Cuộc sống đã đành khinh gió bụi / Lòng người ai chẳng có quê hương.
Mấy câu thơ mang nỗi niềm ấy chỉ sau ngày thầy tôi mất tôi mới được đọc trên báo. Nhưng trong lòng tôi, trong lòng đám sinh viên Việt Hán chúng tôi ngày ấy, thầy Giản Chi Nguyễn Hữu Văn lúc nào cũng là một nhà thơ, một nghệ sĩ dù rằng với cương vị một người thầy trên bục giảng, thầy vẫn là một học giả đáng kính với bao công trình lớn lao.
Quê thầy ở một làng nổi tiếng văn vật tại Hà Nội. Sinh ra vào buổi Hán học suy tàn, thầy đã là một trong những anh khóa cuối cùng của chế độ khoa bảng cũ rồi chuyển sang tân học, học Trường Cao đẳng Công chánh Hà Nội. Ra làm công chức do tính tình cương trực nên cấp trên không ưa, có lúc thầy bị đổi lên các tỉnh miền ngược. Sau này, thầy vào Nam với tâm sự ngổn ngang rồi làm bưu điện đến khi nghỉ hưu và được thỉnh giảng ở các trường đại học. Và tôi, đứa học trò tỉnh lẻ Cần Thơ có may mắn được học thầy những năm 1969, 1970 dưới mái trường Đại học Sư phạm Sài Gòn.
Những năm đó thầy dạy chúng tôi môn Văn học Trung Quốc, chủ yếu là phần thơ ca. Thôi thì thầy trò cùng nhau đắm mình trong không gian mênh mông bát ngát của thơ Đường Tống, của những sao Bắc Đẩu, Thái Bạch trên vòm trời thơ.
Thầy tôi bao giờ cũng giảng bài ung dung, chậm rãi như một nhà Nho xưa nhưng giọng nói trầm trầm, hơi khàn của thầy bao giờ cũng bay bổng hình ảnh thơ, cũng lấp lánh vẻ đẹp của ngôn từ. Bởi thầy tôi không chỉ là người thầy trên bục giảng mà còn là một nhà thơ với nghệ thuật tuyệt vời, tinh tế trong sáng tác thơ cũng như khi dịch thơ chữ Hán ra tiếng Việt. Giờ học nào của thầy bọn tôi cũng say sưa dịch các bài thơ nổi tiếng của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Xương Linh, Vương Duy… rồi tranh nhau đem lên cho thầy chỉnh sửa. Chính thầy đã ươm mầm say mê thơ phú cho lớp trẻ chúng tôi nên mỗi giờ học của thầy là bao niềm vui được sáng tác, được cảm nhận cái đẹp của văn chương.
Không chỉ dạy chữ nghĩa, thầy còn dạy lớp sinh viên chúng tôi bao bài học làm người. Còn nhớ có lần bàn đến mấy câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: Bắt phong trần phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao, thầy nói, các anh chị đừng thuận theo thuyết thiên mệnh, phải tự mình cố hết sức để “Tận nhân lực mới tri thiên mệnh”, nhằm vượt lên số phận và chiến thắng. Có vậy cuộc sống mới có ý nghĩa. Lời dạy của thầy ngày nào tôi luôn khắc ghi, mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc đời tôi cứ nhớ câu “Tận nhân lực” của thầy.
Đọng lại trong tôi nhất là ngày liên hoan ra trường sau ba năm học tập của lớp Việt Hán chúng tôi. Buổi chia tay năm ấy, lớp tôi chỉ mời có hai vị thầy già là nhà ngữ học Trương Văn Chình và thầy, người nghệ sĩ lớn trong lòng tôi. Tôi vẫn nhớ như in khung cảnh ấm cúng thân mật của buổi tiệc do chúng tôi xúm nhau nấu nướng. Toàn cây nhà lá vườn nhưng mọi thứ rất ngon. Ngay trong bữa tiệc chiều hôm ấy, một anh bạn (nay đã mất) đứng giữa phòng đọc vang vang một bài thơ hào sảng của thi tiên Lý Bạch “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi. Quân bất kiến cao đường minh kính bi bạch phát, triêu như thanh ty mộ thành tuyết…”. Âm hưởng câu thơ cứ dào dạt vút cao như nước sông Hoàng Hà từ trời cao đổ xuống, lại ngậm ngùi rưng rưng khi hình dung cảnh nhà cao thương tóc bạc, sáng như tơ xanh mà tối đã như tuyết… Những cảm xúc ngập tràn trong lòng chiều hôm đó, làm sao quên!
Và cuối cùng là cảnh tượng cả lớp, ba mươi đứa học trò đi phía sau thành hai hàng tiễn hai thầy ra tận cổng Trường Đại học Sư phạm, nước mắt tràn mi vẫn còn đậm nét trong tôi dù đã suýt soát năm mươi năm qua. Mỗi lần mở hình ra nhìn lại, dù đã sắp bước vào tuổi “cổ lai hy”, lòng tôi vẫn nao nao…
Hè năm ấy, cùng hai cô bạn đồng môn, tôi còn có dịp ghé nhà thầy ở Đà Lạt. Thầy trò hàn huyên rồi chụp ảnh bên mấy giò lan thầy chăm sóc nâng niu. Những giống hoa như bạch ngọc, tố tâm, mặc lan trên sân thượng mơn mởn xanh tươi càng cho tôi hiểu thêm tâm hồn cao khiết của thầy.
Ra trường, về dạy ở một tỉnh miền Tây, tôi vẫn viết thư cho thầy cũng như hằng năm thầy đều gởi thiệp chúc tết cho đứa học trò cũ. Sau này có gia đình rồi bận rộn công việc, tôi ít có dịp liên lạc với thầy nhưng tin tức về thầy tôi vẫn biết rõ qua mấy bạn trên Sài Gòn. Sau ngày đất nước thống nhất, mấy lần con trai thầy muốn đưa thầy ra nước ngoài cùng gia đình nhưng thầy kiên quyết ở lại, sống êm ả ở căn nhà xưa cùng cô cháu gái và luôn được học trò đến thăm. Thầy sống rất thọ, gần cuối đời vẫn minh mẫn, sáng suốt. Ngày đại thọ trăm tuổi của thầy, tôi không về được, chỉ theo dõi qua báo, đài và nghe bạn đồng môn kể lại mà thấy vui sướng trong lòng.
Thầy tôi mất hai năm sau đó. Tôi chạy về thành phố đưa tang cùng bao lớp học trò cũ từng yêu kính thầy. Bước lên giàn thiêu xác bên cạnh bạn bè, nhìn tóc người nào cũng bạc gần hết mà rưng rưng cảm hoài. Một anh bạn bệnh khớp phải vịn vào vai tôi để bước lên bậc thang, ngậm ngùi: “Người thầy cuối cùng của mình đã đi rồi!”. Câu nói làm tôi nhớ câu thơ thầy đọc năm nào, bất chợt nước mắt tuôn trào: Trăm năm kiếp gởi thêm ngờ mộng / Ba trống canh buông dễ bạc đầu.
Những ngày tháng 11 này, nhớ đến thầy, nhớ những kỷ niệm xưa, lòng lại thầm gọi: Thầy ơi!