Với tổng diện tích rơi vào khoảng 25.900km2, Rann of Kutch chiếm một phần lớn bề mặt bang Gujarat, Ấn Độ. Nó tràn qua cả Pakistan, được chia làm 2 khu vực chính là Rann of Kutch Lớn và Rann of Kutch Nhỏ. Mặt trời vừa ló dạng, cả khu vực đầm lầy muối mênh mông trắng toát sáng lên lấp lánh. Dù mặn đắng mặn chát, nó vẫn là địa điểm sinh tồn của một lực lượng đông đảo các động thực vật, bao gồm cả các loài đặc hữu độc đáo.
Lọt thỏm trong sa mạc Thar (sa mạc Đại Ấn Độ) vốn nổi tiếng là khô cằn và vĩ đại, có tổng diện tích lên tới hơn 200.000km2, Rann of Kutch là một đầm lầy theo mùa. Chỉ tới mùa hè, khi mưa lớn làm nước dâng, nó mới bị ngập và biến thành đầm lầy. Còn bình thường, khu vực này hoàn toàn khô ráo.
Đẹp đến nghẹt thở
Trong tiếng Hindi thì “Rann” có nghĩa là “sa mạc”, còn “Kutch” có nghĩa là “vừa khô, vừa ướt”. Đúng như cái tên gọi, Rann of Kutch là một vùng đất vừa ướt lại vừa khô nằm trong lòng sa mạc Đại Ấn Độ nóng bức và cằn cỗi. Nó cũng đồng thời là khu vực ngập nước lớn duy nhất trong toàn vùng Indo-Malayan. Nhờ một nửa giáp sa mạc và một nửa giáp biển, Rann of Kutch hình thành một hệ sinh thái đa dạng, bao gồm từ thảm thực vật sa mạc đến đồng cỏ, đầm lầy, rừng nước lợ, rừng ngập mặn…
Cái độc đáo của Rann of Kutch là quang cảnh đẹp huy hoàng. Trải ngút tầm mắt là đồng muối trắng tinh khiết, sáng lên lấp lánh. Suốt mùa đông, toàn Rann of Kutch khô khốc vì thiếu nước. Nhưng cũng chính trong cái tiết trời hanh giá, có lúc xuống âm độ C này, Rann of Kutch mới phô bày vẻ đẹp rạng rỡ nhất. Thay vì tuyết, mặt đất dược phủ trắng muối khô. Lúc trăng tròn lên, bạn sẽ được chứng kiến một cảnh tượng đẹp siêu thực đến nghẹt thở. Hằng hà sa số những hạt muối trắng trong bắt ánh trăng tỏ, nom tựa hồ như đã lôi toàn bộ sao trời xuống mặt đất vậy. Không như nắng mặt trời rạo rực, ánh trăng bộc lộ nét thanh tao mê hoặc. Nó biến toàn bộ Rann of Kutch thành một mảnh đất thần tiên mơ màng.
Khi ngày sang, lúc vầng dương mỗi lúc một cao, “thế giới cổ tích” cũng biến mất. Tuy nhiên, Rann of Kutch không vì thế mà xấu đi. Trái lại, nó còn rực rỡ tới lóa mắt. Bất kể là khi bình minh, giữa trưa hay chiều tàn, đồng muối ngoài 25.900km2 này vẫn hớp hồn du khách, khiến ai nấy ngắm mãi không chán.
Hè về, khi mưa mỗi ngày một nhiều, nước mới bắt đầu dâng, biến Rann of Kutch thành đầm lầy. Tuy thế giới muối trắng muốt, quyến rũ mê hồn không còn nữa nhưng đổi lại, bạn có thể tận mắt chiêm ngưỡng sự sống rộn ràng trên chính cái sa mạc mặn chát tưởng vắng bóng sự sống này.
Tấp nập sự sống hoang dã
Mặc dù nằm trong sa mạc nhưng Rann of Kutch lại có lắm dòng sông chảy qua trước khi đổ vào vịnh Kutch, hình thành những cửa sông giàu sự sống trên hai bờ. Chúng bao gồm Luni, Bhuki, Bharud, Nara, Kharod, Banas, Sarswati, Rupen, Bambhan và Machchhu. Sang hè, các dòng sông bắt đầu tràn nước. Vốn dĩ, Rann of Kutch chỉ nằm trên độ cao trung bình là 15m so với mực nước biển. Khi mưa trút mỗi lúc một nhiều, tất cả các khu vực trũng của nó đều ngập lụt, thoắt chốc đã từ sa mạc muối trở thành đầm lầy mặn.
Chớp cơ hội, cỏ mọc hàng loạt, tạo thành những cánh đồng xanh mênh mông. Gần các cửa sông, Rann of Kutch còn hình thành cả rừng nước mặn và rừng nước lợ. Bất chấp nhiệt độ có khi lên đến gần chạm mức 50oC, động vật hoang dã vẫn nô nức kéo nhau về. Trong vùng Rann of Kutch Lớn, các đảo nhỏ cao hơn mặt bằng một chút như nổi lên trên mặt nước. Đám cây cối tốt tươi, rậm rạp nhanh chóng biến thành nhà của vô số loài chim. Ngay cả lừa hoang Ấn Độ trên các vùng cao cũng liều mình rủ nhau xuống, hạnh phúc ngấu nghiến đám cỏ non mơn mởn.
