Theo lời khuyên từ người bạn địa phương, kỳ nghỉ cuối tuần của chúng tôi ở Barcelona bắt đầu tại khu vực Barrio Gotico, theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “phố Trung Cổ”. Khác với vẻ hiện đại, sôi động đặc trưng cho toàn Barcelona, cái nôi của thành phố này lại rất cổ kính và yên tĩnh.
Những đại lộ sắc màu
Đường sá ở Barrio Gotico phần lớn nhỏ hẹp nên chỉ dành cho người đi bộ. Các dinh thự và công trình tôn giáo đều xây bằng đá xám theo lối kiến trúc gothic. Phố Trung Cổ đẹp, yên ắng và bí hiểm như mê cung. Chỉ khi ra đến quảng trường Reial trồng đầy cọ, không khí náo nhiệt của một thành phố du lịch mới trở lại.
Từ đây, nhiều người ngồi chiêm ngưỡng bảo tàng mỹ thuật quốc gia Palau Nacional cả giờ đồng hồ không chán. Kiến trúc bằng sa thạch với phần chóp kim loại này thật huy hoàng trong nắng vàng và trời xanh Địa Trung Hải. Tọa lạc trên đỉnh đồi Montjuic, Palau Nacional cũng là nơi tuyệt vời để ngắm nhìn Barcelona trải dài giữa núi và biển.
Từ trên cao nhìn xuống mới thấy Barcelona quả là đa dạng về kiến trúc, trong đó nghệ thuật kiến trúc hiện đại chiếm ưu thế với rất nhiều công trình đặc sắc. Từ một Barrio Gotico khiêm tốn, đến đầu thế kỷ XVIII, Barcelona mới nhanh chóng trở thành thành phố công nghiệp đầu tiên và đông dân nhất Tây Ban Nha. Theo chân những dòng người nhập cư từ các nơi đổ về, thành phố liên tục mở rộng, nâng cấp, nhịp sống cũng ngày càng sôi động, nhiều màu sắc.
Sự pha trộn văn hóa thể hiện rõ trên nhiều đại lộ của thành phố. Đại lộ Passeig Joan de Borbó II chạy từ cảng xuống tới tận biển đi ngang qua những quán rượu sang trọng xen lẫn các quán ăn nhanh Pakistan, lễ tân đứng trước cửa nhà hàng mời mọc khách bằng cả tiếng Anh và tiếng Đức. Có bề ngoài tương phản với Passeig Joan de Borbó II là đại lộ “broadway” ngày xưa của Barcelona: Avinguda del Parallel – ngày nay là sân khấu của những người nhập cư.
Dù chính quyền thành phố đã đặt nhiều bảo tàng cũng như chi nhánh các trường đại học tại đây song vẻ hàn lâm vẫn không làm dịu bớt được vẻ náo nhiệt quá mức. Đa sắc màu nhất dĩ nhiên vẫn là El Raval, khu phố người Hoa trước đây, giờ thì dân cư từ các châu lục khác đã chiếm đa số.
Tuy nhiên, tập trung đông du khách và trai thanh gái lịch Barcelona phải kể đến La Rambas, một đại lộ thênh thang dẫn ra bờ biển. Con đường sang trọng này có nhiều biệt thự của các kiến trúc sư và nghệ sĩ thuộc trường phái Modernisme (Tân Nghệ thuật) của vùng Catalonia đầu thế kỷ XX, nổi tiếng nhất trong số đó là Antoni Gaudí – người đại diện chính cho phong cách Modernisme bay bướm, lấy cảm hứng từ những nguyên tố kiến trúc thời Trung cổ và những hình dạng trong thiên nhiên, và đồng thời gắn kết các kỹ thuật và vật liệu mới với nghệ thuật thủ công cổ điển.
Nếu muốn nhìn thấy hết vẻ đẹp và nét độc đáo của La Rambas có khi phải mất cả ngày vì quanh trục đường chính có rất nhiều phố nhỏ cũng vô cùng thú vị. La Rambas tập trung rất nhiều nghệ sĩ đường phố với những màn biểu diễn hấp dẫn. Hấp dẫn là phải thôi vì để được làm việc ở đây, các nghệ sĩ chưa tên tuổi đều phải… thi tuyển nghiêm túc. Gần đại lộ phồn hoa này có Mercat de la Boqueria, một chợ có mái che rộng thênh thang, bán đủ mọi loại thực phẩm, hải sản.
Vào chợ, chúng tôi ai nấy choáng ngợp trước mức độ giàu có về sắc màu, hình ảnh. Gọi là chợ nhưng mọi ngóc ngách đều sạch sẽ bóng bẩy. Các cô, các chị bán hải sản trang điểm và ăn mặc theo mốt mới nhất. Phụ nữ Tây Ban Nha chẳng những xinh đẹp mà còn hay cười. Trong khi nam du khách mải mê bấm máy chụp hình các bà chủ tiệm thì khách nữ chăm chú nhìn hàng mực thân trắng nõn nà, hàng tôm hùm đang bắn tanh tách, cả những con cá kiếm đang được xẻ thịt thành từng tảng đỏ thẫm cũng hấp dẫn làm sao…
Qua đến hàng trái cây và kẹo bánh đặc sản địa phương thì giỏ ai nấy cũng nặng trĩu, bánh trái món nào cũng tươi roi rói ngon lành, giá cả dễ chịu. Những ai ưa ăn đồ Tây khi lạc bước vào dãy bán thịt muối, thịt xông khói thật khó bước ra được. Từng dãy đùi heo da căng bóng, thịt đỏ au được treo kín mặt tiền cửa hàng nhìn là muốn nếm thử, mà đã nếm thử thì thật khó từ chối mua vài ba loại thịt ngon nức tiếng xứ này.
