Nền tảng giảng dạy của Teachmint có mặt trên cả hai kho ứng dụng Google Play Store và App Store, đồng thời được bản địa hóa với các tùy chọn ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh để đáp ứng nhu cầu của các giáo viên trong khu vực.
Teachmint, nhà cung cấp hàng đầu về giải pháp cơ sở hạ tầng cho giáo dục, hôm nay đã công bố ra mắt nền tảng giảng dạy tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Với sự mở rộng quốc tế này, Teachmint hướng tới mục tiêu trao quyền cho các nhà giáo dục trên toàn khu vực để sẵn sàng cho các xu hướng dạy và học của tương lai, tận dụng lợi thế từ công nghệ lớp học ưu tiên cho thiết bị di động, độc quyền bởi Teachmint.
Nền tảng SaaS (“Software-as-a-Service” – mô hình phân phối dịch vụ ứng dụng phần mềm) của Teachmint cho phép giáo viên và trường học số hóa việc giảng dạy chỉ trong vài phút. Hai năm vừa qua, thế giới đã chứng kiến lực thúc đẩy mạnh mẽ của hình thức học trực tuyến, học kết hợp trực tiếp – trực tuyến và học từ xa. Điều này đã tạo nên nhu cầu lớn về các giải pháp kỹ thuật số đáng tin cậy cho sinh viên và các nhà giáo dục. Ra mắt vào tháng 5 năm 2020, Teachmint đã tạo ra một nền tảng end-to-end (cung cấp dịch vụ từ đầu đến cuối) duy nhất để giúp giáo viên có thể chủ động quản lý tất cả các hoạt động trong lớp học như: tiến hành các lớp học trực tiếp, ghi hình và lưu trữ bài giảng, lập kế hoạch giảng dạy, chia sẻ tài liệu học tập, tự động tạo bài kiểm tra và đánh giá, cùng nhiều tính năng khác. Với nền tảng di động của Teachmint, các nhà giáo dục có thể đáp ứng nhu cầu học tập số hóa của người học, mở rộng quy mô lớp học và học viện, cũng như tối ưu hóa thời gian và hiệu quả giảng dạy bằng việc vận hành tự động hóa.
Được lựa chọn bởi hơn 10 triệu người dùng và hơn 10.000 trường học, Teachmint hiện là giải pháp duy nhất đáp ứng nhu cầu về hạ tầng đào tạo end-to-end của các nhà giáo dục, từ giáo viên độc lập và các trường K-12 (từ Mầm non đến Lớp 12) cho tới hoạt động gia sư sau giờ học. Nối tiếp tầm nhìn của công ty, việc Teachmint gia nhập thị trường Việt Nam củng cố cam kết của thương hiệu trong hoạt động số hóa giảng dạy và xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp cho giáo dục hiện đại.
Chia sẻ về việc ra mắt Teachmint tại Việt Nam, ông Mihir Gupta, Giám đốc Điều hành kiêm Đồng sáng lập Teachmint, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng với cột mốc ra mắt nền tảng tại thị trường Việt Nam để chính thức giới thiệu giải pháp này đến các trường học và nhà giáo dục tại đây. Trên thế giới, có rất ít sáng kiến đổi mới dành cho nhóm đối tượng giáo viên, khiến họ phải sử dụng các công cụ thiếu kết nối để giải quyết các nhu cầu số hóa dạy và học. Nền tảng của Teachmint là một giải pháp end-to-end toàn diện cho mọi nhu cầu giảng dạy – từ việc thiết lập lớp học trong 2 phút và tự động điểm danh, cho đến việc tạo và đánh giá các bài kiểm tra chỉ trong vài giây. Trong năm vừa qua, chúng tôi đã nhận được nhiều yêu cầu từ giáo viên và các đơn vị liên quan khác trên khắp Đông Nam Á cũng như Việt Nam về giải pháp ưu tiên cho thiết bị di động của Teachmint. Tôi vui mừng được chia sẻ rằng, giờ đây, chúng tôi đã sẵn sàng để cách mạng hóa hành trình giảng dạy của họ. Kể từ khi ra mắt thử nghiệm, nền tảng của chúng tôi đã chứng kiến sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng nhờ việc chia sẻ truyền miệng, đạt gần 400.000 người dùng trên khắp Đông Nam Á và chúng tôi hy vọng điều này sẽ tăng theo cấp số nhân trong thời gian tới”.
