Trong Quí I/2020, chi phí dự phòng rủi ro của MBBank tăng mạnh lên 2.093 tỉ đồng, gấp đôi cùng kì 2019. Đây là nguyên nhân chính khiến lãi trước thuế giảm 9,4% xuống 2.195 tỉ đồng.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 với lợi nhuận trước thuế giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.195 tỷ đồng.
Đi sâu vào từng mảng kinh doanh, tín dụng – mảng kinh doanh chủ lực của MB – đem về cho ngân hàng này 4.695 tỷ đồng trong quý I, tăng trưởng 13,6%. So với các ngân hàng khác, con số này ở mức trung bình.
Các mảng phi tín dụng ghi nhận tăng trưởng ấn tượng hơn. Mặc dù mảng dịch vụ giảm nhẹ 1,8%, đạt 744 tỷ đồng lãi thuần nhưng bù lại, tăng trưởng ở mảng ngoại hối ở mức 32,5%, đạt 159 tỷ đồng lãi thuần. Đặc biệt, MB ghi nhận tới 497 tỷ đồng lãi thuần từ mua bán chứng khoán, góp vốn, đầu tư dài hạn (chủ yếu là từ mua bán chứng khoán đầu tư), tăng tới 175% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các hoạt động khác đem về cho MB 240 tỷ đồng lãi thuần, giảm 7,2%.
Tổng cộng, MB ghi nhận tổng cộng 1.643 tỷ đồng lãi thuần từ các hoạt động phi tín dụng trong quý I/2020, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chốt quý, tổng thu nhập hoạt động bao gồm cả hoạt động tín dụng lẫn phi tín dụng của MB là 6.338 tỷ đồng, tăng trưởng 16,2%. Tuy nhiên, do chi phí hoạt động giảm 0,7% nên lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng này tăng cao hơn, ở mức 26,5%, đạt 4.288 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong kỳ, MB đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới 2.092 tỷ đồng, tăng 117% so với kỳ trước.
Do đó, sau khi trừ đi chi phí dự phòng, lợi nhuận trước thuế quý I/2020 của ngân hàng này chỉ còn lại là 2.195 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết ngày 31/3/2020, tổng tài sản hợp nhất của MB ở mức 406.802 tỷ đồng, giảm 1,1% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay đạt 247.979 tỷ đồng, giảm 0,9%.
Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,62%, tăng đáng kể so với mức 1,16% hồi cuối năm 2019. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hợp nhất vẫn ở mức cao: 98%.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đến hết ngày 31/3/2020 của MB ở mức 43.984 tỷ đồng, tăng 10,3% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng đạt 240.737 tỷ đồng, giảm tới 11,7%, chủ yếu do các tổ chức kinh tế rút lượng lớn tiền gửi với quy mô rút ròng lên đến trên 37.000 tỷ đồng. Tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng ở mức gần 30% (cuối năm 2019 là gần 34%).