Trung tuần tháng 10-2018, Anbooks kỷ niệm ba năm thành lập với sự ra đời của cuốn sách Nhìn lại, thấy xa hơn của tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, dày 700 trang và không dễ đọc chút nào. Với cách làm sách “không giống ai”, trong ba năm Anbooks chỉ xuất bản hơn mười đầu sách, đa số tác giả là những người bạn đọc chưa từng biết đến. Thay vào đó, công ty sách này đã thực hiện khoảng 50 chương trình talkshow tại 50 trường đại học, cao đẳng và phổ thông trung học, cùng khoảng 30 chương trình tọa đàm chuyên đề cho các phụ huynh, giáo viên và các sở ban ngành có liên quan đến nội dung từ các cuốn sách.
Theo đuổi giá trị tình thương
“Việc sách dày hay mỏng, tác giả có được đông đảo bạn đọc biết đến hay chưa, thực sự không quan trọng. Anbooks chỉ lựa chọn giá trị phù hợp và sẵn lòng bỏ công sức của mình để khai triển, giới thiệu các giá trị ấy đến với cộng đồng”, Ngô Phương Thảo, Giám đốc Anbooks cho biết.
Giá trị mà Anbooks theo đuổi chính là phát triển tình thương giữa người với người, giữa người với chính mình, và giữa người với vạn vật xung quanh. “Chúng tôi cũng theo đuổi một năng lực học hỏi không ngừng nghỉ, giữ cho mình độ mở trong tư duy và sự hài hòa trong đời sống nội tâm. Chúng tôi biết rằng điều này là không dễ dàng có được và là một giá trị đòi hỏi nhiều nỗ lực cũng như cam kết với chính bản thân mình, nhưng đó chính là giá trị cần thiết để chúng tôi có thể theo đuổi giữ vững triết lý của công ty. Chúng tôi cũng tìm được sự tương đồng với một số tác giả ở điều này”.
Có thể thấy Anbooks không chỉ làm sách mà làm công việc của người chuyển tải thông điệp từ sách, từ tác giả, đến với cộng đồng bằng cách tập trung vào những giá trị mà sách mang lại cho độc giả ở tính ứng dụng vào thực tiễn đời sống, tìm những yếu tố gây khó khăn, cản trở giữa độc giả với việc áp dụng những gì đã viết trong sách vào thực tiễn. “Muốn làm được điều này, việc đầu tiên là thông điệp mà tác giả đưa ra trong cuốn sách của mình phải là thông điệp cần cho xã hội trong thời điểm này, những kiến thức và giá trị họ đưa ra phải có giá trị để tham chiếu, soi chiếu cho đời sống xã hội hiện nay. Việc thứ hai là các tác giả ấy thực sự đang ở trong giai đoạn muốn cống hiến cho cộng đồng, thực sự dành một phần thời gian và sức lực của mình để “vác tù và hàng tổng”. Vì với một công ty nhỏ xíu Anbooks, chúng tôi hoàn toàn không có kinh phí để trả cho họ những thù lao tương xứng với kinh nghiệm chuyên môn của họ hay thời gian của họ dành cho công việc này”, Ngô Phương Thảo nói.
Chính những giá trị tốt đẹp Anbooks theo đuổi đã nhận được niềm tin cũng như sự cổ vũ từ độc giả. Khi Quảy gánh băng đồng ra thế giới – cuốn sách đầu tiên của Anbooks – đến tay các bạn sinh viên trong chương trình Bật nút công dân toàn cầu do diễn giả – tác giả Nguyễn Phi Vân dẫn dắt, Giám đốc Anbooks đã nhận được tin nhắn cảm ơn từ các bạn sinh viên ngay khi vừa rời Rạch Giá, An Giang, Kiên Giang trở lại TP. Hồ Chí Minh. “Những giọt nước mắt của các em, những cái bắt tay thật chặt của những thầy cô giáo, đối tác nhiều tâm huyết với giáo dục, khiến chúng tôi tin rằng mình đang đi một con đường đúng, con đường có sự tiếp sức, tiếp năng lượng của rất nhiều người”, Phương Thảo nhớ lại.
Sau này, khi làm Ủ một miền thơm – cuốn sách nhỏ về sống lành, Anbooks nhận được rất nhiều “tâm thư” của độc giả. Họ cảm ơn chân thành, mua sách tặng cho người thân, người thương của mình, rồi lại kể về người thân, người thương của họ. Những người làm Anbooks cảm nhận rất rõ rằng mình không chỉ bán sách, mà sách dường như là một phần của niềm vui, nỗi buồn, băn khoăn, trăn trở, hy vọng, tình thương và niềm tin vào cuộc sống của họ. Người làm sách chứng kiến dòng chảy của sản phẩm mà mình và tác giả làm ra đi vào đời sống bằng nhiều cách dễ thương, cảm động khác nhau.
