Các chuyên gia tư vấn cao cấp về công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đã bắt đầu khóa đào tạo tại Hàn Quốc. Chương trình kéo dài trong 14 tuần, trong đó có bốn tuần học lý thuyết tại Hàn Quốc và 10 tuần thực hành tại Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên, Samsung Việt Nam phối hợp với Bộ Công thương đưa chuyên gia công nghiệp phụ trợ của Việt Nam sang Hàn Quốc để đào tạo cao cấp, nhằm xây dựng đội ngũ chuyên gia chủ chốt đóng vai trò quan trọng trong quá trình vận hành chủ động và bền vững chương trình tư vấn nâng cao năng lực các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Khóa đào tạo cao cấp chính thức diễn ra trong thời gian 14 tuần, với bốn tuần lý thuyết tại Hàn Quốc và 10 tuần thực hành tư vấn với các doanh nghiệp tiềm năng tại Việt Nam.
Trong thời gian tại Hàn Quốc, bên cạnh các nội dung chuyên sâu về quản lý chất lượng, cách thức tổ chức và lập kế hoạch tư vấn tổng thể cho doanh nghiệp, các học viên sẽ đến thăm và học hỏi quy trình sản xuất hiện đại hàng đầu thế giới từ các nhà máy Samsung tại Suwon, Gumi, Kwangju cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ khác của Hàn Quốc đã đạt nhiều triển vọng thông qua các chương trình hợp tác tương tự giữa Samsung và Viện Chấn hưng công nghệ công nghiệp Hàn Quốc (KIAT).
Theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, Samsung luôn cam kết chủ động đóng vai trò là một trong những “đầu tàu” để phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Năm 2018, đã có 95 chuyên gia tư vấn Việt Nam về công nghiệp phụ trợ hoàn thành khóa đào tạo trên tổng số 200 chuyên gia sẽ được đào tạo trong hai năm 2018 và 2019.
Theo đúng kế hoạch, tiếp nối chương trình đào tạo chuyên gia công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, 30% học viên xuất sắc nhất, tương đương với khoảng 60 chuyên gia, sẽ được cử sang Hàn Quốc để tiếp tục đào tạo chuyên sâu.
Đây là những cán bộ chủ chốt sẽ đóng vai trò là giảng viên đào tạo cho những khóa học trong tương lai, qua đó, nhân rộng mạng lưới chuyên gia tư vấn của Việt Nam và chủ động vận hành chương trình hỗ trợ tự vấn doanh nghiệp phụ trợ trong dài hạn.
Khóa đào tạo cao cấp đầu tiên tại Hàn Quốc lần này bao gồm 14 chuyên gia là các tiến sĩ từ các trường đại học và các cán bộ Chính phủ chuyên trách về công nghiệp phụ trợ từ các tỉnh thành như TP.HCM, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc.
Song song với những nỗ lực đồng hành cùng chính phủ Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nói chung, Samsung cũng không ngừng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thông qua quá trình chủ động tìm kiếm và kết nối với các nhà cung ứng Việt.
Năm 2018, tỷ lệ nội địa hóa của Samsung đạt 59%, số doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung đạt 35 doanh nghiệp và dự kiến tăng lên 50 doanh nghiệp vào năm 2020.