Samsung đã chờ đợi tới hơn ba năm trước khi đưa công nghệ Super AMOLED lên màn hình máy tính bảng.Nhưng với những gì mà chiếc Galaxy Tab S vừa mới trình diễn, có thể khẳng định rằng quá trình chờ đợi đó xứng đáng đến từng giây.
Ấn tượng mạnh nhất mà chiếc Galaxy Tab S của Samsung tạo ra ngay trong những lần dùng thử đầu tiên chính là màn hình của nó: sáng rực rỡ, độ bão hòa màu xuất sắc, độ tương phản cao, góc nhìn rộng và rất sắc nét. Đại đa số giới công nghệ trên toàn thế giới đều trầm trồ nhận định rằng, Galaxy Tab S là chiếc máy tính bảng có màn hình xuất sắc nhất trên thị trường hiện nay.
Màn hình Super AMOLED được trang bị trên Samsung Galaxy Tab S có độ phân giải WQXGA (2.560×1.600 pixel). Samsung cung cấp một loạt chế độ màn hình thiết lập sẵn, được tối ưu hóa để phù hợp với từng nhu cầu cụ thể của các nhóm người dùng khác nhau. Các chế độ bao gồm Adaptive Display (tự động điều chỉnh việc hiển thị thông minh, AMOLED Cinema chế độ hiển thị dành riêng cho việc xem phim chất lượng cao, AMOLED Photo để hiển thị hình ảnh tốt hơn với nhiều dải màu được hiển thị hơn, và chế độ Basic chế độ cơ bản cho phép hiển thị màu sắc tiêu chuẩn. Và dù lựa chọn bất cứ chế độ nào, màn hình của Galaxy Tab S cũng tạo được những ấn tượng rất mạnh và đạt được hiệu quả hiển thị cao.
Vậy đâu là nguyên nhân giúp cho màn hình Super AMOLED trên chiếc Galaxy Tab S tạo được ấn tượng mạnh đến thế?Và vì sao Samsung đã chờ đợi lâu như vậy trước khi chính thức triển khai công nghệ này lên màn hình máy tính bảng?
Câu trả lời có lẽ là Samsung đã chủ động chờ đợi. Chờ đợi cho đến khi họ hoàn thiện công nghệ Super AMOLED và hoàn toàn làm chủ nó. Và chờ đợi đến thời điểm chín muồi đểtung ra cú đòn quyết định.
Samsung tin rằng, những thiết bị di động như smartphone và máy tính bảng luôn phải chịu áp lực sẵn sàng làm việc mọi lúc, mọi nơi, trong nhiều giờ liền. Do đó các thiết bị này cần phải có một màn hình mỏng, nhẹ, tiết kiệm năng lượng, có khả năng hiển thị mọi thông tin, hìnhảnh đẹp như thật với thời gian hồi đáp cực nhanh và độ chính xác cao nhất. Công nghệ màn hình Super AMOLED chính là lời giải.
AMOLED (Active Matrix/Organic Light Emitting Diode), còn gọi là màn hình diode hữu cơ phát quang ma trận chủ động, là công nghệ sản xuất màn hình cao cấp dựa trên công nghệ màn hình diode hữu cơ phát quang OLED. Có nhiều lý do khiến Samsung quyết định lựa chọn công nghệ Super AMOLED. Lý do đầu tiên là nó có khả năng tái tạo màu xuất sắc. Màn hình này cho phép tái tạo tới hơn 90% bảng màu chuẩn Adobe RGB – tức là cao hơn tới 20% so với mức trung bình khoảng 70% của màn hình TFT LCD.Điều đó cũng có nghĩa là màn hình Super AMOLED có khả năng hiển thị màu sắc gần như chính xác so với hình ảnh thực.
Tiếp theo là độ tương phản, một yếu tố có vai trò rất quan trọng trong công nghệ màn hình. Màn hình Super AMOLED có độ tương phản lên đến 100.000:1, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình khoảng 1.300:1 của màn hình TFT LCD.Như thế có nghĩa là màn hình Super AMOLED cho màu đen đen hơn, màu trắng trắng hơn, và do đó hiển thị hình ảnh thực hơn. Để đạt được điều này, công nghệ Super AMOLED sử dụng các diode tự phát sáng. Màu đen sẽ gần như đen tuyệt đối khi cả ba điểm màu RGB được tắt đi, và do đó tạo ra độ tương phản cực cao.
