Gần đây, Tuần lễ Thời trang London của Vương quốc Anh đã quyết tâm từ bỏ mảng trang phục lông thú. Điều ấy lập tức được hoan nghênh nhiệt liệt. Về thực chất, trong nhiều năm qua, thời trang lông thú liên tục phải đối mặt với vấn đề đạo đức. Sau Tuần lễ Thời trang London, thành phố Los Angeles của Mỹ cũng bỏ phiếu cấm buôn bán các mặt hàng lông thú. Có vẻ như ngày tàn thật sự của mặt hàng lắm nỗi tàn nhẫn này cuối cùng cũng đã tới.
1. Cái chết nhanh chóng
Do sự vận động của các nhà bảo vệ, bảo tồn động vật, hiện nay đang ngày càng có nhiều người hơn sẵn lòng từ bỏ ham muốn sở hữu một bộ cánh xa xỉ may bằng lông thú thật. Từ tuần này sang tuần khác, các hãng thời trang danh tiếng như Gucci, Michael Kors, Tom Ford, John Galliano, Maison Margiela, Jimmy Choo, Versace… liên tục loại lông thú ra khỏi danh sách nguyên liệu sáng tạo. Bắt đầu từ tháng 6.2017, khi “gã khổng lồ” Yoox Net-a-Porter, chuyên buôn bán những sản phẩm xa xỉ hàng đầu của Ý quyết định khai trừ các mặt hàng lông thú, cái chết của thời trang lông thú cũng điểm.
Đến tháng 10.2017, trong một buổi trò chuyện với sinh viên Trường Cao đẳng Thời trang London, giám đốc điều hành của Gucci, ông Marco Bizzarri lên tiếng hỏi: “Các bạn có cho rằng dùng lông thú bây giờ vẫn còn là hiện đại không? Tôi thì không nghĩ như vậy. Và đó là lý do tại sao công ty của chúng tôi cũng sẽ không tiếp tục làm điều ấy nữa”. Chính với tuyên bố này của Bizzarri, thời trang lông thú thật sự… chết hẳn.
Quả thực, nếu đã từng chứng kiến quy trình sản xuất lông thú từ những bộ da động vật hoang dã đang sống khỏe mạnh, bạn sẽ đánh mất tham vọng sở hữu một sản phẩm từ lông thú thật. “Vô đạo đức, độc áo, dã man”, đó là những đánh giá quen thuộc. Chính bởi vì thế mà “mọi người không còn muốn có áo lông thú nữa”, Wendy Higgins, giám đốc truyền thông của Hội Nhân đạo Quốc tế (Mỹ), khẳng định. Và chính sự thay đổi trong nhận thức từ các thương hiệu quốc tế nổi danh, ví dụ như Gucci, đã tạo ra một hiệu ứng domino kỳ diệu nhất.
2. Khó khăn khi chuyển đổi
“Tôi cũng đổi đội”, Kym Canter, giám đốc sáng tạo của thương hiệu J Mendel thoải mái thừa nhận. Trước đây, bà từng là một người “nghiện” trang phục lông thú nhưng bây giờ, Canter tự mở một công ty lông thú giả, House of Fluff. “Tôi từng rất mê mẩn những chiếc áo khoác lông thú thật của mình. Và rồi đến một ngày, tôi bất chợt nhật ra điều ấy thật điên khùng. Mình là một người yêu động vật cơ mà. Vậy nhưng lại đi mặc những cái áo, chiếc quần không hề đúng với quy tắc đạo đức của bản thân hay sao”.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm một nguyên liệu thay thế không hề dễ dàng. Ngay cả lông cừu Mông Cổ đắt giá cũng không thể tạo ra cảm nhận cao sang như lông thú. Điều đó cũng là những gì Hannah Weiland, người sáng lập thương hiệu Shrimps nhận ra. “Khi tôi ra mắt thời trang lông thú giả vào năm 2013, các sản phẩm đã chẳng để lại được chút ấn tượng tốt đẹp nào cả”, cô nhớ lại. “Mọi người đều nhìn ra sự giả tạo và thất vọng. Và nó càng khiến cho quyết tâm từ bỏ lông thú thật bị lung lay”.
Từ xưa, trang phục lông thú đã là thước đo sự giàu sang. Nó cần cả vật liệu siêu đẹp lẫn tiêu chuẩn thiết kế siêu cao. Dù có nhiều nghiên cứu chỉ ra hoạt động sản xuất lông thú gây hại cho môi trường, chúng ta vẫn không thể phủ nhận tác dụng thẩm mỹ cũng như lịch sử lâu dài của ngành thời trang này.
3. Các hướng mới đầy triển vọng
Bất chấp thực tiễn chuyển đổi không dễ dàng, các nhà bảo tồn vẫn tích cực vận động. Ngành công nghiệp sản xuất lông thú không chỉ đang khiến lượng khí thải CO2 gia tăng, mà còn nhuộm lông thú bằng cả mớ hổ lốn hóa chất có hại. Vì thế, trang phục lông thú không chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn liên quan đến cả sức khỏe của con người. Trái lại, lông thú giả được chế tạo từ sợi tổng hợp modacrylic thân thiện với môi trường vừa mềm mại, đàn hồi, vừa không gây dị ứng hay bị mủn mục. Trong tay của các nhà thiết kế xuất sắc, nó sớm biến thành những trang phục đẹp mê hồn.
Từ House of Fluff của Canter, các trang phục lông thú giả bắt đầu chiếm lĩnh sàn diễn, đánh bật thời trang lông thú thật. Để chuẩn bị cho thu, đông năm nay, các thương hiệu lớn đã sẵn sàng cho ra mắt những chiếc áo khoác giả lông thú lộng lẫy hơn bao giờ hết. Họ đang chứng minh rằng ngay cả lông cừu cũng có thể đem lại vẻ kiêu sa không kém gì lông thú. Đặc biệt là với sợi tổng hợp. Nhờ công nghệ sinh học mỗi ngày một tiến bộ vượt bậc, người ta đã có thể giả lông thú đến mức hoàn hảo.
Ngoài ra, một số nhà thiết kế còn tham gia nghiên cứu, phát triển sợi tự nhiên từ thực vật. Theo họ, đây là giải pháp vừa an toàn vừa giảm giá thành hiệu quả nhất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mỗi ngày một có nhiều loại sợi tổng hợp giả lông thú hơn chào đời. “Chúng tôi đang rất háo hức với việc giới thiệu chúng trên sàn diễn”, Canter hồ hởi. Hiện nay, bà đang hợp tác với một số nhà hóa học vì mục tiêu tạo ra những “bộ lông giả thân thiện với trái đất hơn tất cả”. “Chúng tôi cam kết sẽ biến mong đợi thành sự thật”, Canter hứa hẹn. Với nỗ lực không ngừng nghỉ của họ, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào một tương lai an toàn hơn cho động vật trên hành tinh.