Đa số các ngân hàng thương mại hiện đang dồi dào thanh khoản, hay nói cách khác là dư tiền, do nguồn tiền gửi huy động từ khu vực dân cư vẫn tăng đều, với tốc độ lên đến 22 – 36%. Tiền vào nhiều như vậy nhưng các ngân hàng vẫn không dám hạ lãi suất huy động dưới trần vì sợ khách hàng sẽ rút tiền đem gửi ngân hàng khác. Dư tiền nhưng ngân hàng vẫn không dám hạ điều kiện cho vay đối với khách hàng, vì sẽ vi phạm những quy định về an toàn vốn, cũng như gặp phải rủi ro thu hồi nợ, mất vốn sau này.
Ngân hàng Nhà nước cũng đang phải xử lý những vấn đề hóc búa. Vì mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, định chế này phải điều hành cẩn trọng, không được nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức, vì tăng cung tiền và tăng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống sẽ tác động tiêu cực lên lạm phát. Thế nhưng, trước tình trạng kinh tế trì trệ, doanh nghiệp ngưng hoạt động nhiều…, đầu tháng 4 này đã Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay càng sớm càng tốt, đồng thời phải tăng cường kiểm tra việc triển khai thực hiện tại các ngân hàng thương mại, tháo gỡ khó khăn về điều kiện, thủ tục vay vốn để tín dụng nhanh chóng đi vào nền kinh tế, đẩy mạnh ưu tiên cho vay các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục điều hành ổn định tỷ giá, kiểm soát chặt giá trị tiền đồng…
Làm thế nào để Ngân hàng Nhà nước thực hiện được các mục tiêu đó? Dĩ nhiên, cái gì dễ, “trong tầm tay” sẽ được làm trước.Cái dễ ấy chính là hạ trần lãi suất. Chỉ ít ngày sau khi Thống đốc phát biểu rằng nếu lạm phát giữ ở mức 6 – 8% trong năm nay thì sẽ xem xét giảm trần lãi suất huy động, quyết định cắt giảm các loại lãi suất đã được đưa ra. Và sau đó là phát biểu: “Chưa biết lạm phát có thấp hơn mức kỳ vọng hay không, nhưng sẽ cố gắng đưa lãi suất về dưới 7%/năm, với mức giảm 0,25 – 0,5%/lần cắt giảm”.
Giảm lãi suất huy động chỉ là một trong những yếu tố để các ngân hàng cắt giảm chi phí đầu vào, tiến tới giảm lãi suất cho vay, chứ không phải yếu tố duy nhất.Và quan trọng hơn, đó cũng không phải là yếu tố quyết định đến tốc độ tăng trưởng tín dụng. Thực tế đã cho thấy điều đó: hiện nay, trong việc vay vốn từ ngân hàng để mở rộng hoạt động sản xuất – kinh doanh, các doanh nghiệp không quá quan tâm đến việc lãi suất cao hay thấp.
Tín dụng toàn hệ thống khó tăng trưởng là do khách hàng – doanh nghiệp khỏe mạnh thì không có nhu cầu vay vốn, trong khi những doanh nghiệp cực kỳ khó khăn, cần vốn để phục vụ mục tiêu tái cơ cấu lại không đáp ứng được điều kiện cho vay của các ngân hàng. Vì lý do này, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống trong quý I năm nay chỉ ở mức 0,03% so với cuối năm 2012. Các chuyên gia ngân hàng nhận định, khó khăn của các tổ chức tín dụng trong việc đẩy mạnh vốn vay là vấn đề chung của nền kinh tế. Cơ thể doanh nghiệp chưa khỏe mạnh thì chưa thể hấp thụ được nguồn vốn.Nền kinh tế chưa hồi phục, nguy cơ phá sản rình rập nhiều doanh nghiệp, nên các khoản cho vay vẫn rất cần được kiểm soát chặt. Một sự cắt giảm liên tục lãi suất điều hành và cho phép các ngân hàng thương mại mở rộng hơn đối tượng cho vay (dưới chuẩn) có thể tạo áp lực lên lạm phát trong tương lai, đồng thời đặt ra thách thức đối với các ngân hàng trong việc thu hồi vốn vay sau này.
Minh Hằng