Bối cảnh sẽ như mấy bộ phim hậu tận thế của Hollywood (cũng là giả tưởng buồn hiu): bỏ chạy khỏi bề mặt Trái đất không còn sự sống bởi một mặt trời đổ lửa, không khí nóng sôi, người ta rút vào lòng đất, tạo nên thế giới Ngầm.
Ở Ngầm người ta nói thứ tiếng duy nhất. Tiếng Chung, như cách họ gọi, được sử dụng cho mọi vùng miền, không phân biệt màu da, sắc tộc. Thật dễ để yêu thương nhau, thuận hòa sống cùng nhau khi có cùng tiếng nói, Hội đồng Ngầm tin vậy. Đã bị thiên nhiên truy đuổi đến nông nỗi này, chịu đựng thêm những cuộc chiến tranh vô nghĩa nữa không phải là quá sức sao. Họ nghĩ sắc da không thể đổi, tôn giáo cần được tôn trọng, nhưng tiếng nói, thứ đó có thể dùng chung. Bớt được chút khác biệt nào, hay chút ấy.
“Vậy thì tẻ nhạt vô phương, khi loài người phải chung tiếng nói”, thầy chị bảo vậy. Hồi đó họ chỉ mới đưa tiếng Chung ra thể nghiệm, gọi là lấy ý kiến người dân nhưng ai cũng biết, họ đã quyết định rồi. Đó là thứ ngôn ngữ xám màu, cộc, khô khan nhằm hạn chế ám dụ và đa tầng nghĩa, những từ ngữ quan trọng mang tính hứa hẹn về sự vĩnh cửu, khá nhiều âm gằn, và người ta khó mà thì thầm với nó.
Nhiều người không ưng, thầy chị cũng cự quá trời. Ông nói với tụi chị, người ta hoài nhớ thế giới đã mất không phải bởi vì nó tràn ngập sắc xanh với cỏ cây muông thú, mà còn đa dạng ngôn ngữ, tiếng nói. “Những con chim sao hót cùng một giọng, chán làm sao”, giọng thầy buồn rượi, trong nỗi lo vong bản.
Đám học trò bên dưới nghe cha mẹ chúng kể ngày xưa, tức cái hồi còn sống trên mặt đất, người ta phải đi học thêm sinh ngữ tốn kém như thế nào, vật vã ra sao, nên thờ ơ chơi xếp gạch trên máy tính. Nhưng ông thầy không cô độc, vẫn còn có một cô học trò ngồi dưới kia chia sẻ. Cô bé đang rối vì bà mẹ bị chứng mất trí nhớ, suốt ngày nói tiếng bản địa. Càng tới gần cái chết, thứ ngôn ngữ mang tính bản năng kia lại sống động hơn bao giờ hết. Nhưng thế giới sắp thông qua bộ luật khắt khe, bắt buộc người ta sử dụng tiếng Chung trong mọi trường hợp.
Hội đồng Ngầm nghĩ thật viển vông khi mong đợi đám đông tự ý thức trong việc từ bỏ những địa phương ngữ, tộc ngữ, mật ngữ, tiếng lóng. Họ áp đặt lệnh cấm gắt gao, những hình phạt nặng nề. Như mọi khi, một ý tưởng tốt không phải lúc nào cũng được thực hiện bằng phương pháp tốt. Cô bé không biết phải bảo vệ bà mẹ mình sao đây, khi bà đã mất dần ý thức, nhưng tiếng nói nọ ngôn ngữ nọ thì từ chối bị hư hoại, nhảy nhót suốt trên môi bà cụ.
Chị, chính là cô học trò lúc đó, giờ cũng sắp tới gần cái chết. Cùng lúc, chị biết mình có khối u chín muồi trong phổi và một đứa con vừa tượng hình. Ở bệnh viện nói chị hãy bỏ đứa con, nếu được sống lâu hơn. “Mẹ chọn con”, chị nói ở trong buồng vệ sinh bệnh viện. Kinh ngạc làm sao khi chị nói bằng thứ tiếng bị bỏ rơi lâu rồi, tiếng của một miền sông xa xôi, đã từng dào dạt trước khi bị khô cháy dưới mặt trời bởi không còn tầng ôzôn che trở.
Giây phút đó chị nhớ má nói mưa chướng bây ơi, nhớ những buổi coi hát ở đình hồi chị mới năm ba tuổi, câu hò của một người cất vó trên sông đêm, tiếng gọi trẻ con về nhà ăn cơm chiều sâu vẳng trong những tầng lá sau vườn.
Chị cũng nhớ ông thầy đã chọn câm lặng cho tới chết, vì không được nói bằng ngôn ngữ của mình. Nhớ những phiên tòa công khai ở quảng trường, như lời đe dọa cho bất cứ ai còn nói giọng riêng tiếng lẻ.