Nhờ mùa hè ngập nước, Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Sa mạc Kutch nuôi dưỡng cả hàng ngàn con hồng hạc lớn (Phoenbestus roseus). Riêng Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Ấn Độ còn cung cấp vốn sống cho những 93 loài động vật không xương sống, 29 loài bò sát, 33 loài thú có vú cùng nhiều nhà động vật khác. Ngoài chúng, trong Rann of Kutch còn nhiều khu bảo tồn khác, ví dụ như Narayan Sarovar, Banni, Chari-Dhand…
Rời Rann of Kutch Lớn sang Rann of Kutch Nhỏ, bạn sẽ được chứng kiến một sức sống mạnh mẽ bất ngờ. Không như Rann of Kutch Lớn trũng, mặn, thường xuyên ngập lụt khi mưa về, Rann of Kutch Nhỏ nằm ở vị trí cao hơn và rất ít muối. Tất nhiên, nó cũng giàu có sự sống hơn hẳn. Rất dễ để chiêm ngưỡng các loài chim xinh đẹp cũng như các nhà động vật hoang dã khác. Khắp Rann of Kutch, các loài thuộc giống lông vũ đua nhau hót vang. Bất chấp gió sa mạc thổi ào ạt, những âm thanh ngọt ngào, thanh thoát ấy vẫn liên tục réo rắt. Thỉnh thoảng, trên nền trời xanh ngắt còn xuất hiện từng đàn cò lớn. Trong đồng cỏ Banni bát ngát, bạn có thể chiêm ngưỡng cả 250 loài chim, trong đó có hồng hạc, sếu và cò thìa nổi danh. Đặc biệt, Rann of Kutch Nhỏ còn “giàu” các loài thú săn mồi như mèo sa mạc, chó sói, cáo…
Tàn tích văn minh cổ xưa và cung điện hiện đại
Rời khu vực hoang dã, hướng về nơi có dấu vết sự sống của con người trong Rann of Kutch, Dholavira sẽ hiện ra trước mặt. Đó là một địa điểm khảo cổ nổi bật nằm ở Khadirbet, Kutch, Gujarat, từng là một thành đô sầm uất thời cổ đại, được hình thành trong khoảng 2650-2550 trước Công nguyên.
Tọa lạc trên một vùng đất cao của Rann of Kutch Lớn, Dholavira bao phủ cả một diện tích hơn 100ha. Đặc biệt, nó được xây dựng một cách có quy hoạch, là một kiểu thành phòng thủ điển hình. Thú vị là trong Dholavira có khá nhiều hồ chứa nước cùng hệ thống kênh đào, máng dẫn nước cực kỳ ấn tượng. Chí ít thì trong thành cũng có 16 hồ chứa nước lớn, rộng khoảng 79m và sâu chừng 7m. Ngoài ra, nó còn có 1 giếng sâu và nhiều bể tắm công cộng.
Mùa đông, xung quanh Dholavira hoàn toàn vắng lặng. Toàn khu tàn tích như nổi lên trên cái nền muối trắng toát. Trải ngút tầm mắt cũng không có gì ngoài sa mạc trắng. Ngoại trừ tiếng gió thi thoảng thì thào, Dholavira bặt không một âm thanh. Nó khiến bạn cảm thấy như bị đưa đến một thế giới hoàn toàn khác.
Tiến về phía Tây Nam, nơi có bãi biển Mandvi xinh đẹp trải dài, bạn còn được tận mắt ngắm nhìn cung điện mùa hè lừng tiếng Vijay Vilas được xây dựng vào năm 1920, dưới triều đại của Maharao Shri Khengarji Đệ tam và hoàn thành vào năm 1929.
Điểm độc đáo của Vijay Vilas là nó được xây dựng bằng sa thạch đỏ. Không chỉ thế, lâu đài này còn là tập hợp của toàn bộ các đặc trưng kiến trúc cung đình Rajput. Ngoài ra, nó còn được bao bọc bởi một khu vườn lộng lẫy, rộng đến hơn 182ha. Từ du khách thăm quan cho tới các nhà nghiên cứu địa chất, kiến trúc, sinh vật học, thậm chí là cả các nhà thiết kế thời trang, blogger… cũng đều bị hấp dẫn. Và dẫu đậm phong cách cổ xưa, Vijay Vilas rất hiện đại, có đầy đủ các tiện nghi tân tiến nhất. Hiện nay, nó là nhà ở của tầng lớp hoàng gia Kutch.
Nhờ có nguồn muối tự nhiên dồi dào, các cư dân xung quanh Rann of Kutch sống chủ yếu dựa vào nghề canh tác muối. Tính ra, đồng bằng này cung cấp những 25% sản lượng muối của Ấn Độ.