Jacob Morgan đã mang đến những góc nhìn cực kỳ hấp dẫn về hiện tại và tương lai của những nhà lãnh đạo cùng với những thách thức mà họ sẽ đối mặt cùng những mô thức tư duy cần có để vượt qua chúng trong quyển Nhà lãnh đạo tương lai.
Hiện nay, đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu thuyên giảm, số lượng tổ chức, doanh nghiệp start-up liên tục hình thành và phá sản trên toàn thế giới. Bên cạnh việc ảnh hưởng nặng nề về kinh tế do tình hình dịch, phải chăng sự tàn lụi của các tổ chức cũng đến từ những vấn đề vận hành của bộ máy bên trong? Mối quan hệ giữa nhân sự và nhà lãnh đạo có phải là vấn đề mang tính cốt lõi?
Nhà lãnh đạo tương lai đã được viết bởi Jacob Morgan, cùng với đó là những ý kiến của 140 CEO ở mọi lĩnh vực cũng như 140.000 nhân viên toàn thời gian – kinh doanh tự thân trên LinkedIn nhằm nhận định được xu hướng phát triển và những thách thức mà cá nhân người lãnh đạo nói riêng và các tổ chức nói chung phải đối mặt trong tương lai 10 năm tới.
Cuốn sách không chỉ dành riêng cho những nhà lãnh đạo
Một trong những lý do khiến Nhà lãnh đạo tương lai trở nên đặc biệt đó chính là bối cảnh ra đời của tác phẩm. Khi Jacob Morgan đầy nhiệt huyết bị tạt một gáo nước lạnh, chán ghét sự sai vặt và nhát việc chốn công sở, người thanh niên đau đáu suy nghĩ về việc xây dựng một tổ chức mà tất cả chúng ta đều muốn tới làm việc mỗi ngày; và nhà lãnh đạo là người chịu trách nhiệm chính trong việc biến điều này thành hiện thực.
Mặc dù, phong cách lãnh đạo của mỗi cá nhân có thể khác nhau, nhưng những phẩm chất về tính minh bạch và công bằng là cần thiết để có được niềm tin, sự gắn bó của nhân viên. Điều đó không chỉ khiến cá nhân lãnh đạo và tổ chức trở nên hùng mạnh mà còn động viên bản thân nhân viên có thể tự mình trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai.
Bạn sẵn sàng trở thành nhà lãnh đạo chứ?
Theo tác giả Jacob Morgan, để sẵn sàng trở thành nhà lãnh đạo tương lai có khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh mới và gia tăng giá trị bản thân trong bất kỳ tổ chức nào, thì bạn phải biết làm chủ và nhuần nhuyễn Bộ chín lừng danh.
Bộ chín lừng danh là tập hợp “bốn mô thức tư duy và năm kĩ năng luôn đồng hành với nhau mà mọi nhà lãnh đạo tương lai cần phải sở hữu nếu muốn chạm tới thành công.”
Cách vận hành hòa hợp giữa việc đảm bảo hiệu suất công việc với việc đối nhân xử thế, tạo động lực phát triển cho nhân viên có thể là một thách thức khó nhằn đối với những nhà lãnh đạo “non trẻ”.
Về cơ bản, việc lãnh đạo không hề có bất kỳ quy củ nào và luôn luôn thay đổi. Câu chuyện lãnh đạo của mặt bằng chung 10 năm trước đã không thể áp dụng với những diễn biến hiện tại bởi chúng thay đổi như vũ bão.
Và là một nhà lãnh đạo đúng đắn, hãy đừng để bản thân trở thành lỗ hổng lãnh đạo trong tương lai, đừng đề cao tính ổn định của nếp quy củ nữa. Hãy thử áp dụng Bộ chín lừng danh được đề cập trong cuốn sách này, rất nhiều thông tin về kỹ năng và tư duy được truyền tải để nhà lãnh đạo tương lai có thể định hình được thế hệ nhân viên mới đầy nhiệt huyết và cảm tình với công việc.
Với Nhà lãnh đạo tương lai, Jason Morgan đã chia ra làm 5 phần với nhiều chương nhỏ hỗ trợ cho việc khái quát được bức tranh toàn cảnh về câu trả lời cho câu hỏi “lãnh đạo là gì và nhà lãnh đạo là ai?”
- Phần 1: Vai trò của lãnh đạo: Lỗ hổng lãnh đạo – Định nghĩa & Tầm ảnh hưởng của nhà lãnh đạo.
- Phần 2: Các xu hướng – thách thức định hình của nhà lãnh đạo: Chúng ta có sẵn sàng cho xu hướng mới ? Những thách thức của thời đại.
- Phần 3: Bộ chín lừng danh – 4 mô thức tư duy.
- Phần 4: Bộ chín lừng danh – 5 kỹ năng.
- Phần 5: Trở thành nhà lãnh đạo tương lai: Biết và Làm.
Thông qua Nhà lãnh đạo tương lai, chúng ta sẽ thấy được cách diễn giải chi tiết tài tình của Jacob Morgan trong việc lột tả sự khác biệt về quan điểm của các cấp bậc trong tổ chức. Jacob cho rằng giải pháp cốt lõi trước để phát triển hùng mạnh một doanh nghiệp không chỉ là hiệu suất mà những nhân viên hoạt động như những cái máy mang lại, mà chính là văn hóa làm việc. Văn hóa làm việc được khởi tạo và duy trì bởi nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo tốt sẽ tạo ra thế mạnh lớn trong việc giữ chân nhân viên – duy trì sự gắn bó đồng nghiệp cũng như các lợi ích về lợi nhuận và kết quả thắng lợi chung.