Tranh thủ dịp nghỉ lễ đầu mùa đông, chúng tôi đến Crimea để hưởng chút nắng ấm phương Nam, bán đảo này thuộc về Nga cách đây mấy năm sau khi thoát ly từ Ukraine. Từ Moscow, mất khoảng ba giờ bay là đến Simferopol – thủ phủ của Crimea và là thành phố duy nhất có sân bay dân dụng của vùng này.
Crimea là một bán đảo lớn nằm ngay về phía Nam của Ukraine và về phía Tây của miền Kuban thuộc Nga, giữa hai biển Azov và biển Đen, được nối với đất liền của Ukraine bằng eo đất Perekop. Chạy dọc bờ biển Đông Nam là dãy núi Crimea, phía trong lại có một dãy núi nữa chạy song song. Ba phần tư diện tích còn lại của Crimea là các thảo nguyên nửa khô hạn, có địa hình dốc thoải từ chân dãy núi Crimea xuống hướng Tây Bắc.
Nơi tắm biển yêu thích của dân Nga
Phần lớn Crimea có khí hậu ôn đới lục địa, riêng vùng bờ biển Đông Nam có khí hậu cận nhiệt đới. Nhiệt độ khu vực sâu trong đất liền vào mùa hè có thể lên đến 28°C, riêng nhiệt độ của bờ biển phía Nam vào mùa đông có phần cao hơn (bình quân trong tháng 1 khoảng 4°C). Crimea ít mưa, lượng mưa trung bình mỗi năm chỉ độ 400mm. Nhờ đặc điểm khí hậu như vậy mà dải bờ biển phía Nam Crimea là nơi thu hút nhiều du khách Nga và Ukraine đến tắm biển và sưởi nắng. Du lịch là một thành phần quan trọng trong nền kinh tế của bán đảo Crimea. Hằng năm, Crimea tiếp đón gần 6 triệu du khách đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có 1,5 triệu người đến từ Nga.
Dải bờ biển hẹp phía ngoài dãy Crimea có phong cảnh thiên nhiên tươi xanh, là nơi tọa lạc của nhiều làng mạc của người Tatar, các thánh đường Hồi giáo, cung điện của hoàng gia và quý tộc Nga, các lâu đài có từ thời Trung cổ và Hy Lạp cổ đại, các vườn nho và vườn cây ăn quả. Những ngôi nhà gỗ nhỏ, nhiều màu sắc, lửng lơ bên sườn núi hay theo kiểu bậc thang treo quanh vách núi tạo cảm giác ấm cúng và gắn kết với thiên nhiên. Những vườn nho bạt ngàn, đồng lúa mì ngút mắt và cứ đến tháng 5, hoa dại đỏ, tím, vàng điểm xuyết hai bên đường núi đẹp đến ngất ngây. Mùa đông, cảnh vật của Crimea bị bao phủ bởi tuyết trắng, nhưng mây trời và nước biển vẫn trong xanh.
Điểm đến được yêu thích nhất là Alushta – một trong những thành phố nghỉ dưỡng xinh đẹp nhất của Crimea với những đại lộ rợp bóng cây, những bãi cát mềm mại, những đài phun nước và nhiều dinh thự cổ có từ thế kỷ XIX. Các khối nhà cũ kỹ từ thời Xô viết nay đã được thay thế bằng các trung tâm thương mại hoành tráng, những cửa hiệu bánh pizza và bể nuôi cá heo phục vụ cho du khách. Crimea có hàng chục thành phố ven biển xinh đẹp nhưng chỉ có một số được xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch riêng. Bên cạnh đó, những mảng xanh của rừng và núi tạo nên cho Crimea không gian hoang dã bậc nhất Đông Âu. Mỗi độ hè về, rất nhiều du khách từ Nga và các nước Đông Âu đổ đến Crimea để tắm biển. Các cô gái nóng bỏng trong những bộ bikini và chàng trai cơ bắp hiện diện khắp nơi.
Mùa thu, không khí nhẹ nhàng và mềm mại hơn, đó cũng là mùa thu hoạch của những ruộng nho ngút ngàn tại Massandra. Nơi đây được xây dựng vào thế kỷ thứ XIX để cung cấp rượu vang cho Nga hoàng cuối cùng – Nicholas II. Tại đây, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những chai Riesling hảo hạng có màu trắng ngọc với mùi hương cỏ của vùng núi cao. Chỉ cần bỏ ra 300 rúp (khoảng 120 ngàn đồng) là du khách sẽ được nhận một khay có chín loại rượu, được nghe giới thiệu về cách thức pha chế và thời gian ủ của từng loại. Ngoài ra, du khách được mời ghi lại cảm nhận về loại rượu mình yêu thích nhất trên một tờ khảo sát ý kiến in sẵn, giúp nhà hàng biết được loại nào hợp khẩu vị du khách nhất. Nếu thêm 300 rúp nữa, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những hầm trữ rượu Massandra, cách thức bảo quản và duy trì những loại rượu dành ra để dự trữ cho nhiều năm, thậm chí nhiều thế kỷ sau. Nghe nói ở Massandra có tới mười hầm rượu, trữ khoảng 1 triệu chai rượu vang của tất cả bộ sưu tập của các mùa nho từ năm 1775 trở lại đây!
Vùng đất giàu văn hóa
Các đô thị lớn như Yalta, Novyi Svit, Sevastopol đều cách Simferopol chưa đầy một giờ chạy xe. Bắt xe buýt từ bến xe miền Tây Simferopol tới Bakhchysarai, chúng tôi đến một tu viện nằm trên một vách núi khá đẹp.
