Tin trang phục là bộ mặt con người, đại văn hào Pháp Honoré de Balzac đầu tư gần như toàn bộ tài sản cho việc may mặc.
Vừa lùn vừa mập lại thích diện đồ bó sát sặc sỡ, đi đâu cũng kè kè cây ba toong khảm đá quý trên tay, quý ông Balzac khiến cả thủ đô hoa lệ Paris phải té ngửa bởi gu thời trang có một không hai.
Ngó ăn mặc bắt hình dong
“Có 1.000 loại người được tạo ra bởi trật tự xã hội”, Honoré de Balzac (1799-1850), tác giả của Tấn trò đời (La Comédie humaine) đồ sộ khẳng định. Ông chắc chắn chỉ cần liếc sơ qua tác phong ăn mặc là biết ngay tính chất, địa vị xã hội của một người.
Theo kinh nghiệm của Balzac, người giàu không bao giờ vội vã, luôn đi đứng đủng đỉnh. Ông còn xác nhận luôn cả chiều cao của họ, luôn trong tầm 1,5-1,8m.
Trang phục của kẻ sang: giày có ren, quần dài (màu nâu hoặc đỏ), áo khoác đắt tiền, mũ thời trang (cũng phải là loại đắt tiền), áo sơmi màu trắng. Đặc biệt, mọi đàn ông cao sang đều mang theo gậy ba toong.
“Quần áo là bộ mặt của xã hội”, Balzac viết trong Luận về cuộc sống thanh lịch (Treatise on the Elegant Life). Chính vì thế, mọi nhân vật trong tác phẩm của ông đều là kiểu nhìn trang phục là bắt hình dong.
Người đọc có thể không mấy chú ý đến các tiểu tiết như chiếc mũ hàng hiệu màu vàng hay chiếc mũ nhung màu đen lót satin màu vàng của cô nàng Bette trong một phần của Tấn trò đời, nhưng với Balzac, đó là cả một dụng ý.
Không rõ có phải văn hóa Pháp thế kỷ XIX xem màu vàng là đại diện của sự ganh ghét và phản bội hay không, song Balzac thật sự tin vào định kiến này.
Thẳng thắn mà nhận xét, đại văn hào quá đơn điệu trong việc lợi dụng màu sắc để ám chỉ loại người. Nó thậm chí còn rõ ràng hơn cả việc lấy thời tiết ra mô tả tâm trạng nhân vật.
Chỉ cần nhìn thoáng qua cách ăn mặc của nhân vật trong các tác phẩm của Balzac là đoán được ngay họ thuộc loại người nào.
Chiếc váy màu đỏ của Coralia cho biết cô là kiểu lả lơi. Một người vợ đức hạnh, nhẫn nhục sẽ chỉ mặc đồ màu trắng.
Đến cả cô gái điếm (nhưng có tâm hồn thánh thiện) Esther Gobseck cuối cùng cũng tinh khôi trong chiếc váy cưới màu trắng, ôm hoa cưới màu trắng.
Đối nghịch với màu trắng trinh nguyên tất nhiên là màu đen. Mọi kẻ xấu trong văn chương Balzac vì thế đều bận đồ đen. Nhân vật “lửng lơ con cá vàng” như Công chúa Cadignan thì bận đồ màu xám.
Nếu một xã hội đánh giá con người qua trang phục, tất yếu sẽ có những kẻ lợi dụng trang phục để che đậy bản chất, diễn tuồng trước thế nhân. Nhưng Balzac lưu ý sẽ luôn có những dấu hiệu (nhỏ thôi) để bóc mẽ.
Ví dụ, Valérie Marneffe, cô nàng yêu những 4 anh chàng cùng một lúc. Bề ngoài, Valérie ăn mặc hệt như một người vợ đoan chính, luôn kín kẽ như bưng, nhưng chiếc váy lót của cô thì siêu gợi cảm.
Vì mặt trái của trang phục giúp che đậy bản chất nên các nhân vật phản diện của Balzac rất giỏi trò cải trang. Tương tự, cả các cảnh sát chìm cũng vậy.
Tuy nhiên, “đẳng cấp” cải trang giữa họ thì hoàn toàn khác biệt. Kẻ xấu có giả trang cẩn thận thế nào cũng vẫn lộ một số điểm khác thường, để ý là thấy ngay được.
Ví dụ, Vautrin, anh ta vận đồ linh mục, còn uốn cả tóc, đi vớ lụa đen nhưng đôi chân lại cuồn cuộn cơ bắp.
Cách Balzac áp dụng vào đời thật
Không riêng gì Pháp, cả châu Âu đương thời bị chi phối bởi quan niệm phân chia giai cấp, định giá con người qua địa vị xã hội của họ.