Bước ra khỏi Mercat de la Boqueria mới thấy La Rambas cũng là một cái chợ khổng lồ. Ở đây người ta có thể mua chim cảnh, cá cảnh, mèo, chuột bạch và đủ loại vật nuôi, hoa tươi, đồ lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ, các bộ sưu tập tem thư và đồng xu… Vào cuối tuần có cả chợ tranh và các tác phẩm nghệ thuật. Còn vào ngày thứ Sáu, thứ Bảy đầu tiên của tháng lại có phiên chợ mật ong, cũng là phiên bán bánh nhà làm và đủ loại bánh ngọt.
Thành phố ưa tiệc tùng
Thức khuya, dậy trễ, ngủ trưa nhiều, dân Barcelona bị cho là ưa hưởng thụ cuộc sống quá mức, bù lại được cái cởi mở và nồng nhiệt! Cứ nhìn vào mật độ quán bar dày đặc trên phố thì biết. Đa số dân đi làm khi hết giờ cứ phải lượn qua dăm ba quán rồi mới về nhà. Mỗi quán khách chỉ ngồi hơn nửa tiếng, thưởng thức vài cốc rượu vang với mấy món tapas mới rồi lại kéo bạn bè sang quán khác xem tapas bên đó hôm nay có gì lạ không.
Văn hóa ăn tapas ở đây thật có lý, chỉ ăn chừng chục miếng bánh mì bằng ô bàn cờ, tôi đã được thưởng thức bao nhiêu đặc sản của thành phố: tôm, mực, ôliu, phô mai và đặc biệt là các loại thịt muối đậm đà tuyệt vời. Cuộc sống về đêm rực rỡ sắc màu là điều khiến Barcelona thu hút được nhiều du khách thứ nhì chỉ sau Madrid.
Nói cho khách quan thì chẳng phải tự nhiên mà dân tình ở đây lại ham vui. Chẳng qua cha ông họ đã để lại cho con cháu thói quen ngủ trưa chẳng giống ai ở châu Âu: Cứ từ 3 giờ, mọi công sở, quán ăn nhà hàng, chợ búa đều đóng cửa im ỉm. Đến tận 5 giờ bà con hối hả dậy làm việc đến 8, 9 giờ rồi la cà quán xá đến 10 giờ đêm mới về nhà ăn tối!
Dù nhiều nhà kinh tế đã kêu gọi dân Barcelona bỏ thói quen ngủ trưa cho bắt kịp các nước Tây Âu nhưng chẳng ăn thua gì, phần lớn dân tình đã quen ngủ trưa cho đã để có sức… tiệc tùng sau giờ làm việc. Du khách cũng rất thích thói quen này, đến Barcelona một mình cũng chẳng thấy cô đơn, cứ ghé vào bất cứ quán bar nào trên phố lớn phố nhỏ cũng có thể tìm được ai đó sẵn lòng trò chuyện.
Bên cạnh chuyện ăn và chơi hấp dẫn đến thế, Barcelona không thiếu các điểm tham quan giúp du khách mở rộng kiến thức. Theo tuyến xe bus city tour với giá rất ưu đãi, khách có thể lang thang cả ngày trong những bảo tàng nghệ thuật – lịch sử sống động, qua Câu lạc bộ đá bóng FC Barcelona, dừng chân tĩnh tâm ở tu viện Monestir de Pedralbes – một viên ngọc kiến trúc theo phong cách gothic của vùng Catalonia.
Chúng tôi dừng lại khá lâu ở nhà thờ Expiatori de la Sagrada Familia, biểu tượng gây tranh cãi nhưng cũng đầy tự hào của Barcelona. Thánh đường có cái tên “Gia đình thần thánh” này là công trình đầy tâm huyết nhưng lại dang dở của Antoni Gaudí. Khi vị kiến trúc sư – niềm tự hào của Tây Ban Nha qua đời đột ngột năm 1926 thì nhà thờ chỉ mới xây được phần hầm mộ, hậu cung và bốn chiếc tháp trông giống như những ngôi nhà đất sét ở Bắc Phi.
Năm 1930, các học trò của ông thêm vào ba ngôi tháp. Việc hoàn thiện nhà thờ sau đó vô cùng chật vật vì nhiều ý tưởng gần với “điên rồ” của Gaudí thật khó thực hiện về mặt kỹ thuật, khi mà cha đẻ của nó đã không còn nữa. Tuy nhiên với những gì đã xây nên được, Expiatori de la Sagrada Familia đã chứng minh công trình đúng là một tuyệt tác kiến trúc, làm sang trọng hẳn bộ mặt của Barcelona. Trong khi những người lạc quan cho rằng vào năm 2040 đại giáo đường sẽ hoàn thành thì ngày ngày, Expiatori de la Sagrada Familia vẫn thu hút hàng ngàn du khách đến thăm để rồi trầm trồ và tiếc nuối…