Con đường bê tông dẫn sâu vào thung lũng giữa hai vách núi đá cao, phong cảnh thiên nhiên thật đẹp và yên bình. Chufut Kale, nằm trên đỉnh một ngọn núi bằng phẳng có tên là Mesa, nổi tiếng với hơn 300 hang động sâu trong lòng núi, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VI và là nơi sinh sống, trú ẩn cho người dân trước thiên nhiên khắc nghiệt. Qua nhiều thế kỷ, những ngôi nhà hang động ngày càng được mở rộng, đủ cho hàng trăm người tạm trú. Người ta còn xây thêm vài nhà thờ trong các hang động.
Một trong những nhà thờ tại đây còn lưu giữ những bức họa mô tả Chúa Kito và Đức mẹ Maria. Sau một thời gian bị bỏ hoang, gần đây dân làng bắt đầu khôi phục và sử dụng các hang động cho mục đích thương mại. Đây là điểm đến yêu thích của nhiều du khách vì họ được trải nghiệm cảm giác sống như thời tiền sử.
Địa điểm tiếp theo là Khan’s Palace được xây dựng từ thế kỷ XVI, là nơi ở của các thủ lĩnh Mông Cổ thời cực thịnh, khi mà đế quốc Mông Cổ vươn tới tận Crimea. Đây là công trình duy nhất tiêu biểu cho lối kiến trúc Tatar ở Crimea và là viên ngọc quý còn sót lại đến ngày nay. Hiện tại, cung điện mở cửa cho du khách để khám phá nét văn hóa nghệ thuật Tatar ở Crimea, bao gồm những tác phẩm hội họa, vũ khí, đền thờ, hậu cung và nghĩa trang cùng khu vực sinh sống của nhà vua.
Yalta lại là một địa điểm thú vị khác trong hành trình của chúng tôi. Thành phố gợi nhớ dáng dấp của Đà Lạt với những ngôi nhà chen chúc trên sườn núi. Từ trên cao, có thể thấy cả thành phố lọt thỏm giữa vùng núi cao hùng vĩ. Những địa điểm tham quan ở Yalta là dinh thự nghỉ dưỡng của các quý tộc ngày xưa nằm trải dài suốt dọc bờ biển. Điểm đầu tiên là lâu đài Vorontsov, chính là nơi hấp dẫn nhất trên suốt chuyến đi. Đây là một trong những lâu đài hoàng gia lâu đời nhất và lớn nhất của Crimea. Công trình được hoàng tử Mikhail Vorontsov cho xây dựng từ năm 1828 đến năm 1848 để làm nhà nghỉ. Kiến trúc sư người Anh Edward Blore là người thiết kế tòa lâu đài, trong khi nhà làm vườn nổi tiếng Carolus Keebach thiết kế 40 hécta sân vườn bao quanh. Còn lâu đài Massandra là một trong những di tích lịch sử đẹp nhất bên bờ biển Crimea, được xây dựng hồi thế kỷ XIX làm nơi nghỉ cho Sa hoàng Alexander III. Từ năm 1992, lâu đài trở thành một bảo tàng công cộng.
Địa điểm tiếp theo là lâu đài Tổ Chim Nhạn (The Swallow’s Nest). Có hai cách tới nơi này: hoặc đi xe buýt, hoặc đi thuyền. Từ trạm xe buýt thì phải đi bộ xuống và leo lên hơn 1.200 bậc thang. Tổ Chim Nhạn còn được gọi là lâu đài Tình Yêu, được xây dựng từ giữa năm 1911 và 1912 trên đỉnh một vỉa đá cao 39,6 mét mang tên Aurora Cliff. Trong suốt một thế kỷ tồn tại, lâu đài theo kiến trúc tân Gothic đã thuộc sở hữu của nhiều gia đình quyền quý, sau này được sử dụng là thư viện và nhà hàng. Năm 2011, sau quá trình trùng tu, Swallow’s Nest trở thành bảo tàng.
Gần đó là cung điện Livadia – một công trình tiêu biểu của lối kiến trúc tân Phục hưng với những khoảng sân rộng theo kiểu Ả Rập và Italy, tháp canh kiểu Florentine cùng ô cửa sổ tinh xảo kiểu Bramantesque. Ngoài ra, nhà thờ trong cung điện theo phong cách tân Byzantine do kiến trúc sư nổi tiếng người Italy là Monighetti thiết kế năm 1866. Cung điện được cả thế giới biết đến năm 1945 vì là nơi tổ chức hội nghị Yalta với sự tham gia của nguyên thủ ba cường quốc, gồm Liên Xô cũ (Stalin), Mỹ (Roosevelt) và Anh (Churchill). Cung điện Livadia hoàn toàn xứng đáng là một kiệt tác kiến trúc. Khu dinh thự trắng muốt tọa lạc tại một vị trí đẹp như tranh vẽ – trên đồi cao lộng gió, ở giữa rừng và nhìn ra biển xanh ngút đến tận chân trời. Có lẽ khu vực nổi tiếng nhất của cung điện là sân Ý. Địa điểm đẹp tuyệt vời này đã nhiều lần được sử dụng làm phim trường cho các bộ phim nổi tiếng của các đạo diễn Nga và nước ngoài. Ngày nay, nơi đây trở thành bảo tàng và nơi tổ chức các hội nghị.
Với chúng tôi, quả thực đây là một chuyến đi tuy ngắn ngủi nhưng cũng kịp để khám phá cuộc sống đượm màu sắc Kavkaz, cũng như chứng kiến cuộc sống của người dân Crimea sau khi sát nhập vào Liên bang Nga.