Sáng kiến đã nhận được sự cam kết đóng góp 1,5 tỉ USD từ Úc, Bangladesh, Đan Mạch, Nam Phi và Đông Timor. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là muốn tất cả trẻ em đều được theo học bậc tiểu học và tiến đến một bậc học cao hơn giúp chúng thành công trong cuộc sống”. Một trong tám mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc là đạt được một nền giáo dục phổ cập cho trẻ em trên thế giới, cùng với việc triệt tiêu nạn nghèo đói cùng cực, giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ em, dẫn đến loại bỏ căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và tăng cường sức khỏe các bà mẹ. Theo ông Ban, sáng kiến “Giáo dục trước tiên” sẽ tạo ra một bước đột phá nhằm huy động mọi nguồn lực của các quốc gia hội viên Liên Hiệp Quốc nhằm đạt được mục tiêu đề ra trước năm 2015.
Tình nguyện viên phương Tây hoạt động tại châu Phi
Ngay từ những ngày đầu tiên, “Giáo dục trước tiên” đã nhận được nhiều hồi âm đáng khích lệ. Nguyên Thủ tướng Anh Gordon Brown, hiện là Đặc phái viên về giáo dục của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đề nghị thiết lập Quỹ Giáo dục Toàn cầu như mô hình Quỹ Sức khỏe toàn cầu đã đạt được những thành tựu vượt bậc trong việc tiêu diệt hay đối phó với các bệnh lao, HIV/AIDS, sốt bại liệt và sốt rét. Bên cạnh năm nước có những cam kết đóng góp kể trên, hàng chục tập đoàn và tổ chức tư nhân cũng sẽ huy động được hơn 1,5 tỉ USD cho sáng kiến “Giáo dục trước tiên”. Tập đoàn Wester Union cam kết trực tiếp huy động hơn 1 tỉ USD, tiến dần đến mức có thể cung cấp mỗi ngày 10 ngàn USD cho một triệu ngày học. Chương trình học bổng của Tập đoàn tài chính đa quốc gia MasterCard dành 500 triệu USD cho 15 ngàn học sinh, sinh viên giỏi đang gặp khó khăn, đặc biệt ở khu vực châu Phi, giúp các em có điều kiện hoàn tất bậc trung và đại học.
Trong thời gian qua, các nỗ lực quốc tế đã mang lại nhiều thành quả đáng phấn khởi, từ con số 108 triệu trẻ em không được đến trường vào thập niên 1990, nay chỉ còn 61 triệu em. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức, như sự cách biệt về giới tính do một số nước chú trọng việc học của nam nhiều hơn nữ, sự đói nghèo buộc nhiều trẻ em phải bỏ học kiếm sống, các cuộc xung đột vũ trang khiến các em không được đến trường… Trong một cuộc tiếp xúc công khai, đệ nhất phu nhân Qatar, bà Moza bint Nasser, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cần hành động để có thể mang một nền giáo dục tiểu học có chất lượng cho các trẻ em đang sống trong những khu vực có xung đột hay phải chịu đựng những thử thách khắc nghiệt của môi trường. Nasser cho biết vào tháng 11 tới, bà sẽ đưa thêm sáng kiến mới giúp 61 triệu em thất học có điều kiện đến trường. Về phần mình, hoàng hậu Rania Al-Abdullah của Jordan khẳng định sự thụ hưởng giáo dục vốn là một trong những quyền cơ bản của con người, nay cần được ưu tiên hàng đầu trong các chính sách phát triển của cộng đồng thế giới.
Lê Nguyễn tổng hợp