Có một dạo chị nghĩ ngôn ngữ của thế giới đã phẳng lì rồi, giờ chỉ còn tiếng Chung. Mọi thứ tiếng khác đã diệt vong. Ai đó nếu lỡ lời, thì ngay khi cảnh sát chưa ập tới, kẻ đó cũng ngộp thở trước những cái nhìn kỳ thị, căm ghét của những người xung quanh. Có cái gì hung hiểm xấu xa, trong thứ ngôn ngữ lạ mà kẻ nọ mới phun ra, như thể trù rủa, như thể chửi xéo, hoặc là ám hiệu cho một cuộc nổi loạn. Không thì sao chẳng chịu nói bằng tiếng Chung, không thì sao lại nhỏ giọng thì thầm.
Nhưng vào khuya đầu khi chị thỏ thẻ nói với đứa con còn nằm trong bụng của mình bằng tiếng miền sông, chị nhận ra những tiếng nói, những ngôn ngữ khác vẫn còn tồn tại ở những nơi chốn riêng tư, thầm kín, ở những nửa đêm khi tường vách không còn nghe ngóng nhau, ở trong tiếng rên của một người vừa bị đứt tay, trong cơn hổn hển của đôi tình nhân đang cố định nhau trên chiếc giường nhàu, trong lời khấn khi thắp nhang lên một bàn thờ gia tiên. Họ, có thể cố tình làm trái luật Ngầm như chị, cũng có thể họ nghĩ thứ tiếng thiêng ấy chỉ nên nói vào dịp thiêng, hoặc chỉ vô thức thôi từ trong bản năng mà thành lời.
Mình sẽ bị phát hiện mất thôi, chị nghĩ vậy, khi thai ở tháng thứ tư. Khối u sắp vỡ, những cơn đau khiến chị gần như không thể chợp mắt. Cảm thấy sắp hết thời gian, chị nói chuyện với con nhiều hơn. Hàng xóm bắt đầu nhìn chị với ánh mắt dè chừng, lòng thương hại một bà mẹ đơn thân mắc bệnh hiểm nghèo không lớn bằng nỗi sợ hãi bị trừng phạt bởi tội biết mà không khai báo. Chuyện một người nào đó chạy đi méc với cảnh sát rằng có người đàn bà thường xuyên nói bằng phương ngữ, chỉ là một sớm một chiều.
Chị biến mất. Ở chỗ mà ngày xưa chị trốn cùng má mình. Bà đã được nói thoải mái lúc cuối đời, thậm chí còn hát nữa, những bài hát cổ xưa buồn bã, gì mà chiều tà nắng đổ bờ vai, trời buồn mây bay qua mấy truông bóng nhỏ đường dài, rồi ngộ kỳ thời con kiến nó leo cây. Chị tin má đã sống một đời không phí, khi nhìn bà nhẹ tênh trong giấc ngủ dài, bốn năm sau. “Má của con cũng vậy”, chị nói, vỗ nhẹ vào chỗ gò trên bụng, “có con là má mãn nguyện rồi”. Đứa nhỏ chắc đang tung cùi chỏ múa võ. Nó chỉ chịu yên khi nào chị hát. Chỉ là lặp lại những bài hát của má chị, mà chị còn nhớ được. Về những rau răm ở lại cây cải về trời, về con cò đi đón cơn mưa, về cô nàng gánh nước tưới cây ngô đồng.
Chị nói với con về những con sông ngày xưa từng dào dạt, dừa rụng xuống đìa rau muống giữa trưa, những người đàn ông treo võng nằm nghe vọng cổ sau buổi làm đồng, vợ họ ở đằng kia quạt lên một bếp un. Chỉ không nói gì về đau đớn thể xác mà mình đang chịu đựng, để con khỏi cảm thấy nó nợ mình.
Người ta tìm thấy chị khi đứa trẻ đã mười ba tháng tuổi. Chính xác là chị để cho họ tìm thấy, phải có ai đó nuôi đứa nhỏ, khi chị sắp xài hết những hơi thở cuối cùng. Đứa nhỏ đang tập nói. Không biết khoảng thời gian mười tám tháng qua người phụ nữ được cảnh sát xếp vào hồ sơ “có nguy cơ nổi loạn” đó, chị ta đã dạy cho đứa nhỏ bằng những lời lẽ nguy hiểm nào, cảnh sát nghĩ vậy. Họ chờ đợi.
Bữa người ta mang di ảnh bà mẹ tới, đứa trẻ bò về phía đó bằng cái giọng hãy còn ngọng nghịu, nói “má! yêu má!”.