwendi. Từ Koifhus, chúng tôi hướng ra đường Grande Rue, một trong những khu vực chính có nhiều cửa hàng và quán xá. Băng qua đường Sainte Rue, trong mắt chúng tôi hiện lên một khu phố cổ hoàn hảo với hệ thống nhà hàng dọc theo các con kênh, những cây cầu nhỏ và nhiều ngôi nhà phân nửa được làm bằng gỗ, sơn nhiều màu khác nhau. Cây cối sum suê và hàng cây liễu men theo bờ sông cùng những chậu hoa trang trí quanh nhà tạo nên bầu không khí thư giãn rất dễ chịu.
Krutenau được gọi là “tiểu Venice” do khu vực nhà này nằm trên bờ kênh Lauch, nơi tụ tập nhiều thuyền nhỏ để chở du khách đi thưởng ngoạn cảnh đẹp. Để tận hưởng được cảm giác thú vị, chúng tôi tản bộ từ đường Poissonnerie, đi dọc theo kênh đến đường Turenne rồi băng qua để về lại khu vực trung tâm. Đứng trên các cây cầu trên con kênh có thể chiêm ngưỡng được một cảnh quan xinh đẹp, từ những ngôi nhà trước mặt và xa xa là ngọn tháp của nhà thờ Saint Martin.
Từ Koifhus, vượt qua một đoạn đường ngắn, chúng tôi đến Tanneur – khu phố bên hệ thống kênh đào đẹp như tranh vẽ và những ngôi nhà cũng nửa gỗ – nửa gạch được xây từ thế kỷ XVII, XVIII. Nghe nói trước đây đó là khu vực quy tụ những người làm nghề thuộc da. Tại đây có ba điểm tham quan đáng giá là chợ Market Hall, tòa án Palais de Justice từ thế kỷ XVIII và tòa nhà Chevalier de St-Jean có kiến trúc như một cung điện, chưa kể một số biệt thự cổ. Trên đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những nghệ sĩ chơi đàn hát rong sôi nổi hay những nhóm người tụ tập vui vẻ trong quán xá.
Thủ phủ của “Con đường rượu vang”
Colmar là một trong những điểm khô hạn nhất của nước Pháp, nhưng lại là nơi lý tưởng cho việc trồng nho để làm rượu vang, được mệnh danh là “thủ phủ” của loại rượu Alsace nổi tiếng mà dân sành vang khắp thế giới đều biết cả. Chúng tôi dành một ngày thuê xe máy để đến với những cánh đồng nho xanh ngút ngàn.
Con đường rượu vang – La Route des Vins được Sở Du lịch vùng Alsace chính thức khai sinh ngày 30-5-1953 nhân dịp tổ chức một cuộc đua xe hơi. Tuyến đường đua chạy dọc vùng Alsace và cứ sau mỗi chặng, người ta lại tổ chức một lễ hội để giới thiệu đặc sản của từng địa phương. Từ ngôi làng Marlenheim phía bắc cho tới thị trấn Thann ở phía nam, Con đường rượu vang vùng Alsace băng qua những ngọn đồi trồng nho trải dài hơn 170 cây số với gần 120 nông trại và rất nhiều ruộng nho. Hằng năm, sau mùa thu hoạch nho, các ngôi làng đều tổ chức liên hoan để giới thiệu sản phẩm, mời du khách nếm thử hương vị rượu mới (vin primeur). Những nơi mời khách thưởng thức rượu đều gắn bảng quảng cáo có biểu tượng là một chùm nho trắng dọc hai bên đường.
Mỗi vườn nho ở đằng sau nông trại thường có hầm rượu mở cửa đón du khách, một số nơi còn dành một góc làm nhà hàng để phục vụ thức ăn cho khách nhấm nháp. Du khách được mời nếm thử từng loại rượu, thích loại nào thì mua loại nấy. Khi nhấp thử một ngụm ở đầu môi, tôi cảm nhận được hương rượu thoang thoảng ở chót lưỡi, mát nhẹ mùi hoa trái, dịu thơm như thảo mộc, phảng phất một chút rơm tươi.
Uống rượu và thưởng thức món ăn đặc sản truyền thống mới thú vị làm sao! Vang trắng của Alsace rất hợp với phô mai hay các món cá chép, cá lưỡi trâu rắc bột chiên bơ. Có người thích ăn món flammekueche có hình thù giống bánh pizza nhưng không có cà chua, mà là hành tây xắt mỏng, trên bề mặt được rắc phô mai và thịt ba rọi ướp muối. Ngon không kém là tartiflette – món khoai tây trộn phô mai đút lò nướng giòn.
Đối với nhiều người, nhất là thực khách châu Á, dễ ăn nhất vẫn là choucroute – món dưa cải chua. Đó là món ăn truyền thống mùa đông của vùng Alsace, cũng như của nước Đức và một số quốc gia Đông Âu. Người dân vùng Alsace cho rằng họ chế biến dưa cải công phu hơn, cụ thể là bắp cải cắt thật mỏng ngâm muối và rượu trắng chứ không ngâm với bia, đến khi nấu thì cho thêm một chút rượu nho thơm ngâm với hạt đỗ tùng (genièvre), nếu không có đỗ tùng thì dùng hạt ngò ướp thêm với một chút tiêu, nhưng tuyệt đối không dùng đinh hương vì mùi đinh hương sẽ đánh át mùi thơm của cải ngâm rượu trắng. Món choucroute thường được dùng với xúc xích và thịt nguội, nếu muốn đúng điệu hơn thì phải có giò heo hầm cả tảng, khi ăn thì mới cắt thành từng miếng. Dành cho những tín đồ hải sản, người ta nấu choucroute với tôm tươi, sò điệp, cá hồi, cá vược hun khói. Chủ nhà hàng cho chúng tôi hay rằng hằng năm có cả triệu lượt khách đi du lịch theo Con đường rượu vang và đa số đều chọn choucroute để “làm mồi” khi thưởng thức vang mới…