Anh hùng Lao động Thái Minh Tần – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC – Ai đã từng gặp và làm việc với ông có lẽ đều bị cuốn hút vào những suy nghĩ rất cấp tiến của ông trong công việc nhưng lại vô cùng ôn hòa, dung dị trong mọi mối giao tiếp đời thường.
Nổi tiếng là người thành đạt vì chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 20 năm, từ một Xí nghiệp dịch vụ bảo hành thiết bị Phát thanh truyền hình nhỏ (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, ông đã gầy dựng nên một tổng công ty với hơn 40 đơn vị thành viên và hàng ngàn nhân viên. Công việc của doanh nghiệp do ông phụ trách, ngay cả ở thời điểm này không phải ai cũng hình dung được cụ thể: Truyền thông đa phương tiện. Hiện, đề tài “Công trình ứng dụng công nghệ DVB-T, triển khai mạng truyền hình số mặt đất ở Việt Nam” của nhóm các nhà khoa học do TS Thái Minh Tần đứng đầu đã được bảo vệ thành công ở Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam. Công trình này đang trong quá trình được Nhà nước xem xét trao giải thưởng Hồ Chí Minh và nếu mọi chuyện tốt đẹp thì công trình này sẽ được công bố vào tháng 9 tới. Cuối tháng 5 vừa qua, ông còn được Trường Đại học Tổng hợp Glyndwr (Anh) mời làm giáo sư thỉnh giảng.
____
Thưa ông, “Nội dung số” là một thế mạnh của VTC, ông có thể cho bạn đọc một hình dung cụ thể về ảnh hưởng của nó với đời sống đương đại?
Có thể nói, sự phát triển của tất cả loại hình báo chí ngày nay: Báo in, báo nói, báo hình… đều cần nhờ vào công nghệ kỹ thuật số. Ở Việt Nam, khi phát sóng truyền hình theo chuẩn analog còn đang rất thịnh hành thì tôi nhận thấy cần phải có một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực truyền hình – cuộc cách mạng số. Tôi cho rằng sự phát triển của truyền thông phụ thuộc vào công nghệ số hóa. Trong các lĩnh vực truyền thông thì truyền hình sẽ đứng đầu và do đó tôi đã dành thời gian tìm hiểu về công nghệ này. Hiện nay, VTC là đơn vị mạnh nhất trong việc đưa nội dung số và kỹ thuật số vào truyền thông, giải trí. Cũng phải nói thêm rằng, nhờ có công nghệ kỹ thuật số thì chúng ta mới có một dải tần số (một kênh) có thể “nhét” được nhiều kênh, nhiều chương trình, “nén” lại, làm nên một công nghệ mới, tạo nhiều khả năng chuyển tải thông tin hơn và tiết kiệm tài nguyên hơn. Nói cách khác là chúng ta có một công nghệ làm báo mới tiết kiệm hơn, mạnh hơn, tốt hơn và hiệu quả hơn.
____
Với sự phát triển rất nhanh của công nghệ số như vậy, không ít người lo ngại rằng báo in sắp hết thời… Ông nghĩ sao về nhận định này?
Theo tôi, nhận định đó chưa chắc đã đúng. Quả thật là truyền thông đa phương tiện bây giờ rất phát triển: Truyền hình, truyền hình số, truyền hình trên điện thoại di động, trên internet… nhưng vẫn có những người thích ngồi đọc báo. Tôi nghĩ báo in chỉ giảm đi thôi chứ không thể “chết” được. Thậm chí, theo tôi, đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho báo in vì cần phải có sự cạnh tranh cao độ thì mới phát triển và tồn tại được. Những tờ báo nào biết tạo ra dấu ấn riêng bằng cách có nhiều thông tin và cách khai thác, đưa thông tin ấy mang phong cách riêng đến cho bạn đọc thì sẽ không bao giờ “chết”. Còn những tờ báo cứ đưa tin một cách đầy đủ, bình bình, không có quan điểm riêng thì đương nhiên khó mà tồn tại vì người đọc sẽ không bỏ tiền ra mua những thông tin mà người ta được cập nhật thường xuyên, hằng giờ của cả ngày hôm trước do truyền thông đa phương tiện đem lại.
Những tờ báo cứ đưa tin một cách đầy đủ, bình bình, không có quan điểm riêng thì đương nhiên khó mà tồn tại vì người đọc sẽ không bỏ tiền ra mua những thông tin mà người ta được cập nhật thường xuyên, hằng giờ của cả ngày hôm trước do truyền thông đa phương tiện đem lại.
