The Bomber Mafia là quyển sách mới nhất của tác giả Malcolm Gladwell, và quyển này hoàn toàn khác so với những cuốn trước của ông.
Trong quyển sách này, tác giả Malcolm Gladwell đã nghiên cứu về một giai đoạn lịch sử rất cụ thể, đặt biệt là về nhóm Bomber Mafia. Nhóm Bomber Mafia là một nhóm các phi công và sĩ quan trẻ của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ những năm 1920 và 1930. Cùng đóng quân ở Alabama, họ vẽ ra một ý tưởng chiến tranh mới dựa trên sức mạnh không quân.
Người lãnh đạo họ là một sĩ quan trẻ tuổi có tên Haywood Hansell. Vào thời kỳ đó, những ý tưởng của họ được đánh giá là cực kỳ cấp tiến, đến mức gần như trở thành một thứ khoa học viễn tưởng. Về cơ bản, lý tưởng của Bomber Mafia có thể được tóm tắt bằng một câu: Sẽ thế nào nếu có-thứ-gì-đó giúp chúng ta thả bom trúng chính xác một thùng dưa muối ở độ cao 9000 mét?
Lý thuyết ném bom và thực tế
Bomber Mafia đã vạch ra các kế hoạch ban đầu cho việc sử dụng sức mạnh không quân của Mỹ ở châu Âu, phù hợp với lý thuyết của họ về việc ném bom vào mục tiêu chính xác. Người ta cho rằng nền tảng cỗ máy chiến tranh của Đức Quốc Xã là vòng bi cầu. Mặc dù nhỏ bé nhưng chúng lại rất cần thiết cho bộ phận cơ khí xoay vòng, bao gồm cả động cơ máy bay. Nếu việc sản xuất của 5 nhà máy vòng bi chính nằm ở vị trí thuận tiện tại Schweinfurt và Bavaria bị dừng lại, có lẽ chiến tranh sẽ sớm kết thúc.
Một đội lớn máy bay ném bom B-17 bắt đầu nghi binh, nhưng lực lượng tấn công chính lại bị trì hoãn vài giờ vì thời tiết. Lúc đó, quân Đức đã được chuẩn bị đầy đủ, và khi họ đến, hàng chục máy bay ném bom đã bị bắn hạ. Đó là lý tưởng của Bomber Mafia, họ đã tập trung vào việc tạo ra một hệ thống ném bom chính xác đến mức có thể hạ gục các mục tiêu cụ thể có thể làm tê liệt kẻ thù trong khi giảm thiểu thiệt hại về người.
Hệ thống này sau đó đã được triển khai trong Thế chiến II với những kết quả khác nhau, bạn có thể sẽ tìm thấy lý tưởng cho riêng mình về vấn đề này khi đọc qua quyển The Bomber Mafia của tác giả Malcolm Gladwell.
Lý tưởng về chiến tranh trong The Bomber Mafia
The Bomber Mafia được kể một cách trôi chảy và dễ hiểu, từ những ngày còn ở Trường Chiến thuật Quân chủng Phòng không cho đến khi kết thúc cuộc chiến tháng 8 năm 1945.
Câu chuyện trong sách cho chúng ta hai nhân vật chính, Haywood Hansell và Curtis LeMay. Tướng Hansell đã phát triển khái niệm ném bom chính xác và biện minh cho nó, trong khi Tướng LeMay là chiến binh thực tế thích nghi khi tình hình phát triển, làm những gì phải làm để hoàn thành sứ mệnh lớn hơn.
Dù LeMay đồng ý với Hansell về khả năng dùng máy bay ném bom để giành chiến thắng, thì ông lại không đồng tình với cách triển khai. Thay vì ném bom vào một số mục tiêu xác định để làm suy giảm nền kinh tế, LeMay ủng hộ một chiến dịch quy mô và tàn bạo vì bắt buộc phải kết thúc chiến tranh một cách nhanh chóng – bao gồm các cuộc tấn công lớn hơn nhiều, trực tiếp giáng vào dân thường và công nhân nhà máy.
Tác giả đã khắc họa sự khác biệt đó trong cách tiếp cận lãnh đạo và hoạt động dưới góc độ vấn đề đạo đức.
Theo quan điểm của tác giả Gladwell, ông cho rằng Curtis LeMay đã chiến thắng trong thế chiến thứ hai, nhưng cuối cùng thì Haywood Hansell mới chính chiến thắng trong cuộc chiến về lý tưởng. Khi công nghệ đã được cải tiến, chúng ta đã cải tiến đến mức có thể thực sự thả một quả bom vào thùng dưa muối từ độ cao 40 mét.
Và với The Bomber Mafia: Giấc mơ, cám dỗ và đêm dài nhất trong Thế chiến II, Malcolm Gladwell đã mượn một câu chuyện chiến tranh để mô tả cho chúng ta thấy con đường gập ghềnh tất yếu mà những ý tưởng cách tân phải đi qua. Trong quá trình thực thi nhiều chông gai ấy, đã có những khó khăn không thể vượt qua và những cám dỗ mà những nhà tiên phong đã phải đối mặt. Đã có lúc, chỉ cần phá bỏ nguyên tắc của chính mình, nhiệm vụ sẽ hoàn thành. Nhưng khi ta phá bỏ những nguyên tắc ấy, liệu ta có còn là chính mình? Khi đó, liệu những ý tưởng đột phá từ thuở ban đầu có còn được xem là cách tân? Đó là điều mà ai cũng phải sẵn lòng chấp nhận.