Tháng 12-2014, một loạt bốn bộ phim Việt Nam ra mắt lần lượt vào mùa phim vốn từng là “địa bàn” của các bom tấn Hollywood trong vài năm trước, khẳng định một lần nữa mùa phim Việt nay không chỉ gói gọn trong mùa Tết Nguyên đán mà đã mở rộng sang cả mùa Giáng sinh và Tết Dương lịch. Tín hiệu vui không chỉ dừng ở đó.
Năm của những kỷ lục doanh thu
Nếu năm 2012 là một năm đánh dấu “mỗi tháng ít nhất một phim Việt ra rạp”, để rồi năm 2013 lại là một năm “đeo tang” cho điện ảnh nước nhà với lệnh cấm phát hành dành cho Bụi đời chợ lớn và sự thất bại nặng nề về doanh thu của phim độc lập Đường đua lẫn phim bom tấn Lửa Phật, thì năm 2014 là một năm thăng hoa của điện ảnh Việt Nam với “những cột mốc kỷ lục bị phá vỡ”. Có tổng cộng 24 phim Việt Nam đã được công chiếu thương mại tại thị trường Việt Nam trong năm 2014. Mở màn với bộ phim kinh dị hài tình cảm Quả tim máu (Galaxy sản xuất và phát hành) của đạo diễn Victor Vũ và nam diễn viên Thái Hòa ra mắt chỉ một tháng sau khi bộ phim hài hành trình cũng với diễn xuất của Thái Hòa do Charlie Nguyễn đạo diễn, Tèo Em (Chánh Phương sản xuất, CGV phát hành) làm mưa làm gió ở phòng vé với hàng loạt kỷ lục về doanh thu được thiết lập. CảQuả tim máu lẫn Tèo Em đều đạt doanh thu khủng (trên dưới 85 tỉ đồng), qua mặt cả bom tấn ăn khách nhất của Hollywood trong năm qua, Transformers 4, tại thị trường Việt Nam.
Những kỷ lục này cũng tiếp tục bị phá vỡ khi bộ phim Để mai tính 2, cũng do nam diễn viên Thái Hòa thủ vai chính, ra mắt vào cuối năm 2014 khi chỉ trong ngày đầu tiên công chiếu đã thu về 5,7 tỉ đồng, và trong ba tuần đã thu về 90 tỉ đồng. Để mai tính 2 cũng là dự án hợp tác sản xuất đầu tiên của CJ E&M vào thị trường Việt Nam, trong chiến lược đầu tư vào thị trường phim nội địa của tập đoàn phim Hàn Quốc này.
Trước khi CJ E&M bước vào sân chơi điện ảnh Việt Nam, tập đoàn rạp chiếu bóng CGV, cũng nằm dưới công ty mẹ CJ của Hàn Quốc, đã mua lại hệ thống rạp chiếu phim của MegaStar và phát triển nhiều cụm rạp mới ở Việt Nam trong năm 2014 để trở thành hệ thống chiếu bóng lớn nhất Việt Nam (với 21 cụm rạp, 139 phòng chiếu trong cả nước). Không chỉ CGV đang mở rộng quy mô của mình, các hệ thống rạp khác như Galaxy, BHD, Lotte cũng đang mở rộng địa bàn, cùng với sự ra đời rải rác của một số rạp chiếu bóng tư nhân trong cả nước như rạp Empire (Bình Dương), Beta Cineplex (Thái Nguyên), rạp chiếu của Phước Sang (TP.HCM), đã góp phần nâng con số doanh thu phòng vé mỗi năm một cao hơn.
Đa dạng và phong phú
Năm 2014 cũng đánh dấu một năm đa dạng và phong phú về thể loại và đề tài phim, từ phim kinh dị (Quả tim máu, Đoạt hồn, Chung cư ma) đến phim hài (Hên mà xui, Để mai tính 2), từ hồi hộp (Scandal: Hào quang trở lại) đến võ hiệp kỳ tình (Hiệp sĩ mù), từ chuyện tình đồng tính (Lạc giới) đến chuyện đua xe báo thù (Tốc độ và đường cong), từ phim dựa vào những nhân vật có thân trong gangster băng đảng (Hương ga) đến phim lấy cảm hứng từ ca sĩ Wanbi (Chàng trai năm ấy).Khán giả cũng đi xem đủ thể loại phim, và cũng quay lưng với đủ kiểu phim. Có phim chạy theo sự kiện giật gân về án mạng thẩm mỹ viện Cát Tường cũng rời rạp sớm, có phim làm lại kịch bản của phim hài tình cảm giới trẻ Thái cũng lặng lẽ ra rạp rồi lặng lẽ ngừng chiếu, cũng có phim rùm beng quảng bá với đủ chiêu trò khi công chiếu, nhưng vẫn không thể thu nổi tiền vốn bỏ ra.