____
Liệu việc đầu tư vào giáo dục có phải là một hướng phát triển mới của ông, bắt đầu với việc ra đời của Trường Đại học VTC Văn Hiến?
Việc của tôi là làm truyền thông đa phương tiện. Vậy mà khi tuyển cán bộ, nhân viên vào làm việc phải đào tạo lại ít nhất là vài ba năm thì mới làm việc được. Nhiều người không hiểu thế nào là truyền thông đa phương tiện, kiến thức rất hẹp. Là một doanh nghiệp, bức xúc với việc tuyển nhân sự nên tôi nảy ra ý định thành lập trường để tự đào tạo nguồn lực cho bản thân mình là chính, sau đó thì cho xã hội…
____
Chứ không phải như cách nhìn nhận vấn đề rất nhanh nhạy của ông, rằng, giáo dục sẽ là một thị trường tiềm năng…?
Điều này có nghĩ tới, nhưng… không dám nói…
____
Tôi nghĩ, các tổ chức nước ngoài hiện nay cũng “nhảy” vào đầu tư cho giáo dục rất nhiều, vậy một tổng công ty như VTC có gì phải e ngại…
Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ chính là phát triển truyền thông đa phương tiện. Mình cứ làm tốt nhiệm vụ của mình đi rồi “hữu xạ tự nhiên hương”… Mà muốn làm tốt việc của mình thì cần phải đầu tư vào con người, vào nguồn nhân lực cho riêng mình đã. Cũng chính vì thế mà chúng tôi chọn đối tác chiến lược là Trường Đại học Tổng hợp Glyndwr – một trường nổi tiếng ở Anh về đào tạo nhân lực cho ngành truyền thông đa phương tiện. Chúng tôi cũng đầu tư vào Trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình TP. Vinh (Nghệ An) và sắp tới phát triển thành đại học. Cũng phải thú thực rằng, hiện VTC có một trường phát thanh truyền hình ở Vinh và trong tương lai sẽ thành lập hoặc “mua” thêm năm trường nữa ở các thành phố lớn; đã và đang tiến hành hàng loạt các dự án về giáo dục cộng đồng…
____
Nghe nói, ngoài việc xuất khẩu game, VTC đã xuất khẩu cả công nghệ số ra nước ngoài?
Đó là công nghệ IPTV, chúng tôi đã triển khai thành công ở Mỹ. Một số khu vực có đông người Việt Nam cư trú, việc lắp ăng-ten để xem các kênh truyền hình trong nước đôi khi gặp phải sự phản đối của những phần tử quá khích. Nhờ công nghệ này mà bà con vẫn xem được tin tức trong nước mà không phải có ăng-ten. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai ở một số khu vực tại châu Âu, nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống. Hiện VTC đang cung cấp tới 100 kênh truyền hình, với 70 kênh SD và hơn 20 kênh độ nét cao HDTV, thí điểm phát truyền hình 3D, với đa phương thức truyền dẫn như: kỹ thuật số mặt đất, phát sóng qua vệ tinh Vinasat 1, Asiasat 5; phát thanh truyền hình internet, truyền hình cáp, truyền hình di động, truyền hình IPTV. Chúng tôi đã có đại diện ở trên 10 nước trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh…
____
Hiện, game do VTC sản xuất chiếm bao nhiêu thị phần trong nước, thưa ông?
Khoảng 30%. Mình nhập khẩu khá nhiều game từ Hàn Quốc nhưng Hàn Quốc cũng là thị trường tiềm năng của VTC. Thu nhập, mức sống của dân Hàn cao hơn Việt Nam nên một người họ chơi game cũng đem lại doanh số cao hơn một người dân mình nhiều lần.
____
Game trực tuyến cũng đang là mối lo ngại cho nhiều người, nhất là các bậc cha mẹ. Vậy VTC có động thái gì để vừa đảm bảo việc kinh doanh của mình, nhưng vẫn không ảnh hưởng đến xã hội. Ông nhìn nhận về game như thế nào?