Balzac từng nói “Mỗi thành phố đều là một bài thơ” và “bài thơ” của Paris là sự rực rỡ lẫn lấm lem của nó trên đường phố, trong từng bộ quần áo. Đầm dạ hội lộng lẫy, áo choàng đắt tiền, ghi lê trang trọng là bộ mặt của giai cấp thượng lưu.
Balzac chào đời tại Tours, một tỉnh lẻ của Pháp, từ năm tròn 20 tuổi mới tới Paris. Dù vốn là con nhà khá giả, giữa cái xa hoa của đô thành, trai tân Balzac cũng chỉ là “nhà quê ra phố”.
Không phải tốn nhiều thời gian để một “hai lúa” nhiễm thói phù phiếm của thị thành. Chỉ trong vòng vài năm, Balzac đã có trong tay cả mớ tên tuổi thợ may nổi tiếng.
Anh đề ra mục tiêu phải đặt may mỗi ngày một áo ghi lê trong suốt một năm. Tính đến cuối năm, số tiền nợ (công may và vải) của Balzac là 904 franc, riêng tiền mua giày thôi cũng đã cao gấp 200 lần sinh hoạt phí.
Tốn kém cho “tân trang” ngoại hình là thế nhưng, với toàn Paris, Balzac thực sự là một cú sốc văn hóa thời trang. Lần đầu tiên gặp Balzac, Beau Brummell (người viết tiểu sử Balzac) ngỡ ngàng đến muốn ngất.
Thân hình thô, mập lại lùn, vậy mà Balzac mặc đồ bó sát muốn bung đường chỉ. Đàn ông thượng lưu, như Balzac nhận định, phải là người mặc áo ghi lê (đen hoặc trắng) vừa khít, quần len (đen hoặc đỏ), tuyệt đối không thiếu cây ba toong khảm đá quý (càng to, đẹp, rực rỡ càng tốt) trên tay.
Thế nên, bất cứ khi nào bước chân ra khỏi cửa, ông cũng phải có trên mình tối thiểu là đủ các món ấy, không cần biết nó có hợp với ngoại hình hay không.
“Ngố” ngoài tưởng tượng
Hài hước ở chỗ, trong lúc ai nấy kinh hoàng bởi gu thời trang của Balzac, đại văn hào lại rất tự tin. Bao nhiêu tiền bạc kiếm được, ông ném hết vào các cửa hàng may mặc có tiếng.
Quần áo (như những gì ông thể hiện trong văn chương) không phải thứ để làm đẹp mà là cái để thể hiện bản chất. Chưng diện chính xác như những gì một quý ông (mà Balzac nghĩ) ăn vận là cách Balzac khẳng định vị thế của bản thân.
Thực tế, Balzac khá… ở dơ. Mỗi lúc cắm đầu vào sáng tác, ông còn chẳng thiết tha gì đến tắm giặt. Nếu không có việc gì phải đi ra ngoài, nhà văn chỉ quơ đại thứ gì đó khoác lên người.
Thế nhưng, bước chân ra khỏi phòng viết, Balzac lập tức trở thành một người khác, cực kỳ tao nhã và quý phái (như ông tưởng).
Vì quá đề cao khả năng thể hiện đẳng cấp, địa vị của trang phục, Balzac rơi vào cái hố quá lố không đáy. Là một nhà văn từng mô tả không ít nhân vật đàn ông bảnh bao, lịch thiệp (như Charles Grandet, Henri de Marsay, Eugène de Rastignac, Lucien de Rubempré), nhà văn chắc chắn biết một quý ngài sẽ có vẻ bề ngoài như thế nào.
Paris vốn nổi tiếng là kinh đô của thời trang, ngay cả trong thời đại của Balzac. Nội tại của một giai cấp, trong đó có tầng lớp thượng lưu cũng vẫn tiếp tục phân chia thấp cao. Cách ăn mặc, giá trị vật chất của một trang phục tất nhiên có phần nào thể hiện địa vị của một người trong thang phân cấp xã hội đó.
Vấn đề nằm ở chỗ trang phục không phải là tất cả. Và dù chỉ với trang phục, người cũng còn đánh giá qua phong cách, sự phù hợp với kẻ diện đồ.
Trên tất cả, một quý ông không nhất thiết phải chống gậy ba toong. Phì nộn trong bộ áo ghi lê, quần len bó sát đắt đỏ lại không bận tâm chuyện phối màu, Balzac chính xác là một thảm họa của màu sắc và thời trang như họa sĩ Eugène Delacroix (Pháp) từng than thở.
Dù thiên tài nào cũng có đôi ba cái “ấm ngố” nhưng sự “ngố” của Balzac là ấn tượng hơn cả. Sẽ không có bất cứ một ai quên được “phút ban đầu” gặp gỡ ông. Âu cũng là một cách giới thiệu bản thân hết sức độc đáo và hoàn hảo.