Teachmint cũng đã nhận được sự hỗ trợ từ các học viện và các tổ chức giáo dục tại Việt Nam như EdLab Asia và AIM Academy về các dịch vụ SaaS dành cho nhà giáo dục.
Nhận xét về những tính năng nổi bật của Teachmint, ông Hoàng Anh Đức, Nhà nghiên cứu giáo dục kiêm Giám đốc EdLab Asia, cho biết: “Tại EdLab Asia, chúng tôi nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục công tại Việt Nam bằng cách thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu cơ sở, và phân phối kết quả nghiên cứu cho đối tượng thụ hưởng cốt lõi của chúng tôi – những giáo viên trường công lập, đặc biệt là ở các vùng khó khăn, vùng cao và hải đảo. Chúng tôi hoan nghênh mọi cơ hội hợp tác với các đối tác để thử nghiệm các công nghệ hoặc ứng dụng mới nhất có tiềm năng mang lại những sáng kiến đổi mới giáo dục tại Việt Nam, và Teachmint là một trong số đó.
Sau khi tìm hiểu về ứng dụng, Teachmint hứa hẹn sẽ là một ứng dụng giảng dạy liên nền tảng có thể giúp trang bị cho giáo viên những công cụ giảng dạy trực tuyến quan trọng, đặc biệt cho giáo dục trung học. Một số ưu điểm nổi bật của Teachmint bao gồm quy trình đăng ký đơn giản và các tính năng tùy chỉnh để hỗ trợ việc giảng dạy, chẳng hạn như tạo lớp học trực tuyến, thông báo lịch học, theo dõi điểm danh và đánh giá kết quả học tập của học sinh”.
Nhận định thêm về sự ra mắt thành công của Teachmint, bà Phạm Thị Diệu Anh, Giám đốc Điều hành Viện Đào tạo Tiếp thị và Truyền thông (AIM Academy), chia sẻ: “Hoạt động dạy và học trực tuyến đang thúc đẩy sự chuyển đổi của tất cả các doanh nghiệp giáo dục và đào tạo. Không chỉ AIM Academy mà nhiều trường học khác cũng đang tìm kiếm một giải pháp thân thiện với người dùng dành cho cả giáo viên và học sinh. AIM Academy đã có cơ hội thử nghiệm ứng dụng của Teachmint trong một khoảng thời gian ngắn và chúng tôi rất ấn tượng với sức mạnh cũng như tính khả dụng của công cụ này.
Ứng dụng hiện đã có tiếng Việt nên vô cùng tiện lợi cho người dùng Việt Nam. Đánh giá kết quả học tập luôn là một phần của việc dạy học. Ứng dụng Teachmint hỗ trợ nhiều dạng bài kiểm tra khác nhau, bao gồm trắc nghiệm, bộ đề câu hỏi… trong đó giáo viên và giảng viên có thể chỉ định thời gian giới hạn cho bài kiểm tra và có hệ thống chấm điểm để chấm đáp án tự động. Nó giúp giáo viên, giảng viên tiết kiệm thời gian và hạn chế tối đa sai sót do con người gây ra”.
“Thiết bị di động trong vai trò một hình thức công nghệ có chi phí hợp lý đối với hàng triệu trẻ em có khả năng thay đổi diện mạo của ngành giáo dục. Trong hơn một năm qua, phần lớn giáo viên của chúng tôi đã mở rộng lớp học cho những học sinh không thuộc phạm vi địa lý trực tiếp mà họ đang sinh sống. Với lần mở rộng quốc tế này, chúng tôi rất vui mừng được mở ra những triển vọng mới mẻ và cho phép giáo viên tạo nên những lớp học toàn cầu đích thực”, ông Mihir Gupta bổ sung.