Năm 2014 cũng đánh dấu sự tham gia của hàng loạt tên tuổi hãng phim mới. “Lãnh địa” sản xuất phim không chỉ còn gói gọn những cái tên quen thuộc như Galaxy, BHD, Chánh Phương hay HKFilms v.v… nữa, mà bắt đầu xuất hiện những hãng phim mới, không ít trong số đó đã kịp ghi dấu ấn trong lần xuất quân đầu tiên: Wepro từ lĩnh vực âm nhạc đã chuyển hướng sang điện ảnh với phim Thần tượng ra mắt vào cuối năm 2013, và tiếp tục tạo nên sự kiện điện ảnh trong nước với Chàng trai năm ấy vào cuối năm 2014; Vi-Phim từng trình làng với Lấy chồng người ta của đạo diễn Lưu Huỳnh hai năm trước đã quay lại với Tốc độ và đường cong của đạo diễn trẻ Phan Minh cũng vào cuối năm 2014; “tân binh” Skyline giới thiệu tác phẩm đầu tiên của họ, cũng là tác phẩm điện ảnh đầu tiên tại Việt Nam của đạo diễn Việt kiều Văn Phạm, Chung cư ma; Metal Films với định hướng làm lại và hợp tác với điện ảnh Thái v.v…
Và sự tìm kiếm những lối đi khác
Vào cuối năm 2014, một sự kiện điện ảnh độc đáo lần đầu tiên ở Việt Nam đem đến cho người yêu phim một tín hiệu vui, khi bộ phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng được hãng phim Xanh phát hành theo lối độc lập. Hãng phim Xanh tìm đến những không gian chiếu phim nhỏ, vừa phải để trình chiếu bộ phim tài liệu về những người chuyển giới trong những gánh lô tô rong ruổi khắp nước. Bộ phim nhỏ của đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm đã làm rung động những khán giả xem phim này trong buổi chiếu ra mắt thân mật, để rồi chính những khán giả này trở thành kênh quảng bá hiệu quả cho bộ phim, khi không ít trong số họ là những người có ảnh hưởng với xã hội. Khán giả phải đặt chỗ mua vé trước, và khi các suất chiếu đã đầy kín, hãng phim Xanh lại tăng thêm suất chiếu, mở rộng địa bàn chiếu ra, ban đầu chỉ ở TP.HCM, sau đem phim ra Hà Nội, ban đầu chỉở các hội trường, sau đường hoàng ra rạp CGV.
Sau sự thành công của Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng là bộ phim truyện điện ảnh đầu tay của nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Đập cánh giữa không trung, cũng tìm đường ra rạp bằng cách tự phát hành sau khi chu du khắp các liên hoan phim quốc tế với không ít giải thưởng đáng nể (mở đầu là giải thưởng Phim hay nhất của Tuần lễ phê bình phim tại LHP Venice). Cùng với sự ra mắt của Đập cánh giữa không trung là sự kiện khai trương chương trình Arthouse của hệ thống rạp CGV với mong muốn hỗ trợ cho điện ảnh độc lập Việt Nam.
Đây cũng là năm nhiều đạo diễn trẻ có cơ hội giới thiệu tác phẩm phim dài đầu tay của họ hơn những năm khác: ngoài Nguyễn Thị Thắm, Nguyễn Hoàng Điệp, Phan Minh còn có Bùi Kim Quy (Người truyền giống), Ethan Thành (Xui mà hên), Đỗ Thành An (Mất xác) v.v…
Bước ra thế giới
Năm 2014 không chỉ đánh dấu kỷ lục về doanh thu, mà còn là một năm đánh dấu sự thành công của điện ảnh Việt Nam tại các LHP quốc tế, được “xông đất đầu năm” với bộ phim Nước 2030 của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh có mặt tại chương trình Toàn cảnh của LHP Berlin hồi đầu năm 2014. Sau đó, bộ phim Đập cánh giữa không trung của Nguyễn Hoàng Điệp đem về cho Việt Nam niềm tự hào khi đoạt giải tại LHP Venice, và hai bộ phim này cùng với hai bộ phim Việt Nam khác, gồm Dịu dàng của đạo diễn Lê Văn Kiệt và Người truyền giống của Bùi Kim Quy tiếp tục ghi dấu ấn Việt Nam mạnh mẽ tại LHP Pusan của Hàn Quốc.
Và mong đợi 2015
Chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2015, CGV khai trương ba hệ thống rạp mới, BHD mở thêm cụm rạp Phạm Hùng, bộ phim Cha và con và… của đạo diễn Phan Đăng Di được chọn vào vòng tranh giải chính thức của LHP Berlin, đánh dấu cột mốc phim Việt Nam đầu tiên có vinh dự này… là những tín hiệu vui đầu năm. Ngay sau đó, khán giả Việt Nam sẽ được xem cuộc “đấu” của năm phim Việt Nam cùng ra rạp trong mùa Tết 2015, với hai bom tấn Siêu nhân X của Nguyễn Quang Dũng và Ngày nảy ngày nay của Cường Ngô hứa hẹn đầu tư kỹ xảo đẹp mắt và chất lượng. Một loạt dự án điện ảnh của các đạo diễn phim đầu tay cũng chuẩn bị ra mắt hoặc bấm máy, nhưMa dai của Đỗ Đức Thịnh, Sơn đẹp trai của Trương Quang Thịnh, Chuyện người mạng Thủy của Tạ Nguyên Hiệp, Ngủ với hồn ma của Bá Vũ… Với những sự kiện sôi động của thị trường điện ảnh vào đầu năm này, năm 2015 lại hứa hẹn là một năm đầy lạc quan của điện ảnh Việt.
Nhật Linh (DNSGCT)