Hồn quê luôn vương vấn trong tâm trí người xa quê, để lại một nỗi nhớ dai dẳng, triền miên. Đó là những hoài niệm thời thơ ấu, trò tắm sông của tụi trẻ con, là món ăn dân dã của mẹ, câu đồng dao của bà, hình ảnh cánh đồng làng lúa xanh mơn mởn, vườn cây trái thơm ngon hay cây hoa gạo cuối làng nở hoa đỏ rực… Những điều thật bình dị và mộc mạc này đã được nhà văn Hồ Huy Sơn gửi gắm qua 25 câu chuyện ngắn trong quyển sách Đi qua những mùa vàng.
Cuốn sách nhỏ này sẽ là một “chiếc vé về với tuổi thơ”, về với những buổi trưa mùa hè trời nắng như đổ lửa, trốn ngủ trưa, trốn cha mẹ đi tắm sông là một niềm vui lớn của tụi trẻ con. Rồi rủ nhau bắt tôm, mò trứng vịt đẻ rớt dưới đáy sông, để rồi vừa thưởng thức “chiến lợi phẩm”, vừa cười đùa ríu rít… Rồi đêm đến, tôi ôm chiếc gối nhỏ ra nằm cạnh bà trên chiếc chõng tre ngoài hiên, nghe bà kể chuyện các ngôi sao, chuyện cổ tích, và bà dạy tôi hát đồng dao. Ánh trăng như sáng hơn, thêm lung linh huyền ảo. Mùa gặt đến, cánh đồng lại rộn ràng âm thanh của tiếng người cười nói, trộn lẫn tiếng chọc ghẹo của lũ trẻ. Còn nhớ mùa gặt năm đó, một bà cụ đã dạy tôi “hạt lúa là hạt vàng”, để từ đó tôi biết quý trọng hơn những hạt lúa được làm ra từ nắng mưa, từ những giọt mồ hôi nóng hổi. Mẹ ngày ngày lam lũ trên ruộng đồng, nào cuốc đất, cấy trồng rồi bón phân, thu hoạch… để có những mùa vàng bội thu. Kể làm sao hết được những gian nan, vất vả mẹ đã nhận về để con đường con đi học được bằng phẳng, dễ dàng. Chỉ biết rằng càng ngày mái đầu của mẹ càng có nhiều sợi bạc, bàn chân chim chằng chịt đường nứt nẻ và đôi vai thêm chùng xuống. Và tất cả những bức tranh ký ức ấy càng trở nên gần gũi và đáng yêu hơn qua những hình minh họa được vẽ bằng nét chì mộc mạc, trong sáng.
Sách được phát hành tại Nhà xuất bản Kim Đồng và các nhà sách trên toàn quốc. Giá bán: 25.000 đồng.