Tôi nghĩ xã hội nên có cái nhìn công bằng hơn với game trực tuyến. Nó mang đến cho trẻ em và cả người lớn thói quen hòa nhập cộng đồng, khả năng tiếp cận với những công nghệ mới và cả những kỹ năng làm việc cùng máy tính, cùng internet. Đúng là có những game nào đó có những cảnh khói lửa, đao kiếm… Nhưng cũng có những game về bóng đá, vũ điệu, ca nhạc, lịch sử. Đừng đánh đồng mọi game đều làm hại người chơi và cũng đừng đổ hết tội cho game trực tuyến mà quên đi trách nhiệm giáo dục của gia đình, của nhà trường với thanh thiếu niên. Một trò chơi cả thế giới đều chơi, đã phát triển cả chục năm ở hầu hết các nước. Nó không thể chỉ làm hư hỏng riêng giới trẻ Việt Nam. Những đánh giá của dư luận gần đây nên khách quan hơn và nên có những nghiên cứu sâu hơn, toàn diện hơn về vấn đề này.
Đừng đánh đồng mọi game đều làm hại người chơi và cũng đừng đổ hết tội cho game trực tuyến mà quên đi trách nhiệm giáo dục của gia đình, của nhà trường với thanh thiếu niên.
____
Nổi tiếng là người quyết đoán, nhạy bén, ra quyết định nhanh, chắc chắn. Nhưng hẳn là trong những quyết định ấy, cũng có đôi lần ông phải “xem lại”?
Đúng vậy, nhưng ít lắm và thường là chỉ sau một thời gian rất ngắn tôi đã nhận ra những chỗ chưa hợp lý của quyết định ấy để “sửa sai”. Là người lãnh đạo, mỗi quyết định của mình ảnh hưởng tới hàng ngàn nhân viên và có thể nói là ảnh hưởng tới hàng chục ngàn người khác – là gia đình họ do vậy không thể quyết một cách bừa bãi và bảo thủ với những suy nghĩ của mình được.
____
Ông từng nói rằng Thượng đế ban cho tất cả mọi người cơ hội như nhau, vậy bí quyết gì để ông luôn nắm được và bắt trúng cơ hội?
Đam mê. Chỉ có sự đam mê với nghề, đam mê học hỏi, khám phá, nghiên cứu thì mới không bị các cơ hội “qua mặt”. Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Gia đình tôi có tới 12 anh chị em, tôi là con trai cả. Sự vất vả của cha mẹ, cái đói nghèo luôn đeo bám đã hun đúc cho tôi một ý chí “thoát nghèo”. Mà muốn thoát khỏi cảnh nghèo túng thì chỉ có con đường học thật giỏi. Đam mê học hỏi có trong tôi từ đó.
____
Là một trong số những sinh viên ưu tú được cử sang CHDC Đức học (năm 1968), nhưng do hoàn cảnh chính trị từ phía nước ngoài nên ông không đi du học nữa và ở lại trong nước làm sinh viên khoa Vô tuyến điện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đến giờ, ông có cho đó là sự kém may mắn của mình, hay ngược lại?
Đối với tôi, những gì mình quyết định, mình hướng tới và đạt được kết quả – đó là sự may mắn. Hay nói cách khác, tôi không ngồi đợi sự may mắn mà chủ động đi tìm nó. Năm 1972, khi đang học năm thứ tư đại học, tôi xung phong ra chiến trường nhưng với những kiến thức về vô tuyến điện của mình, tôi được giữ lại ở Trung đoàn Tên lửa bảo vệ Thủ đô. Sau cuộc chiến, tôi học tiếp đại học và tốt nghiệp (với tấm bằng xuất sắc – PV) rồi về làm việc tại Ủy ban Phát thanh – Truyền hình. Nhưng rồi tôi có cảm giác môi trường tư duy chật hẹp cùng với những cơ chế điều hành cứng nhắc đã không đủ sức nuôi dưỡng sự đam mê khám phá nơi tôi. Sau một thời gian, tôi mạnh dạn đề nghị tách ra thành lập một nhóm công ty với nền tảng ban đầu là Xí nghiệp dịch vụ bảo hành thiết bị Phát thanh Truyền hình rồi phát triển lên thành tổng công ty truyền thông đa phương tiện như ngày nay. Vì thế, tôi cho rằng tôi luôn chủ động đi tìm sự may mắn và với sự đam mê học hỏi của mình, tôi luôn tìm thấy nó.
Tôi cho rằng tôi luôn chủ động đi tìm sự may mắn và với sự đam mê học hỏi của mình, tôi luôn tìm thấy nó.
____
Vâng, nghe có vẻ đơn giản, nhưng hẳn là con đường từ Xí nghiệp dịch vụ bảo hành thiết bị Phát thanh Truyền hình lên tổng công ty truyền thông đa phương tiện không đơn giản như ông nói?