“Khi cuốn Dạy con trong “hoang mang” của TS Lê Nguyên Phương được vinh danh trong Giải Sách hay 2018, tôi thấy ở đó bóng dáng rất rõ rệt của độc giả. Họ đọc sách, chia sẻ giá trị của sách, giới thiệu và suy niệm về nó. Họ còn sâu sắc hơn chúng tôi khi bày tỏ những gì mà sách mang lại cho họ. Họ đã cho chúng tôi thấy giá trị của việc mình làm, phần nhiều là lớn hơn những gì chúng tôi đã nghĩ đến. Chúng tôi nợ người đọc rất nhiều!” – Phương Thảo cảm động nói.
Tìm triết lý giáo dục để chọn lẽ sống
Một trong những sự kiện đánh dấu ba năm trưởng thành của Anbooks là buổi tọa đàm “Công dân Việt Nam thế kỷ 21 – Anh là ai?” nhằm tìm câu trả lời cho “triết lý giáo dục” mà chị Ngô Phương Thảo đã ấp ủ từ rất lâu. Nhận thấy những “phần khuyết” trong quá trình học tập và làm việc của mình, câu hỏi ấy đeo đuổi chị qua tháng năm, càng lớn hơn và rõ rệt hơn khi chị đã là mẹ của ba đứa trẻ. Cảm thấy bản thân chưa thể trả lời thấu đáo, chị đi tìm những người có thể giúp chị tìm đáp án – đó là các tác giả của Anbooks, những người có chung sự quan tâm và có quá trình lâu dài quan sát, trải nghiệm về giáo dục.
Cùng ngồi lại để trao đổi, góp phần làm sáng tỏ một chủ đề “khó nhằn” này, có TS Nguyễn Vân Nam từng học triết học, luật học tại CHLB Đức, TS Lê Nguyên Phương có bằng tiến sĩ về lãnh đạo giáo dục tại Mỹ, với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý học đường tại quốc gia này, và PGS-TS Nguyễn Thị Phương Hoa, nhà tâm lý học được đào tạo tại Nga. Ba chuyên gia được đào tạo tại ba nền giáo dục khác nhau, có trải nghiệm sâu sắc và đa dạng trong không gian học thuật lẫn công việc thực tế, đã tạo ra một cuộc đối thoại có tính hệ thống, đa chiều, thẳng thắn về đề tài này.
Với Ngô Phương Thảo, “triết lý giáo dục” không phải là chuyện “cao siêu” hay xa vời mà có liên quan đến đời sống hằng ngày của từng gia đình, từng con người. Cha mẹ phải trả lời “có” hay “không” cho con đi học thêm môn này môn nọ; “có” hay “không” cho con học các kỹ năng mềm, và học kỹ năng mềm loại gì, ở đâu; phải hy sinh nhu cầu nào trong gia đình để có thể cho con học những kỹ năng sẽ giúp con thành đạt trong tương lai – tất cả những điều đó đều được quyết định bằng triết lý giáo dục. Những câu hỏi như: Học để làm gì, tại sao phải học? Tại sao phải học môn này mà không phải môn khác? Tại sao phải học bằng phương pháp này mà không phải bằng phương pháp khác? Tại sao phải học người thầy này mà không phải là người thầy khác? Tại sao phải học ở nước này mà không phải là nước khác?… là “chuyện đời” của hàng triệu người dân Việt.
Với giám đốc Anbooks, giáo dục bao hàm “được giáo dục” và “tự giáo dục”; là hành trình xuyên suốt cả đời người: “Một việc gắn với cả cuộc đời người mà không được vận hành bởi triết lý cũng giống như lục bình trôi trên sông hay như chèo thuyền giữa biển mà không có hải đồ, đi tới chỗ nào cũng đầy những hoang mang, rối rắm. Triết lý chính là cái gốc cho tất cả các nhánh cây giáo dục, và cũng chính là thứ dẫn dắt con người đến những quyết định đúng, phù hợp với giá trị mà họ theo đuổi.
Triết lý đúng chính là tiền đề của hạnh phúc và tự do. Nhiều người Việt e ngại nói đến những chủ đề lớn, mang tính cộng đồng, quốc gia vì nghĩ những điều đó mình không am tường, không can dự vào được. Nhưng nếu một việc chi phối toàn bộ cuộc đời mình mà cứ bình thản giao nó cho cá nhân nào đó hay một tổ chức nào đó, kể cả Bộ Giáo dục thì chẳng phải bạn đang tự giới hạn năng lực suy nghiệm, tìm tòi lẽ sống cho chính mình hay sao?”.