Mỗi kiến trúc sư, mỗi nhà thiết kế nội thất có những cách khác nhau để trải nghiệm với một dự án mà họ thực hiện. Nhiều người cho rằng quá trình thiết kế và giám sát thiết kế đem lại nhiều niềm vui nhất vì họ học hỏi và tự “lớn lên” với công việc của mình. Nhà Thiết kế Tào Thục Trinh sẽ nói về dự án, về công việc của cô và quá trình tương tác với chủ nhà, với chính công trình để đi đến cùng với điều mà đôi bên cùng mong muốn.
Màu sắc như “một người dẫn chuyện không đáng tin” (Unreliable Narrator), chúng điều khiển cảm xúc con người, thả trôi ta giữa vùng cảm xúc không dứt, hay đơn giản làm vật định danh cho mảng ký ức không rõ hình hài. Dùng màu cho không gian cũng là câu chuyện đa chiều tương tự. Ta dễ dàng để chọn ra bộ màu mãn nhãn dựa trên lý thuyết, cảm xúc hoặc bất kỳ lý do nào khác mang tính cá nhân. Tuy nhiên cảm quan vốn phức tạp của con người không chấp nhận quyết định đơn giản như thế, cuộc chơi sắc độ tuy dễ khởi xướng nhưng lại khó chọn lấy điểm kết mà dừng.
NTK TÀO THỤC TRINH
Thời điểm hoàn thành công trình đến ngày thực hiện bộ ảnh kéo dài hơn nửa năm, đằng đẵng qua những tháng ngày Sài Gòn phong tỏa kinh hoàng. Tôi xin mạn phép bắt đầu từ căn phòng ngủ thay vì tiến vào theo lối cửa chính theo lẽ thường. Bởi lẽ trong những ngày đầu tiên sống với ngôi nhà của mình, gia chủ bắt đầu một ngày từ chiếc giường thân yêu và điểm giới hạn cuối cùng chắc chắn là chiếc cửa gỗ một cánh chặn cứng trước phòng khách.
Căn hộ ba phòng ngủ, gói gọn trong 100m2 lại là nơi giằng xé của nhiều ý niệm hai chiều – giữa cảm xúc bộc phát và lý trí mạch lạc. Các cặp màu tương phản như cam đất, xanh, vàng cuộn xoắn nhau giữa lớp nền kim loại sắc lạnh, hắt bóng qua mảng kính trong veo hay chút ấm nhu mì của gỗ đậm. Ấy vậy mà phòng ngủ chính lại dứt khoát phủ lên tông xanh trời đủ sắc độ. Quyết định này xuất phát từ khoảnh khắc khi vạt nắng hướng Tây cuối cùng hắt lên khối bê tông xám chưa kịp trát vữa, cái nắng Sài Gòn oi ả đặc trưng làm ấm cả gian phòng mà không cần bất kỳ thủ pháp thiết kế nào. Màu xanh ấy được lựa chọn để tìm đến cảm quan cân bằng.
Băng qua lối hành lang nối giữa các phòng, không gian làm việc là nơi dễ tiếp cận nhất cả về thị giác lẫn lưu thông. Khu vực này ngăn cách bằng hệ cửa kính xếp, một không gian kiệm màu hay nói chính xác hơn là “đất diễn” của các sắc độ trung tính, trái ngược hoàn toàn với dãy hành lang có phần đậm đà. Cách dụng màu xám – trắng pha lẫn với tông nâu của da – gỗ làm tiền đề cho cuộc chơi đặc biệt hơn: hình khối – một góc nhìn khác về màu sắc. Chiếc bàn làm việc với chân trụ tròn, phía còn lại chồng lên nhau thành từng lớp đồng tâm tạo thành độ chuyển thú vị cho màu sắc và vật liệu. Xét về diện tích không gian ít ỏi cùng với hình khối sản phẩm đặc biệt, việc chừa trống lại phần tường trắng phía sau chính là cách tiết giản hợp lý cho thị giác.
Phần không gian rộng rãi nhất và cũng là nơi chứa đựng nhiều sắc thái màu trong toàn bộ công trình là cụm khách – bếp nối liền. Một bữa tiệc thị giác với tranh vẽ, vật liệu, hình khối và màu sắc; vào thời điểm thực hiện bộ hình, chúng tôi đã phải chạy đua với thời gian khi hoàng hôn đổ bóng. Vạt nắng dài trải lên từng món đồ trong không gian như tấm thảm quý mà gia chủ dành dụm, đợi chờ để bung ra trong niềm vui chỉ đến vào đúng một thời điểm trong ngày. Cuộc sống của họ cũng rực rỡ như chính ngôi nhà ấy, chúng chứa đựng niềm vui của những mảng màu, đặc biệt như chiếc đèn treo được tạo hình riêng cho không gian, những cá tính trong ngôi nhà chồng lớp lên nhau, không ồn ã và rất hài hòa. Có lẽ việc quay trở lại ngôi nhà sau khoảng thời gian dài để chứng kiến cuộc sống thành hình trong công trình là một cơ duyên lớn. Thời điểm ấy, ngôi nhà đã thật sự thành hình, vì chúng có “hơi người”.
Công trình: Empire City, Thủ Thiêm, Quận 2
17A6 (Block A), chung cư Copac, 12 Tôn Đản, Quận 4, TP.HCM
Thiết kế: NTK Tào Thục Trinh, Công ty QBIẢnh Phú Đào | Trợ lý Nam Võ