Ăn uống lành mạnh, ngủ đủ và tập thể dục thường xuyên được xem là những yếu tố quan trọng trong việc tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể chống lại các bệnh về thể chất và tinh thần. Một nghiên cứu gần đây do các nhà nghiên cứu tại Đại học California – Berkeley (Hoa Kỳ) thực hiện cho thấy một nhân tố khác cũng giữ vai trò quan trọng giúp chúng ta duy trì sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. Đó chính là lối suy nghĩ tích cực.
Nhóm các nhà nghiên cứu đã theo dõi và khảo sát 200 thanh niên về những cảm xúc hằng ngày của họ như mức độ phấn khích, thời lượng vui chơi giải trí, mức độ hài lòng, nỗi lo sợ, lòng quảng đại, niềm vui, tình yêu và niềm tự hào. Niêm mạc miệng của các tình nguyện viên được thu thập hằng ngày và đưa đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy nếu trong ngày, những ai trải qua các cảm xúc tích cực, ngạc nhiên và sợ hãi đều có nồng độ cytokine thấp hơn so với những người trải qua các cảm xúc khác. Cytokine vốn là một loại protein có vai trò kích thích tương tác tế bào ở hệ miễn dịch và tạo phôi, nhưng nồng độ cytokine quá cao sẽ nâng cao tình trạng viêm nhiễm và báo hiệu nhiều bệnh liên quan như đái tháo đường loại 2, bệnh tim, bệnh Alzheimer, viêm khớp, trầm cảm…
Giải thích thắc mắc tại sao nỗi sợ hãi cũng ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe và tuổi thọ, bà Jennifer Stellar – tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Nỗi sợ ở đây liên quan đến lòng hiếu kỳ và khát vọng khám phá. Điều này khiến cơ thể có những hành động phản ứng trái ngược so với những trường hợp viêm nhiễm mà người ta tự tách mình khỏi những người xung quanh”.
Trong một nghiên cứu khác, nhóm nghiên cứu trên cũng đo được nồng độ cytokine thấp hơn ở những người có thú vui nghe nhạc, đi dạo, xem triển lãm nghệ thuật.
- M.C theo Newscenter