Không chỉ hoàn toàn dựa vào phần cứng, một yếu tố quan trọng tạo nên ưu thế cho màn hình Super AMOLED trên Galaxy Tab S là công nghệ Adaptive Display của Samsung. Sử dụng chipset mDNIe, công nghệ này cho phép tự động điều chỉnh các chế độ hình ảnh để phù hợp tốt nhất với nội dung hiển thị, tối ưu hóa dải màu, độ bão hòa và độ sắc nét của hình ảnh. Nhờ sử dụng cảm biến RGB kết hợp với công nghệ Adaptive Display, Galaxy Tab S có khả năng phân tích môi trường xung quanh, đánh giá chất lượng ánh sáng để cung cấp màu sắc và độ sáng tự nhiên nhất.
Yếu tố tiếp theo là khả năng hiển thị rõ ràng dưới ánh sáng mạnh, chẳng hạn như ánh mặt trời. Ưu thế này có được nhờ Samsung sử dụng một lớp vật liệu đặc biệt có khả năng chống phản xạ cực tốt, cải thiện độ sáng màn hình, và áp dụng các thuật toán để phân tích môi trường rồi đưa ra màu sắc hiển thị tối ưu. Bên cạnh đó, khi ánh sáng môi trường rất yếu, người dùng có thể bảo vệ cặp mắt của mình bằng cách giảm độ sáng màn hình bằng công nghệ Super Dimming, cho phép hình ảnh hiển thị rõ ràng mà không chói mắt.
Thử nghiệm thực tế cho thấy, màn hình Super AMOLED cho góc nhìn cực rộng. Góc nhìn rộng hơn cho phép người dùng linh hoạt hơn trong quá trình sử dụng, có thể thoải mái thưởng thức màn hình hiển thị từ hầu như mọi tư thế mà không làm giảm chất lượng hình ảnh. Các đo đạc cho thấy ở góc nhìn lệch 70 độ, màn hình của Galaxy Tab S vẫn cho độ tương phản khoảng 80.000:1, mức cực cao so với màn hình TFT LCD ngay cả khi quan sát trực diện (khoảng 1.300:1). Ở góc nhìn 70 độ, màn hình TFT LCD chỉ có độ tương phản khoảng 100:1.
Một yếu tố không kém phần quan trọng, đó là công nghệ Super AMOLED cho phép sản xuất những màn hình cực mỏng và nhẹ. Công nghệ này sử dụng các diode tự phát sáng, loại bỏ sự cần thiết của BLU (backlight unit – đơn vị chiếu sáng nền) như trên màn hình TFT LCD, nhờ đó giảm kích thước và trọng lượng. Công nghệ này, kết hợp với diode tự phát sáng, cũng giúp giảm thiểu mức tiêu thụ năng lượng.Kết quả là chiếc Galaxy Tab S mỏng hơn, nhẹ hơn và có thời gian dùng pin lâu hơn so với các đối thủ.
Cuối cùng, một ứng dụng cực kỳ hữu ích mà chỉ công nghệ Super AMOLED mới cho phép thực hiện. Đó là chế độ Ultra Power Saving Mode (siêu tiết kiệm pin). Bằng cách tắt hết mọi ứng dụng không cần thiết, chỉ giữ lại sáu ứng dụng quan trọng nhất, và chuyển màn hình sang chế độ đen trắng, chế độ này cho phép chiếc Galaxy Tab S trụ vững tới 78 ngày liên tục chỉ với một lần sạc.
Có thể nói, với công nghệ màn hình Super AMOLED trên máy tính bảng Galaxy Tab S, Samsung đã nâng tiêu chuẩn màn hình thiết bị di động lên một tầm cao mới chưa từng có. Đây chắc chắn là một vũ khí quan trọng đầy sức mạnh, có thể giúp Samsung tiếp tục khẳng định vị trí thống trị của mình trên thị trường smartphone và tablet.