Những ngày đầu ra “ở riêng” chúng tôi chỉ có một cái nhà đi mượn vẻn vẹn 20 mét vuông, mấy cái tivi đen trắng và năm kỹ sư. Có thể gọi là thời kỳ hai không (không nhà xưởng, không vốn) và một có (có giấy phép hoạt động). Công ty phải làm mọi việc từ kinh doanh, lắp ráp thiết bị truyền hình đến cả mọi ngành nghề khác. Mục tiêu cao nhất là tạo ra vốn để tái đầu tư cho phát triển. Có giai đoạn cán bộ được trả lương bằng đầu thu, làm xong việc ở cơ quan lại phải tìm mối bán mới có tiền đong gạo nuôi con. Khi bắt đầu bước sang lĩnh vực sản xuất chương trình truyền hình, tôi cũng lo lắm. Mời được mấy cán bộ trẻ ở Đài Truyền hình Việt Nam về, ngày nào tôi cũng xuống thăm, khi cho hộp sữa, lúc mang gói vitamin C để các em bồi dưỡng. Ra được chương trình đầu tiên, rồi xin được giấy phép thành lập đài truyền hình mừng rơi nước mắt…
____
Trong suốt hơn 20 năm làm chủ một doanh nghiệp được xem là thành công, ông thấy điều gì khó nhất đối với một doanh nhân, đặc biệt là trong thời phát triển cạnh tranh cao như ngày nay?
Chọn được đúng người và giữ được người tài. Có người ở sát bên mình, mình tưởng như có thể tin tưởng được hoàn toàn, mình làm theo những tư vấn mách bảo của họ, nhưng bất ngờ một hôm mới biết chính họ đi tố cáo những điều vừa khuyên mình làm. Lại có người làm mình khó chịu, đẩy họ đi, nhưng cả chục năm sau mới hiểu họ là người đáng tin cậy, hết lòng vì sự nghiệp của mình. Dùng người là cái khó nhất. Ai dùng được người tài thì người đó thắng. Người dân vùng sông nước như tôi hay nói lớn, chưa quen thì bảo là tôi hay to tiếng. Những cộng sự quanh tôi bây giờ nhiều người đã làm với tôi 30 năm, nhưng kể cả người đã chuyển đi, không ai kiện tôi về quan hệ cá nhân với họ. Trong công việc mình có thể nóng tính, nhưng tôi thương yêu họ như người thân trong gia đình thì họ yêu thương hết lòng với tôi.
____
Sau giờ làm việc ông giải trí bằng cờ tướng. Điều này có vẻ mâu thuẫn vì dường như ông bắt bộ não làm việc quá sức?
Không hề! Khi đánh cờ tôi thấy đầu óc nhẹ nhõm sảng khoái hơn. Cờ tướng còn đem cho tôi những bài học về thời thế. Lạc nước hai xe đành bỏ phí… Tôi hay đánh cờ ở góc công viên, vỉa hè phố cổ Hà Nội. Ở đó tôi có thêm những người bạn bình dân và những thông tin chân thật về cuộc sống này.
____
Sức khỏe của ông dạo này ra sao? Nghe nói không được ổn lắm?
Năm ngoái tôi bị một tai biến nhẹ trong hệ tuần hoàn. May là phát hiện sớm và các bác sĩ có nghề, tận tâm. Hơn 30 năm tôi chỉ biết làm việc ngày đêm, không biết nghỉ ngơi chăm sóc mình. Lần vào viện ấy, nghĩ lại, cũng có cái hay. Nó cảnh báo, nhắc nhở mình phải quan tâm đến sức khỏe hơn. Bây giờ thì mọi việc đã tốt hơn nhiều rồi, huyết áp đã ổn định. Đã chịu mang cả máy tập chạy vào phòng làm việc, thì chị biết rồi đấy.
____
Với tư cách là một người thành đạt, ông nghĩ sao về thế hệ thanh niên ngày nay – những người may mắn được sống trong thời bình và hầu hết có sự khởi đầu cuộc sống rất thuận lợi so với thế hệ các ông ngày xưa?
Đừng đứng núi này trông núi nọ. Khi đã chọn một nghề rồi thì phải không ngừng đầu tư công sức, tri thức, phấn đấu cho nghề đó thì mới mong trở thành một người thành đạt. Thành đạt không có nghĩa chỉ là người kiếm được nhiều tiền, mà còn phải và trước hết là người có đóng góp gì đó đặc biệt cho xã hội.
____
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Xem thêm: